5 tháng đầu năm 2023 phát hiện 1.320 vụ vi phạm

Cụ thể, theo Cục QLTT TP. HCM cho biết, trong 5 tháng/2023, cơ quan này đã tiến hành kiểm tra 1.442 vụ. Trong đó, phát hiện 1.320 vụ vi phạm, tạm giữ số lượng hàng hóa ước tính hơn 41 tỷ đồng, đã xử phạt với số tiền hơn 22 tỷ đồng.

Một số nhóm vi phạm nổi cộm, như: Về hàng lậu, các Đội QLTT đã kiểm tra, xử lý 322 vụ (tăng 193 vụ so với cùng kỳ năm 2022), tạm giữ 523.093 đơn vị sản phẩm hàng hóa các loại, trị giá ước tính hơn 16,8 tỷ đồng, xử phạt với số tiền hơn 6,8 tỷ đồng;

Đối với hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đã kiểm tra, xử lý 414 vụ (tăng 366 vụ so với cùng kỳ năm 2022), tạm giữ 480.680 đơn vị sản phẩm hàng hóa các loại, trị giá ước tính hơn 18,2 tỷ đồng, xử phạt với số tiền hơn 5,1 tỷ đồng;

Về hàng giả, đã kiểm tra, xử lý 367 vụ (tăng 270 vụ so với cùng kỳ năm 2022), tạm giữ 52.242 đơn vị sản phẩm hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng, trị giá ước tính hơn 5,4 tỷ đồng, xử phạt với số tiền hơn 4,4 tỷ đồng;

So với cùng kỳ năm 2022, trong 5 tháng/2023, Cục QLTT TP. HCM đã triển khai công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt được hiệu quả cao hơn so với cùng kỳ.

Cụ thể như: Vụ việc kiểm tra 1.442 vụ (tăng 119,48% vụ so với cùng kỳ năm 2022); Trị giá hàng hóa vi phạm tạm giữ là 41 tỷ đồng (tăng 24,24% so với cùng kỳ năm 2022); Số tiền phạt là 22 tỷ đồng (tăng 197,29% so với cùng kỳ năm 2022).

Trong đó, phát hiện nhiều vụ việc quy mô lớn, ảnh hưởng đến người tiêu dùng như: Đội QLTT số 3 phát hiện 26,5 tấn đường cát nhập lậu tại khu vực Quận 6; Đội QLTT số 2 phát hiện hơn 35 ngàn đơn vị sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại khu vực quận Gò Vấp, ước tính trị giá hơn 8,3 tỷ đồng. Đối với thuốc lá điện tử, các Đội QLTT cũng kiểm tra, xử lý 30 vụ, tạm giữ 3.974 sản phẩm thuốc lá điện tử, tinh dầu các loại, trị giá ước tính hơn 784 triệu đồng, xử phạt hơn 367 triệu đồng.

Lực lượng QLTT TP. HCM kiểm tra hoạt động kinh doanh hàng hoá trên địa bàn
Lực lượng QLTT TP. HCM kiểm tra hoạt động kinh doanh hàng hoá trên địa bàn

Đối với hoạt động thương mại điện tử, Cục QLTT TP. HCM đã xử phạt với tổng số tiền là 505 triệu đồng (riêng các vi phạm về thương mại điện tử là 240 triệu đồng), tịch thu 3.596 đơn vị sản phẩm hàng điện tử, linh kiện máy tính, giày dép, phụ kiện thể thao và buộc tiêu hủy 8.405 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử, thực phẩm, thức ăn cho chó mèo, đồ chơi trẻ em, đồ dùng trẻ em.

Cũng trong 5 tháng/2023, Cục QLTT TP. HCM đã phối hợp tổ chức một số hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật như: Chuyên đề “Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” nhằm hưởng ứng chuỗi hoạt động “Tổ chức giới thiệu sản phẩm hàng Việt và Ngày hội ẩm thực Việt” năm 2023 do Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Quận 10 tổ chức tại Công viên Văn hóa Lê Thị Riêng đã thu hút hàng trăm lượt người tham quan mua sắm cùng tham dự.

QLTT phối hợp với Thành Đoàn TP. HCM thực hiện chương trình Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử; tuyên truyền thông qua các đợt kiểm tra, vận động người dân phối hợp cùng với cơ quan chức năng theo dõi, phát hiện đối tượng có hành vi sản xuất, mua bán hàng hóa kém chất lượng, đặc biệt qua các kênh thương mại điện tử nổi cộm trong thời gian qua như Tiktok, facebook, Zalo, các sàn giao dịch thương mại điện tử,...

