Ngày 16/02/1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 19-CP thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức Bảo hiểm xã hội ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống Lao động - Thương binh và xã hội và Liên đoàn lao động.
Hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam được tổ chức và quản lý tập trung, thống nhất từ cấp Trung ương đến cấp quận, huyện. Trải qua 27 năm xây dựng và phát triển, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự cố gắng nỗ lực của tập thể công chức, viên chức toàn Ngành qua nhiều thế hệ, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, từng bước khẳng định chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cụ thể, hệ thống chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tiếp tục được hoàn thiện, theo hướng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và mở rộng quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách. Số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục tăng qua các năm; số người tham gia bảo hiểm y tế vượt mục tiêu đề ra, tiệm cận mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.
Chất lượng dịch vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từng bước được cải thiện theo hướng hiện đai, chuyên nghiệp và thân thiện với người tham gia. Việc thực hiện chi trả các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp luôn được triển khai kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Thủ tục hành chính được cải cách triệt để gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia, thụ hưởng. Trong đó, một số kết quả nổi bật như sau:
Lưới an sinh xã hội được củng cố và mở rộng
Diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng ngay cả trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đáng chú ý, số người tham gia bảo hiểm y tế tăng trưởng ấn tượng, cơ bản hoàn thành mục tiêu bao phủ toàn dân; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đạt vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW; diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã tập trung vào các nhóm yếu thế.
Số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng từ 2,3 triệu người năm 1995 lên 12,1 triệu người vào năm 2015 (gấp 5,3 lần so với năm 1995); đạt 15,1 triệu người vào năm 2021 (gấp 1,25 lần so với năm 2015). So với năm 1995, đến nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng 12,8 triệu người (gấp gần 6,6 lần), bình quân mỗi năm tăng 0,5 triệu người.
Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng từ 6 nghìn người năm 2008 lên gần 218 nghìn người vào năm 2015 (gấp 36,3 lần so với năm 2008); đạt 1,45 triệu người vào năm 2021 (gấp 6,65 lần so với năm 2015). So với năm 2008 - năm đầu tiên thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, đến nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng 1,4 triệu người (gấp 241,7 lần), bình quân mỗi năm tăng trên 100 nghìn người.
Số người tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 7,1 triệu người năm 1995 lên 70 triệu người vào năm 2015 (gấp 9,86 lần so với năm 1995); đạt 88,8 triệu người vào năm 2021 (gấp 1,27 lần so với năm 2015), đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số. So với năm 1995, đến nay, số người tham gia bảo hiểm y tế tăng 81,7 triệu người (gấp 12,5 lần), bình quân mỗi năm tăng hơn 3 triệu người.
Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng từ gần 6 triệu người năm 2009 lên 10,3 triệu người vào năm 2015 (gấp 1,7 lần so với năm 1995); đạt 13,4 triệu người vào năm 2021 (gấp 1,3 lần so với năm 2015). So với năm 2009 - năm đầu tiên chính sách bảo hiểm thất nghiệp được áp dụng, đến nay, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng 7,41 triệu người (gấp 2,24 lần), bình quân mỗi năm tăng 0,6 triệu người.
Có thể thấy, cùng với 27 năm xây dựng và phát triển của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tăng trưởng nhanh qua từng năm, số người tham gia bảo hiểm y tế đã tiệm cận mục tiêu bao phủ toàn dân, góp phần mở rộng hiệu quả lưới an sinh xã hội tới mọi người dân, người lao động, củng cố vững chắc nền an sinh xã hội của đất nước.
Quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã trở thành quỹ an sinh lớn nhất, được quản lý, sử dụng đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch dưới sự giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Tỷ lệ chi từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội ngày càng tăng, theo đó, tỷ lệ chi từ ngân sách nhà nước cho bảo hiểm xã hội ngày càng giảm, khẳng định quan điểm đúng đắn của Đảng trong việc khuyến khích người dân nâng cao năng lực tự bảo đảm an sinh xã hội.
Đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người tham gia
Công tác giải quyết chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện kịp thời, đúng quy định; đặc biệt chuyển đổi hiệu quả phương thức quản lý từ thủ công sang hiện đại, việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế căn cứ vào dữ liệu quản lý quá trình tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đảm bảo nguyên tắc "đóng - hưởng"; phương thức hoạt động của hệ thống ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam được đổi mới theo hướng phục vụ, đẩy mạnh giao dịch điện tử, tăng cường sử dụng các dịch vụ công ích, rút ngắn thời gian giải quyết, giảm phiền hà, đảm bảo quyền lợi cho người lao động và Nhân dân.
Đặc biệt, năm 2020, 2021 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn theo sát diễn biến thực tế, thích ứng nhanh, linh hoạt với tình hình dịch bệnh để triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi người tham gia.
Kết quả: từ năm 1995 đến hết năm 2021, toàn Ngành đã giải quyết cho khoảng 135,7 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe (bình quân mỗi năm trên 5 triệu lượt người hưởng); từ năm 2010 đến hết năm 2021 giải quyết cho trên 8,7 triệu người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp; đến cuối năm 2021, tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khoảng 3,3 triệu người (tăng 179% so với năm 1995); từ năm 2003 đến 2021, toàn Ngành đã phối hợp với các cơ sở y tế bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho trên 2.217 triệu lượt người.
