LTS: Theo Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương thì, Chính phủ giao cho lực lượng quản lý thị trường nhiều nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm lớn trong thực thi pháp luật về phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật.
Đây là vinh dự lớn lao mà Chính phủ giao phó cho lực lượng quản lý thị trường, vậy thì thời gian qua, cụ thể từ năm 2020 đến 2022, Tổng cục Quản lý thị trường đã nói, làm, hành động như thế nào với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được Chính phủ giao? Chúng ta cùng tìm hiểu.
Không nhắc, hoặc có nhắc nhưng chỉ thoáng qua
Trong các năm 2020, 2021, 2022, tại Báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, phần kết quả đạt được không thấy tổng kết trách nhiệm của người đứng đầu, người đứng đầu nêu gương như thế nào? Đã chỉ đạo, ban hành được bao nhiêu kế hoạch, giúp lực lượng ngày càng lớn mạnh, chuyên nghiệp về nghiệp vụ và nâng cao đạo đức công vụ.
Trong báo cáo Tổng kết Tổng cục Quản lý thị trường năm 2021, phần tồn tại, hạn chế có vỏn vẹn 04 dòng như thế này: “Nêu cao vai trò người đứng đầu đơn vị: Thực hiện nghiêm túc các nội dung đã ký với Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường và “hai đi đầu, ba cam kết” trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và tố chức thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị”.
Chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương
Trong Hội nghị Tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Tổng cục Quản lý thị trường dưới hình thức trực tuyến, đăng tải 26/01/2022 tại Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương (MOIT), Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những kết quả mà Tổng cục Quản lý thị trường đã làm được trong năm 2021. Ông Bộ trưởng chỉ đạo Tổng cục: “Lực lượng quản lý thị trường tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện đề án luân chuyển, điều động cán bộ trong toàn lực lượng; báo cáo Bộ Công Thương triển khai thí điểm đề bạt, bổ nhiệm người đứng đầu Cục Quản lý thị trường không phải là người địa phương đối với một số địa bàn, nhất là địa bàn quan trọng. Nêu cao vai trò của người đứng đầu đơn vị. Thực hiện nghiêm túc các nội dung đã ký với Tổng cục trưởng về “hai đi đầu, ba cam kết” trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị”.
Chỉ đạo tiếp theo là tiếp tục tấn công, triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm về buôn lậu, gian lậu thương mại.
Cũng trong Hội nghị Tổng kết đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh: “Đặc biệt, lực lượng quản lý thị trường cũng bước đầu chính quy, hiện đại, đã bắt đầu triển khai mạnh ấn chỉ điện tử và thay đổi trang phục. Việc thay đổi trang phục chính là thay đổi cả bộ mặt của Tổng cục. Lãnh đạo Bộ rất kỳ vọng từ sự thay đổi trang phục này, với mong muốn hình ảnh của quản lý thị trường trong con mắt người dân và Chính phủ sẽ đẹp hơn”.
Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nói
Ngày 02/02/2022, trên tạp chí điện tử Quản lý thị trường, cơ quan ngôn luận của Tổng cục Quản lý thị trường, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (nhận chức từ năm 2018), nhấn mạnh: "Người đứng đầu - nhân tố quyết định xây dựng lực lượng quản lý thị trường đoàn kết, vững mạnh".
Bài viết như sau: Ngày 02/03/08/2022, tại Khánh Hoà, Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ toàn lực lượng năm 2022.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh nhấn mạnh: “Mục tiêu của Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức, quán triệt sâu sắc về vai trò người đứng đầu đơn vị; thảo luận, thống nhất kế hoạch công tác, đồng thời, định hướng phát triển lực lượng thời gian tới.
Xác định “Người đứng đầu là nhân tố quyết định”, Tổng cục trưởng nhấn mạnh đến vai trò trung tâm đoàn kết nội bộ của người đứng đầu; là người có năng lực quản lý cán bộ, tài chính, chuyên môn… Tổng Cục trưởng nhấn mạnh, người đứng đầu mỗi đơn vị phải gương mẫu, bao dung, kiên quyết, dám làm, dám chịu… có như vậy, đơn vị mới trở thành khối đoàn kết, hoàn thành nhiệm vụ. Tổng cục trưởng khẳng định: “Thủ trưởng thế nào, quân sẽ như vậy”, do đó, người đứng đầu có vai trò định hướng rất quan trọng cho tập thể cùng phát triển. Bên cạnh đó, Lãnh đạo Tổng cục yêu cầu người đứng đầu: Phải gạt bỏ tư duy nhiệm kỳ, tuổi tác; Phải có trách nhiệm xây dựng và phát triển lực lượng; Phải cầu thị, phải nghiêm túc; Phải cảm thấy xấu hổ nếu để đơn vị xảy ra sai phạm…
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển lực lượng quản lý thị trường thời gian tới, Tổng cục trưởng cho rằng, phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. “Lực lượng chúng ta đang làm rất mạnh mẽ, đã có rất nhiều chuyển biến, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu”, vì vậy, Tổng cục trưởng xác định, thời gian tới phải coi đây là nhiệm vụ căn bản vì từ đây sẽ phát triển nhiều mặt, tạo chuyển biến toàn diện cho lực lượng.
