LTS: Theo Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương thì, Chính phủ giao cho lực lượng quản lý thị trường nhiều nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm lớn trong thực thi pháp luật về phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật.
Đây là vinh dự lớn lao mà Chính phủ giao phó cho lực lượng quản lý thị trường, vậy thì thời gian qua, cụ thể từ năm 2020 đến 2022, Tổng cục Quản lý thị trường đã nói, làm, hành động như thế nào với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được Chính phủ giao? Chúng ta cùng tìm hiểu.
Tổng cục Quản lý thị trường nhận diện những hành vi vi phạm của cán bộ
Những vi phạm chủ yếu của cán bộ quản lý thị trường theo Báo cáo năm 2020: Kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính không đúng theo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; Biên bản không đầy đủ chữ ký của một trong các bên tham gia; Biên bản vi phạm hành chính, Quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa ghi chính xác hành vi vi phạm hành chính quy định tại văn bản quy định xử phạt; Áp dụng hình thức xử phạt không đúng quy định của pháp luật; Ghi chép hồ sơ ấn chỉ; Thực hiện không đúng quy trình khi tiếp nhận thông tin của công chức khi tiến hành khám phương tiện; Ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính không đúng quy định của pháp luật (xử phạt sai thẩm quyền); Quản lý, sử dụng Thẻ kiểm tra thị trường không đúng theo quy định; Vi phạm về thời gian làm việc hành chính; Tiếp nhận hồ sơ vụ việc do cơ quan khác chuyển giao chưa đúng quy định; Bỏ lọt hành vi vi phạm; Phân công công chức đang trong thời gian thi hành kỷ luật là thành viên của Tổ/Đoàn kiểm tra...…
Tổng cục Quản lý thị trường đã thực hiện 551 cuộc kiểm tra; Trong đó, theo kế hoạch: 397 cuộc; Số cuộc kiểm tra đột xuất: 254 cuộc (chủ yếu dưới hình thức kiểm tra nhanh về kỷ luật, kỷ cương hành chính). Đến thời điểm báo cáo, số cuộc đã kết thúc việc kiểm tra nội bộ trực tiếp tại đơn vị nhưng chưa ban hành kết luận: 93 cuộc; Số cuộc đã ban hành kết luận: 458 cuộc.
Kết quả đã phát hiện số đơn vị có tồn tại, hạn chế: 82 đơn vị; Số công chức vi phạm, tồn tại, hạn chế: 247 công chức. Theo đó, kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm: 239 công chức; Xử lý kỷ luật, xử lý khác: 03 công chức; Số quyết định hành chính không đúng pháp luật được xem xét hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, đính chính theo quy định của pháp luật: 57 Quyết định.
Đã kiểm điểm rút kinh nghiệm: 238 công chức; Có 03 công chức bị xử lý kỷ luật; Số Quyết định hành chính có sai sót: 104 Quyết định; Số Quyết định sửa đổi, bổ sung, đính chính: 52 Quyết định; Số Quyết định hành chính mới ban hành: 14 Quyết định.
Năm 2021, Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức 260 cuộc kiểm tra nội bộ gồm: 157 cuộc theo kế hoạch; 22 cuộc đột xuất; 81 cuộc kiểm tra nhanh; đã ban hành Kết luận 185 cuộc; 24 đơn vị có tồn tại, hạn chế, sai phạm; 101 công chức có tồn tại, hạn chế, vi phạm (đã kiểm điểm rút kinh nghiệm: 99; 02 công chức bị kiến nghị kỷ luật). Thực thi pháp luật trong hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính còn nhiều sai sót.
Việc chấp hành pháp luật trong thi hành công vụ có nơi chưa nghiêm, việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó, hiện tượng suy giảm về đạo đức công vụ, tình trạng quan liêu, hách dịch hoặc gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân trong thực thi công vụ của một bộ phận công chức quản lý thị trường chưa được ngăn chặn và đẩy lùi triệt để. Số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân và doanh nghiệp đối với hoạt động công vụ của công chức quản lý thị trường còn nhiều.
