Theo đó, Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chuẩn bị đã đánh giá khá toàn diện, sâu sắc thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020.
Quy hoạch chỉ ra 5 cơ hội, 5 thách thức lớn và các lợi thế lớn của tỉnh trong giai đoạn tới; đồng thời nêu lên quan điểm phát triển, trong đó nhấn mạnh: Cần phải phát huy vị trí chiến lược, các lợi thế so sánh của tỉnh Thanh Hóa, đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển hợp lý theo bề rộng và theo chiều sâu, trong đó phát triển theo chiều sâu là chủ đạo, liên tục tạo ra các lợi thế so sánh mới để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng và phát triển Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ Quốc.
Đề án quy hoạch xây dựng 3 phương án tăng trưởng, trong đó đề xuất phương án thứ 2 là phương án chọn. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025 sẽ là 11,5%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 là 9,2%. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 là 5000USD, đến năm 2030 là 8700 USD.
Tổng vốn huy động đầu tư phát triển toàn xã hội 10 năm là 1,6 triệu tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 là 700 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là 900 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,5% trở lên.
Đề án quy hoạch xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, 4 khâu đột phá, đồng thời đề xuất mô hình tăng trưởng: 4 - 5 - 6, nghĩa là 4 trung tâm kinh tế động lực; 5 trụ cột tăng trưởng và 6 hành lang kinh tế.
Trong quy hoạch cũng đã nêu lên phương hướng phát triển các ngành và tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội; phương án phân bố và khoanh vùng đất đai; phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện; công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dang sinh học; phương án bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên trên địa bàn; phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; danh mục các dự án ưu tiên đầu tư; giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch; tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nêu rõ các nội dung được thảo luận, xem xét, quyết định tại hội nghị lần này đều là những vấn đề lớn, có ý nghĩa rất quan trọng, liên quan đến sự phát triển của tỉnh trong 10 năm, 25 năm tới và xa hơn; đặc biệt là Đề án Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, ông Đỗ Trọng Hưng cũng đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát huy trí tuệ tập thể và tinh thần, trách nhiệm của từng đồng chí, thảo luận sâu sắc, kỹ lưỡng, đóng góp những nội dung thiết thực để Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp thu, hoàn chỉnh các văn kiện.
Do vậy, về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các đồng chí Thường trực, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã góp ý, đề nghị trong quy hoạch cần bám sát vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), đồng thời cập nhật thêm các yếu tố mới phát sinh để xác định hợp lý, có luận giải rõ ràng.
Các đại biểu đã dành nhiều thời gian để cho ý kiến vào việc xây dựng quy hoạch vùng liên huyện, định hướng phát triển các ngành kinh tế và các chỉ tiêu chủ yếu.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng khẳng định: Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một văn kiện rất lớn, vừa có tính chính trị, vừa có tính pháp lý cao nhất để xác định hướng đi, tầm nhìn, mục tiêu phát triển và các nhiệm vụ chủ yếu của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Việc xây dựng quy hoạch không chỉ là thực hiện nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mà còn để thực hiện Luật Quy hoạch, Nghị định 37 của Chính phủ, Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Nếu làm tốt quy hoạch sẽ tạo động lực, mở đường cho sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa, ngược lại, nếu làm không tốt sẽ tạo ra vướng mắc, cản trở sự phát triển.
Hoài Thu