Trong Quý III/2023, Cục QLTT TP. HCM sẽ phối hợp với một số đơn vị, tổ chức Hội nghị tuyên truyển, phổ biến pháp luật cho các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn quận; tập huấn nghiệp vụ về tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo cho lực lượng công chức QLTT trực tiếp làm nhiệm vụ tiếp…

Vẫn còn nhiều bất cập…

Theo Cục QLTT TP. HCM, do địa bàn rộng, số lượng biên chế của Cục QLTT TP. HCM còn ít, một số công chức phải kiêm nhiệm từ 02 đến 03 phường và thêm nhiều công tác khác, nên công tác quản lý địa bàn, cập nhật thông tin các tổ chức, cá nhân đôi khi còn chậm, chưa đáp ứng kịp tình hình diễn biến hàng ngày của thị trường.

Nhiều Đội QLTT được sáp nhập gặp khó khăn về việc bố trí, xây dựng và bảo đảm tiêu chuẩn nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ tịch thu; một số Đội không có kho tạm giữ tang vật, phương tiện riêng, phải đi thuê kho trả chi phí hàng tháng và thủ tục thanh toán bốc vác, phương tiện vận chuyển rất khó khăn.

Đồng thời, hiện nay 32/55 Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính phủ quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của QLTT, nhưng giữa các lĩnh vực do Bộ, ngành cùng xây dựng có sự chồng lấn, trùng lập, chưa đồng bộ, còn bất cập…, tạo nhiều rủi ro, kẽ hở cho công tác thực thi pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Mặt khác, cùng nội dung vi phạm nhưng nhiều văn bản quy định xử lý khác nhau gây khó khăn cho cơ quan áp dụng xử phạt cần rà soát, hoàn thiện.

Lực lượng QLTT TP. HCM kiểm tra hoạt động kinh doanh hàng hoá trên địa bàn
Lực lượng QLTT TP. HCM kiểm tra hoạt động kinh doanh hàng hoá trên địa bàn

Ngoài ra, việc phối hợp giữa các Ngành, Cơ quan chức năng trong xử lý vi phạm hành chính còn khó khăn, như: Cơ quan Thuế không hỗ trợ cung cấp thông tin cho Cục QLTT do quy định tại Điều 99 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019: “Chỉ cung cấp thông tin theo yêu cầu của Cơ Quan Điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án, Thanh tra Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, riêng đối với cơ quan quản lý khác của Nhà nước  thì cơ quan Thuế chỉ có trách nhiệm cung cấp thông tin người nộp thuế cho các cơ quan này theo quy định của pháp luật”.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực thương mại điện tử, các trang xã hội như Facebook, Zalo, Shopee…. hiện nay rất phức tạp. Các đối tượng sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội khác nhau, tạo lập tài khoản sử dụng thông tin giả tận dụng công nghệ để xóa bỏ dấu vết giao dịch, ẩn danh trên mạng internet; các website thương mại điện tử không cung cấp địa chỉ hoặc địa chỉ không chính xác, gây khó khăn trong việc xác minh thông tin, truy vết các đối tượng, rất khó để xác định đối tượng vi phạm và nơi chứa trữ hàng hóa vi phạm để kiểm tra, xử lý; việc giao nhận hàng hóa qua dịch vụ giao nhận hàng hóa, nên các đối tượng đã lợi dụng để trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán cho người tiêu dùng; phương tiện sử dụng bằng xe gắn máy, với số lượng ít nên rất cơ động và khó phát hiện.

Báo chí ngày càng thể hiện vai trò, là cầu nối quan trọng

Đặc biệt, theo Cục QLTT TP. HCM cho biết: Truyền thông, báo chí ngày càng thể hiện vai trò, là cầu nối quan trọng, hỗ trợ hiệu quả việc thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của các cơ quan, ban ngành trong thành phố nói chung và của lực lượng QLTT TP nói riêng.

Các cơ quan chức năng cần phát huy tinh thần hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, để làm tốt công tác truyền thông; bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin cần thiết cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời chủ động đấu tranh, phản bác các thông tin không đúng sự thật gây hoang mang cho người dân, doanh nghiệp, làm gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, vị thế của các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, báo chí phản ánh những hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và hàng nhái thông qua việc điều tra, thu thập thông tin và đưa ra các bài báo, tin tức, phóng sự; Cung cấp các bằng chứng, tài liệu, nhận định của các chuyên gia cũng như địa chỉ, nguồn thông tin quan trọng. Giúp cơ quan chức năng tăng cường khả năng phát hiện và đưa ra các biện pháp xử lý các đối tượng liên quan để bảo vệ người tiêu dùng.

Báo chí còn có vai trò là cầu nối và xây dựng mạng lưới hợp tác giữa các bên liên quan như các chuyên gia, lãnh đạo các cơ quan chức năng liên quan, nhà hoạt động xã hội, doanh nghiệp… tham gia vào cuộc đối thoại và phản hồi về vấn đề buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái…

Nhân dịp ký niệm 98 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2023) Cục QLTT TP. HCM trân trọng gửi tới những nhà báo, phóng viên, biên tập viên… lời chúc sức khỏe, luôn giữ được “bút sắc, lòng trong”, tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho nền Báo chí nước nhà!

Thuận Yến – Nguyễn Trung