Theo đó, qua công tác nắm tình hình về hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và báo cáo kết quả hoạt động của Hiệp hội mía đường Việt Nam đối với mặt hàng đường cát kể từ khi Hiệp định ATIGA có hiệu lực ngày 1/1/2020, thì hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường cát qua biên giới đã giảm rõ rệt so với những năm trước đây. Thay vào đó, số lượng đường nhập khẩu chính ngạch tăng mạnh.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Hiệp hội mía đường Việt Nam trong những tháng cuối năm 2020 (sau thời điểm Bộ Công Thương có quyết định số 2466/QĐ-BCT ngày 21/09/2020 về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan) thì lượng đường nhập khẩu từ Malaysia, Campuchia, Indonesia vào Việt Nam tăng đột biến, trong khi đó, Malaysia là quốc gia không trồng mía và Campuchia, Indonesia là những quốc gia sản xuất không đủ cho thị trường nội địa và phải nhập khẩu đường từ Thái Lan với số lượng lớn.
Từ những cơ sở đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đánh giá trong thời gian tới hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường cát qua biên giới sẽ gia tăng trở lại, đặc biệt tại địa bàn các tỉnh biên giới Việt Nam – Campuchia.
Bên cạnh đó, việc lẩn tránh phòng về thương mại (gian lận về xuất xứ) thông qua các loại hình nhập khẩu mặt hàng đường cát từ các quốc gia trong khối ASEAN sẽ gia tăng và tiểm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về trốn thuế.
Chính vì vậy,Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã có công văn đề nghị Cơ quan Thường trực tham mưu Trưởng Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành và địa phương chỉ đạo các lực lượng chức năng thực tăng cường công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát, nắm tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, nhằm kịp thời phát hiện, đấu tranh, bắt giữ và xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt đường cát qua biên giới. Không để phát sinh và tồn tại địa bàn phức tạp về hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới.
Trước đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT ngày 9/02/2021, về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương Quốc Thái Lan.
Quyết định này có hiệu lực sau 7 ngày tính từ ngày được ban hành và thời hạn áp dụng là 120 ngày, kể từ ngày có hiệu lực, áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía, phân loại theo mã HS 1701.13.00; 1701.14.00; 1701.99.10; 1701.91.00 và 1702.90.91.
Quyết định trên đưa ra trên cơ sở điều tra của Bộ Công Thương, Bộ này bắt đầu điều tra vụ việc vào ngày 21 tháng 9 năm 2020 trên cơ sở kết quả thẩm định Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống tiêu cực của đại diện ngành sản xuất trong nước.
Thành Nam