Năng lực thực thi công vụ ở một số đơn vị chưa đồng đều, còn có công chức buông lỏng quản lý, chưa chấp hành đúng quy định trong hoạt động công vụ, dẫn đến sai sót trong quy trình kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính.
Năm 2022, Báo cáo tổng kết nhận diện: Trong quá trình thực thi công vụ, một số công chức quản lý thị trường, người lao động vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan, vi phạm pháp luật đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự cho thấy ý thức trách nhiệm và trình độ năng lực của một số công chức quản lý thị trường còn hạn chế; hiệu quả công tác kiểm tra xử lý vi phạm hành chính, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả trên thị trường ở nhiều nơi, đặc biệt là ở một số địa bàn trọng điểm chưa cao. Việc xây dựng kế hoạch kiểm tra chưa theo sát thông tin, tình hình nổi cộm của các đơn vị dẫn đến xác định nội dung kiểm tra đôi khi chưa trúng, chưa đúng đối tượng cần kiểm tra. Công tác kiểm tra nội bộ, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính ở một số Cục Quản lý thị trường còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý, có biểu hiện thực hiện chưa nghiêm, còn nặng tính hình thức, kết luận hành vi, xác định trách nhiệm chưa đúng, có hiện tượng nể nang.
Công chức vi phạm ở mọi cấp độ
Liên quan đến vụ Con Cưng, 02 cán bộ cao cấp của Tổng cục Quản lý thị trường, khi đó là Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, gồm: Ông Trần Hùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường và ông Nguyễn Trọng Tín, nguyên Phó Cục trưởng bị Bộ Công Thương thi hành kỷ luật. Sau đó, ông Trần Hùng bị khởi tố, xét xử.
Mới nhất là trong tháng 01/2023, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh Trương Văn Ba, bị Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương quyết định kỷ luật với hành vi ký văn bản yêu cầu đội quản lý thị trường báo cáo, xin ý kiến Cục trưởng khi kiểm tra, khám theo thủ tục hành chính, áp dụng văn bản đã hết hiệu lực thi hành và ban hành văn bản sai xử phạt hành chính doanh nghiệp. Liên quan tới việc ông Ba bị kỷ luật, ông Phó Cục trưởng Nguyễn Tiến Đạt cũng bị phê bình nghiêm khắc.
Năm 2022, ông Chu Xuân Kiên, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Kiểm tra - Phối hợp liên ngành, nguyên Trưởng phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp và Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế đều bị xem xét kỷ luật. Một số công chức của Cục Quản lý thị trường liên quan đến vụ Con Cưng trước đó và Công ty Phú Hưng Phát đều bị xem xét kỷ luật, có công chức bị khởi tố, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật.
Năm 2022, ông Trần Duy Tuấn, cựu Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Ninh Bình, và 03 thuộc cấp là Nguyễn Phú Hùng, nguyên Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3; Trần Quang Tuyến và Đinh Huy Hùng, nguyên Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3, bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Tháng 09/2022, Ủy ban Kiểm tra tỉnh Hòa Bình đã họp, xem xét báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật đối với ông Hoàng Đức Cương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình và ông Đỗ Mạnh Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ vì vi phạm báo cáo, lập hồ sơ, kê khai sơ yếu lý lịch, lịch sử bản thân không đầy đủ, không trung thực.
Tháng 04/2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh ký quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Võ Văn Tỉnh, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đồng Nai (từng giữ quyền cục trưởng) và kỷ luật khiển trách ông Võ Khắc Như, Phó cục trưởng (phụ trách phòng tham mưu tổng hợp và đội 1); Quyết định kỷ luật bằng hình thức giáng chức ông Đào Trí Huynh, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 và cách chức ông Lưu Duy Anh, Phó đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1; Khiển trách ông Mai Đức Anh và hạ bậc lương đối với Ngô Đình Minh, kiểm soát viên đội quản lý thị trường số 1; Cảnh cáo ông Trần Quang Khải - trưởng phòng nghiệp vụ tổng hợp và ông Trần Minh Tâm - kiểm soát thị trường thuộc phòng nghiệp vụ - tổng hợp. Cả 08 cán bộ nêu trên của Cục Quản lý thị trường Đồng Nai bị kỷ luật vì "có hành vi vi phạm trong hoạt động công vụ".