Đáng chú ý, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, lao động, việc làm của người dân và người lao động, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động tích cực và quyết liệt tham gia cùng các Bộ, ngành tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách, nhất là các Nghị quyết: số 42/NQ-CP, số 68/NQ-CP và số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Với sự vào cuộc quyết liệt, toàn Ngành đã tập trung mọi nguồn lực sẵn có để đẩy nhanh tiến độ giải ngân; phát huy lợi thế của hệ thống công nghệ thông tin, rút gọn tối đa các công đoạn, thủ tục và thời gian chi trả. Theo đó, các chính sách hỗ trợ đã được triển khai đạt kết quả tốt, góp phần hỗ trợ hàng chục triệu người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Kết quả, tổng số tiền ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai hỗ trợ theo các gói hỗ trợ của Chính phủ được quy định tại Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 154/2020/NQ-CP; Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 116/NQ-CP từ các Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp tới người lao động và người sử dụng lao động là gần 44.786 tỷ đồng. Trong đó, nguồn hỗ trợ từ: Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là hơn 38.000 tỷ đồng; Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp là 4.322 tỷ đồng; Quỹ Hưu trí và tử tuất là 1.905 tỷ đồng.
Những kết quả này cho thấy quyết tâm chính trị của toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong mọi giai đoạn là luôn ưu tiên đặt công tác đảm bảo quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách làm trung tâm, thay đổi căn bản phương thức quản lý từ thủ công sang hiện đại, trên cơ sở nguyên tắc đóng - hưởng; theo đó, quyền lợi an sinh của người tham gia luôn được quan tâm đảm bảo kịp thời, đúng quy định và càng được đảm bảo tốt hơn trong đại dịch, góp phần củng cố, tạo thêm niềm tin vững chắc của người dân, người lao động đối với các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta.
Đẩy mạnh cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin
Đến nay, sau 27 năm nỗ lực cống hiến và trưởng thành, toàn ngành Bảo hiểm xã hội đã có gần 20.000 công chức, viên chức, với mạng lưới rộng lớn phủ khắp các quận, huyện thuộc 63 tỉnh, thành phố; đang từng ngày, từng giờ phục vụ trên 16,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, gần 88,8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế.
Xác định cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm đáp ứng được các yêu cầu tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong tình hình mới, những năm qua Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí giao dịch bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người dân, doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đã được Chính phủ cùng cộng đồng doanh nghiệp, người dân ghi nhận, đánh giá cao.
Thủ tục hành chính trong việc tham gia và giải quyết các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng được cải tiến, rút gọn (từ 263 thủ tục hành chính năm 2009 xuống còn 25 thủ tục hành chính). 100% thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4; một số thủ tục giải quyết chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động được rút ngắn thời gian từ 05 ngày xuống chỉ còn 01 ngày làm việc; cùng với đó kịp thời cung cấp thêm 8 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công của Ngành; kết nối, tích hợp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia để tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Ứng dụng công nghệ thông tin của Ngành được đẩy mạnh triển khai từ năm 2015, từng bước hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0. Đến nay, đã đạt được các kết quả ấn tượng như: xây dựng được một hệ thống chính phủ điện tử thông suốt trong toàn Ngành; hoàn thành việc cấp mã số định danh bảo hiểm xã hội cho 97 triệu người dân, trong đó có gần 86 triệu người tham gia bảo hiểm y tế; Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế kết nối, liên thông giữa cơ quan bảo hiểm xã hội với gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (đạt gần 100%) trên phạm vi toàn quốc…
Về công tác chuyển đổi số, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu của hơn 98 triệu dân, là nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (là một trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử); liên thông, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ngành, nhất là kết nối, chia sẻ đồng bộ hóa dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (đã chia sẻ để để xác thực thông tin của trên 32 triệu công dân); chia sẻ dữ liệu cho các cơ quan để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19…
Đặc biệt, sự ra đời ứng dụng “VssID - BHXH số” được đánh giá là một bước tiến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử. Tính hết ngày 31/12/2021, đã có: gần 30 triệu người cài đặt, sử dụng để quản lý, kiểm soát quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách, thực hiện các dịch vụ công; hơn 570 nghìn lượt sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng để đi khám chữa bệnh trên toàn quốc… Có thể thấy, ứng dụng VssID đã đem đến thành công bước đầu trong công tác chuyển đổi số của Ngành.
Việc triển khai đồng bộ công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong các mảng hoạt động nghiệp vụ thời gian qua của Ngành đã làm thay đổi nhận thức, chuyển biến cơ bản cách thức quản lý, làm việc, giao dịch của lãnh đạo và cán bộ bảo hiểm xã hội với người dân và doanh nghiệp. Nhờ thành quả trên, trong 4 năm liên tiếp từ năm 2017 đến 2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam được đánh giá là cơ quan triển khai hiệu quả và được xếp hạng 2 trong khối Bộ, ngành; đứng thứ nhất bảng xếp hạng Chính phủ điện tử khối cơ quan thuộc Chính phủ.
Trải qua 27 năm xây dựng và phát triển, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn chủ động, bám sát các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố chủ động, tích cực phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; thực hiện tốt việc giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người tham gia; triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển người tham gia, giảm nợ đọng; quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo đúng quy định của pháp luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; đổi mới phương thức hoạt động theo hướng phục vụ, chi trả nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia; từng bước thực hiện minh bạch, công khai và tăng cường quản lý các hoạt động khám chữa bệnh để hạn chế, ngăn chặn tình trạng trục lợi quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; kiện toàn tổ chức bộ máy Bảo hiểm xã hội các cấp; nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức trong toàn Ngành; mở rộng hợp tác quốc tế, từng bước hiện đại hoá hệ thống quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Qua đó, vị thế của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam được nâng cao không chỉ trong hệ thống chính trị mà cả trong nhận thức của người dân, trong đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức chuyên ngành trong và ngoài nước.
Có thể nói, từ năm 1995 đến nay, với sự nỗ lực, cố gắng phấn đấu của các thế hệ công chức, viên chức, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức đạt được nhiều thành quả quan trọng, nhất là trong thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, những trụ cột trong hệ thống chính sách an sinh xã hội. Với những kết quả đã đạt được, toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin tưởng giao phó của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Việt Anh