Nêu quan điểm: “Cấp đội là hạt nhân”, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cho rằng, cấp đội quản lý thị trường có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh công chức quản lý thị trường bởi, đây là những người trực tiếp tiếp xúc với doanh nghiệp, người dân. Đặc biệt, đây cũng là bộ phận rất dễ tiếp xúc với những mặt trái, tiêu cực của xã hội, do vậy, phải tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp đội, từ đó, xây dựng lực lượng quản lý thị trường phát triển vững mạnh. “Thời gian tới, sẽ tập trung đầu tư, nâng cao năng lực của tuyến này”, Tổng cục trưởng nhấn mạnh”.
Có thể thấy, trong phát biểu “ngắn gọn” của mình trước toàn ngành, ông Tổng cục trưởng dùng nhiều từ “nhấn mạnh” đến “vai trò người đứng đầu”. Thế nhưng, Báo cáo Tổng kết năm 2022 lại không hề có một dòng nào tổng kết liên quan đến vai trò người đứng đầu. Hơn nữa, trong năm 2022, nhiều Cục trưởng, quyền cục trưởng, phụ trách cục, đội trưởng vi phạm, bị kỷ luật, bị khởi tố, truy tố… Vậy, vấn đề giáo dục đạo đức nghiệp vụ năm này qua năm khác được hiểu như thế nào? Lời nói có đi đôi với việc làm không hay lời nói chỉ “gió bay” theo kiểu giải thích đầy tâm tư của ông Tổng cục trưởng là “con sâu làm giàu nồi canh” thôi?
Ông Linh nói: "Lãnh đạo Tổng cục yêu cầu người đứng đầu: Phải gạt bỏ tư duy nhiệm kỳ, tuổi tác; Phải có trách nhiệm xây dựng và phát triển lực lượng; Phải cầu thị, phải nghiêm túc; Phải cảm thấy xấu hổ nếu để đơn vị xảy ra sai phạm…", vậy, phải tự tay ký hàng trăm quyết định kỷ luật cán bộ vi phạm, ông có "phải cảm thấy xấu hổ nếu để đơn vị xảy ra sai phạm..." không?
Công tác bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn để hội nhập năm nào cũng được thực hiện, kinh phí cho cho hoạt động này không ít, vi phạm của người đứng đầu Cục ở địa phương, đội… vẫn diễn ra với các hành vi đa dạng, ông Linh giải thích như thế nào vào trách nhiệm người đứng đầu; Ông chịu trách nhiệm như thế nào trước Bộ trưởng Bộ Công Thương, trước Chính phủ? Vì hằng năm, ông vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ, thậm chí hoàn thành xuất sắc? Phải tự tay ký hơn 200 quyết định xử lý cán bộ, thì có phải là “hoàn thành tốt nhiệm vụ không?”
34/63 quyền cục trưởng, phó cục trưởng phụ trách thì nêu gương và thực hiện trách nhiệm người đứng đầu theo quy định nào?
Trong bài viết của Tiến sỹ Bùi Thị Ngọc Mai về chủ đề: Người đứng đầu và trách nhiệm của người đứng đầu, đăng trên tạp chí Quản lý Nhà nước có giải thích về người đứng đầu như sau: Theo nghĩa rộng người đứng đầu là chỉ cá nhân hoặc tập thể có quyền lực nhất định trong lãnh đạo, quản lý, gánh vác trách nhiệm nhất định và đứng đầu chỉ huy, tổ chức một đơn vị hoặc một tổ chức nhất định để thực hiện mục tiêu lãnh đạo, quản lý đã đề ra. “Người đứng đầu” được hiểu là thuật ngữ dùng để chỉ thiết chế giữ vị trí pháp lý cao nhất trong tổ chức, thực hiện vai trò lãnh đạo, quản lý tổ chức”.
Vậy, các chức danh là quyền cục trưởng, phó cục trưởng phụ trách có được coi là người đứng đầu không?
Ông Trần Hữu Linh nhận chức Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường năm 2018, đến nay đã được hơn 04 năm. Trong Báo cáo Tổng kết cuối năm, về vấn đề nhân sự, đều có cụm từ “kiện toàn tổ chức, đội ngũ lãnh đạo…”. Thế nhưng, đến cuối năm 2022, trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Quản lý thị trường, địa chỉ https://dms.gov.vn/, tại mục giới thiệu, tiểu mục Cục Quản lý thị trường địa phương, chúng tôi vẫn thấy có đến 34/63 quyền cục trưởng, phó cục trưởng phụ trách. Vậy công tác kiện toàn bộ máy lãnh đạo ở đâu? tại sao lại nhiều quyền cục trưởng, nhiều phó phụ trách như vậy? có phải thiếu cán bộ không? Công tác tổ chức, sắp xếp cán bộ ở đây như thế nào? và kết quả đã rõ khi có hàng trăn cán bộ, nhân viên bị kỷ luật, hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, vi phạm sở hữu trí tuệ, trốn thuế... vẫn lan rộng, mức độ tăng.
Vậy, nêu gương người đứng đầu, trách nhiệm, đề cao, nhấn mạnh người đứng đầu được hiểu như thế nào? Với phân tích của Tiến sỹ Mai như chúng tôi trích dẫn ở trên, phó cục trưởng phụ trách, quyền cục trưởng có được xác nhận là người đứng đầu hay không? Và, khi nhân sự đó chưa thực sự là người đứng đầu về pháp lý thì nêu gương như thế nào? Quy trách nhiệm người đứng đầu trước các vấn đề của địa phương ra sao?
Bài 5: Quản lý thị trường cần nhìn thẳng vào thực tế để thay đổi phù hợp, phát triển và hội nhập
Bài viết được thực hiện bởi phóng viên Ban Điện tử
Ảnh: Minh An - Lê Pháp