Năm nay, Diễn đàn được tổ chức tại Hà Nội (ngày 31/5); TP Hồ Chí Minh (ngày 6/6/2024) và TP. Buôn Mê Thuột - Daklak (14/6/2024). Đây là năm thứ hai, Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức Diễn đàn Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp tại 3 miền.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Uỷ viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho biết, mối quan hệ hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ tương hỗ, cộng sinh. Báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước, thông qua thông tin trên báo chí giúp các cơ quan Nhà nước lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, từ việc thực hiện chủ trương, chính sách để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý điều hành.
“Báo chí cũng là kênh thông tin quan trọng và cần thiết, góp phần vào sự thành công của doanh nghiệp, không chỉ là cầu nối để quảng bá thương hiệu sản phẩm, chất lượng hàng hóa, phương thức bán hàng và tiêu thụ sản phẩm…mà còn là kênh cung cấp thông tin để doanh nghiệp nắm được nhu cầu khách hàng, thông tin từ đối tác, sự phát triển của thị trường trong và ngoài nước, từ đó có những quyết sách phù hợp cho sự phát triển của doanh nghiệp…”, Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.
Mục tiêu của Diễn đàn là trở thành sự kiện thường niên nhằm tham góp, đề xuất thêm nhiều giải pháp để mối quan hệ báo chí và doanh nghiệp ngày càng bền chặt, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.
Diễn đàn sẽ tập trung trao đổi, thảo luận tổng quan những vấn đề lý luận về mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp; phân tích vai trò của báo chí đối với doanh nghiệp, doanh nhân trong thời kỳ hội nhập, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Phân tích thực trạng hoạt động truyền thông của báo chí đối với cộng đồng doanh nghiệp về phát triển kinh tế xã hội trong môi trường truyền thông số; làm rõ những vấn đề đặt ra và nguyên nhân của việc chưa đồng thuận giữa doanh nghiệp và báo chí; những thông tin chưa chính xác, vấn đề “chính thống hóa” tin đồn trên báo chí ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp. Kinh nghiệm xử lý khủng hoảng truyền thông, cải chính thông tin và định hướng dư luận nhằm góp phần tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Khẳng định vai trò của báo chí là cầu nối giữa Nhà nước với doanh nghiệp và ngược lại; Đề xuất những kiến nghị và giải pháp quan trọng nhằm nâng cao kỹ năng tác nghiệp và đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo khi viết và phản ánh về doanh nghiệp; Xây dựng chiến lược truyền thông cho các doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay.
Phát biểu tham luận tại Diễn đàn, ông Trịnh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tập đoàn Đại Dũng chia sẻ, doanh nghiệp Việt Nam đang trên con đường hội nhập và phát triển. Do đó, để thành công thì trước tiên phải chú trọng công tác xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu sản phẩm của mình. Thương hiệu tạo ra nhận thức và niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp cung ứng.
Báo chí là kênh tuyên truyền đường lối chính sách, cơ chế của cơ quan quản lý Nhà nước, phản hồi ý kiến của doanh nghiệp từng ngành nghề, từng lĩnh vực.
Từ đó, báo chí đi sát hơn thực tế của doanh nghiệp, phản ánh nguyện vọng của doanh nghiệp. Nhờ có báo chí, truyền thông mà vị trí của doanh nghiệp đã được cải thiện trên thị trường, thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp ngày càng được nhiều người trong và ngoài nước biết đến.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN NVV Hà Nội cũng cho rằng, báo chí có thể giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, về tầm quan trọng của phát triển bền vững. Có thể cung cấp thông tin hữu ích, đáng tin cậy về các thực hành và giải pháp bền vững mà doanh nghiệp có thể học hỏi và áp dụng. Báo chí cũng có thể tạo ra sự minh bạch và trách nhiệm giải trình, thúc đẩy các doanh nghiệp chú trọng hơn, ý thức nhận thức đến các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị.
“Qua thực tế hiện nay, có thể khẳng định báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh, mối quan hệ hợp tác, đồng hành không thể tách rời, nhưng cần xích lại gần nhau hơn nữa để đẩy sự tương hỗ lẫn nhau lên một tầm cao mới vì sự phát triển bền vững của cả hai bên” - ông Mạc Quốc Anh cho chia sẻ.
Th.s Nguyễn Minh Quân, Phó Chủ tịch thường trực CLB Doanh nhân C&D chia sẻ: " Với sự bùng nổ của mạng xã hội và sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng thông tin của người dân, cách tiếp cận và sử dụng quảng cáo cũng đã thay đổi. Một trong những điểm mạnh của báo chí vẫn là tính minh bạch, sự kết hợp giữa báo chí và doanh nghiệp, đem lại lợi ích to lớn cho cả hai bên. Báo chí vẫn là kênh truyền thông tốt nhất để nâng cấp thương hiệu của Doanh nghiệp. Doanh nghiệp có uy tín hay không, có chất lượng hay không đều được khách hàng đánh giá qua những bài báo chất lượng chính quy".
Đồng quan điểm, ông Từ Nguyên Bình, Chủ tịch CLB DN HCA trực thuộc Hiệp Hội Doanh Nghiệp Nhỏ và Vừa TP Hà Nội (SME) nhận định, báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh, mối quan hệ hợp tác, đồng hành. Trong đó, báo chí giữ vai trò thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Ở một góc nhìn khác, luật sư Lê Ngô Trung, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, vai trò, lợi ích và tầm quan trọng của mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp đã được chứng minh là điều thiết yếu trong nền kinh tế thị trường. Ở đó, sự chung tay và đồng hành luôn đem lại lợi ích cũng như thúc đẩy phát triển không chỉ cho cả hai bên mà cho xã hội nói chung.
Tuy nhiên, trong thời gian qua vì nhiều lý do, trong đó có sự bùng nổ về nhiều hình thức thông tin qua internet như một lẽ tất yếu của thời đại công nghiệp 4.0, cũng như giai đoạn phục hồi kinh tế đầy khó khăn sau đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự hợp tác mà mỗi bên đều phải tìm cách thích ứng.
Tại Diễn đàn, các đại biểu tập trung trao đổi về những mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp; phân tích vai trò của báo chí đối với doanh nghiệp, doanh nhân trong thời kỳ hội nhập, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Các đại biểu cũng nêu rõ thực trạng truyền thông của báo chí với cộng đồng doanh nghiệp về phát triển kinh tế - xã hội trong môi trường truyền thông số; làm rõ những vấn đề đặt ra và nguyên nhân của việc chưa đồng thuận giữa doanh nghiệp và báo chí. Đồng thời, phân tích, đưa ra các giải pháp để minh bạch hơn trong xử lý thông tin, giúp báo chí và doanh nghiệp đồng hành phát triển bền vững...
Bá Cường