Trước đó, ông Nguyễn Thanh Hải, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương cũng bị thi hành kỷ luật vì liên quan đến chế độ, chính sách đối với người lao động hợp đồng. Cụ thể, ông Hải giữ chức Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương từ năm 2009 đến 2018 nhưng đã không thông qua cấp ủy và Ban lãnh đạo chi cục về chủ trương và nhân sự khi tuyển dụng lao động. Đặc biệt đã không thực hiện đúng quy trình tuyển dụng khi ký vượt chỉ tiêu 21 hợp đồng lao động nên không bố trí được công việc, không có kinh phí trả lương và gây nên sự bức xúc của cán bộ, nhân viên trong cơ quan.
Cũng trong năm 2022, Công an huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam quyền Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2, phụ trách kiểm soát thị trường thị xã La Gi, huyện Hàm Tân và huyện Hàm Thuận Nam; thuộc Cục Quản lý thị trường Bình Thuận; Trần Văn Thăng cùng với Bùi Viết Mạnh và Ngô Văn Phúc, kiểm soát viên trung cấp Đội 2, vì vi phạm pháp luật trong khi thi hành công vụ, nhận tiền của doanh nghiệp khi bị thanh tra. Ngoài những cán bộ bị bắt giam, một số cán bộ khác của Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận cũng bị kỷ luật.
Liên quan đến vụ sản xuất sách giả Công ty TNHH Phú Hưng Phát, năm 2021, 03 công chức của Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội bị khởi tố, truy tố gồm: Lê Việt Phương, nguyên Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 17, nay là Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14. Phạm Ngọc Hải và Thành Thị Đông Phương, nguyên kiểm soát viên Đội Quản lý thị trường số 17, nay là kiểm soát viên Đội Quản lý thị trường số 14, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội.
Cuối năm 2022, Công an TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 03 tháng đối với nghi can Lê Trọng Nhạc để điều tra tội “Cố ý gây thương tích”. Bị can Lê Trọng Nhạc trước khi bị khởi tố, bắt giam là công chức Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa. Theo cơ quan điều tra thì, Nhạc gây thương tích với người yêu của mình bằng hành vi đánh đập….
Và, còn nhiều những vi phạm, kỷ luật khác, với nhiều hành vi khác nhau như nhận diện của Tổng cục Quản lý thị trường, chúng tôi chưa thống kê.
Chuyện 200 cán bộ bị kỷ luật
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường chia sẻ về việc hơn 200 cán bộ bị kỷ luật trên báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh ngày 02/07/2022 rằng: “Mỗi cục chỉ có 50-70 người, chưa đáp ứng được, bên cạnh đó còn có những “con sâu làm rầu nồi canh”.
Vấn đề đặt ra là, vì sao, năm nào Tổng cục Quản lý thị trường cũng kiểm tra, cũng tiến hành các lớp bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn, đạo đức công vụ mà cán bộ, công chức vi phạm pháp luật vẫn nhiều, vẫn đa dạng hành vi, từ nhận hối lộ, quan liêu, sách nhiễm, cửa quyền đến áp dụng quy định để ban hành văn bản cũng áp dụng văn bản hết hiệu lực; rồi thì bỏ lọt hành vi vi phạm của đối tượng bị kiểm tra; Đến đánh bạn gái gây thương tích; Giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo chưa thỏa đáng…
Theo Báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường thì số lượng cuộc kiểm tra nội bộ, xử lý cũng nhiều chứ không phải ít, vậy đó có phải là “con sâu” hay không? Hay chính sách cán bộ quản lý thị trường đang “có vấn đề” khó nói?
Bài 4: Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nêu cao trách nhiệm người đứng đầu được thể hiện ra sao?
Bài viết được thực hiện bởi phóng viên Ban Điện tử
Ảnh: Minh An - Lê Pháp