Bài 1: Hoài Đức (Hà Nội): Ai “chống lưng” cho các trạm trộn bê tông không phép?

Bài 2: Trạm trộn bê tông A&P coi thường pháp luật?

Bài 3:  Người dân bức xức vì trạm trộn bê tông Sông Đà 7.04 gây ô nhiễm

THCL Ngang nhiên hoạt động khi chưa có giấy phép xây dựng, hồ sơ dự án đầu tư xây dựng trạm trộn bê tông, báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép khai thác nước ngầm, xả thải vào nguồn nước, hợp đồng vận chuyển phế thải và sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại…, Trạm trộn bê tông của Công ty CP Sông Đà 7.04 bị phạt 450 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 9 tháng.

Trạm trộn bê tông của Công ty CP Sông Đà 7.04 bị phạt 450 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 9 th áng

Như Thương hiệu & Công luận đã phản ánh, thời gian qua, người dân xã An Thượng cho biết, trạm trộn bê tông này đã và đang hủy hoại cuộc sống của người dân. Hàng trăm hộ gia đình đang phải sống trong tình trạng “bị khủng bố” vì khói bụi, tiếng ồn, nước thải bê tông chưa qua xử lý… ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của 700 hộ dân nơi đây.

Tháng 4/2016, Tổ công tác liên ngành của UBND huyện Hoài Đức đã tiến hành kiểm tra và kết luận hàng loạt sai phạm của trạm trộn bê tông Sông Đà 7.04. Cụ thể, theo Báo cáo số 60/BC-TCT ngày 28/9/2016 của Tổ công tác về việc kiểm tra, xử lý vi phạm các trạm trộn bê tông trên địa bàn huyện Hoài Đức nêu rõ:

Trạm trộn bê tông của Công ty CP Sông Đà 7.04 được lắp đặt xây dựng tại Khu đô thị An Khánh – An Thượng (xã An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội). Ngày 28/8/2015, Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (chủ đầu tư của Khu đô thị An Khánh – An Thượng) đã ký hợp đồng, theo đó cho Công ty CP Sông Đà 7.04 thuê 5.000 m2 đất tại dự án Khu đô thị An Khánh – An Thượng với thời hạn 3 năm (trạm đi vào hoạt động từ tháng 10/2015).

Về xây dựng, Công ty CP Sông Đà 7.04 không có giấy phép xây dựng, hồ sơ dự án đầu tư xây dựng trạm trộn bê tông. Tại hiện trường kiểm tra, công ty đã xây dựng 1 dây chuyền trộn bê tông, 3 xi lô, 1 giếng khoan, 1 bể lắng, 1 nhà văn phòng làm việc, 3 dãy nhà ở công nhân, 1 nhà thí nghiệm và bãi để vật liệu xây dựng khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép.

Về môi trường, Công ty CP Sông Đà 7.04 không có Báo cáo đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không có Giấy phép khai thác nước dưới đất, không có Giấy phép xả thải vào nguồn nước, Hợp đồng vận chuyển phế thải và sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại.

Trước hàng loạt sai phạm trên, Tổ công tác đã lập Biên bản kiểm tra và Biên bản vi phạm hành chính số 01/BB-VPHC về lĩnh vực bảo vệ môi trường với công ty đã có hành vi vi phạm, không có Báo cáo đánh giá tác động môi trường được UBND cấp tỉnh phê duyệt theo quy định đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình UBND cấp tỉnh phê duyệt. Đồng thời, Tổ công tác cũng tham mưu cho UBND huyện Hoài Đức trình UBND TP. Hà Nội ban hành quyết định xử phạt theo đúng thẩm quyền.

Tiếp đó, ngày 28/6/2016, ông Lê Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ký Quyết định số 3559/QĐ-UBND về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty CP Sông Đà 7.04. Mức xử phạt là 450 triệu đồng.

Nội dung Quyết định nêu rõ: Phạt Công ty CP Sông Đà 7.04 với số tiền 450 triệu đồng về hành vi không có Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ có quy mô, công xuất tương đương trường hợp phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh phê duyệt, quy định tại điểm d, Khoản 3, Điều 12 - Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Về hình thức xử phạt bổ sung, Quyết định cũng nêu rõ: Đình chỉ hoạt động Trạm trộn bê tông của Công ty CP Sông Đà 7.04 tại Khu đô thị An Khánh – An Thượng (xã An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội); thời gian đình chỉ là 9 tháng, kể từ ngày Quyết định ban hành, có hiệu lực.

Về biện pháp khắc phục hậu quả, Công ty CP Sông Đà 7.04 phải chấm dứt ngay hành vi vi phạm về lĩnh vực bảo vệ môi trường, đồng thời phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo đúng quy định của pháp luật.

TP. Hà Nội cũng giao cho UBND huyện Hoài Đức tống đạt Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đến Công ty CP Sông Đà 7.04 và yêu cầu chấp hành theo đúng quy định; đồng thời có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc thực hiện.

Trước hàng loạt sai phạm nêu trên, liệu Công ty CP Sông Đà 7.04 có chấp hành nghiêm những quy định của pháp luật, dừng hoạt động, chấm dứt xả thải ra môi trường hay không? Các cơ quan chức năng huyện Hoài Đức sẽ đôn đốc, giám sát việc thực hiện Quyết định số 2559/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội như thế nào?...

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Tuấn Ngọc – Trung Lộc