NTD cần chủ động khiếu nại nếu bị xâm hạiNTD cần chủ động khiếu nại nếu bị xâm hại

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Tại Việt Nam, những năm gần đây, cùng với sự phát triển của việc truy cập và kết nối mạng Internet, giao dịch điện tử đã phát triển.

Đầu tiên phải kể đến là các dịch vụ thanh toán bằng thẻ, tiếp đến xuất hiện các website mua bán trên mạng và phát triển nhanh chóng; đến nay, việc thanh toán trên các app, ứng dụng điện tử đã trở nên khá phổ biến.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ là các hành vi gian lận, vi phạm quyền lợi NTD. Hiện nay, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vi phạm quyền của NTD trong TMĐT ngày càng tinh vi. Chẳng hạn, để tránh bị kiểm soát, người bán đăng các sản phẩm với tên N.I.K.E hoặc Ni_KE thay vì để NIKE... Khi bán hàng lên mạng, người bán sử dụng hình ảnh thật, nhưng khi sản phẩm khách hàng nhận được lại là hàng giả, hàng nhái. Điều này, bản thân khách hàng không biết được.

Đặc biệt, tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền SHTT thông qua mạng Internet ngày càng phổ biến và diễn biến phức tạp, trong khi các chế tài xử lý vi phạm vẫn chưa được hoàn thiện. Trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý các vi phạm trên Internet rất khó khăn, nhất là việc thu thập thông tin, manh mối cũng như chứng cứ đảm bảo căn cứ pháp lý để xử lý vi phạm hành chính. Thậm chí, có trường hợp bán hàng tại Việt Nam, nhưng cơ sở chính lại ở nước ngoài (server tại nước ngoài); trang web, cơ sở giới thiệu sản phẩm ở một nơi nhưng nơi xuất hàng lại ở chỗ khác. Các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả ngay tại nhà ở, trong thôn xóm để trốn tránh, dễ tẩu tán tang vật nếu bị phát hiện, kiểm tra.

Theo Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT, Cục TMĐT và kinh tế số (Bộ Công thương) Nguyễn Hữu Tuấn, hiện nay, hàng hóa bị làm giả nhiều đó là nhóm có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất.

Các thủ đoạn được các đối tượng sử dụng như lập nhiều tài khoản facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung…; khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận Inbox (nhắn tin riêng), mục đích nhằm bán hàng giả hoặc lấy thông tin khách hàng để lừa đảo.

NTD cần chủ động khiếu nại

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết kế hoạch triển khai chương trình “Tháng hành động vì quyền lợi NTD năm 2019” với chủ đề “Kinh doanh lành mạnh - Tiêu dùng bền vững”, do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức, Phó cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng đã nêu thực tế, bỏ tiền thật mua phải hàng giả.

Tuy nhiên, nhiều NTD, vì tâm lý e ngại sẽ gặp những khó khăn về thủ tục hoặc so sánh lợi ích hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền lợi ích nhỏ hơn với lợi ích có được khi đi khiếu nại, tố cáo để bảo vệ quyền lợi của mình…

Vì vậy, khi thấy quyền, lợi ích của mình bị xâm hại, họ đã không lên tiếng, không phản ánh đến cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Trước những vấn đề nảy sinh từ TMĐT, việc nghiêm túc thực hiện, triển khai, phối hợp có hiệu quả công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền SHTT trên môi trường Internet, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của các DN sở hữu các website TMĐT trong việc bảo vệ quyền lợi NTD… đang là vấn đề được ngành công thương đặc biệt chú trọng.

Bảo vệ quyền lợi NTD trong TMĐT là chủ đề được Bộ Công Thương lựa chọn cho các hoạt động “Ngày Quyền của NTD Việt Nam năm 2020”. Theo đó, sẽ tập trung tuyên truyền 10 nội dung: Hãy là NTD thông thái trong TMĐT; bảo vệ thông tin của NTD là trách nhiệm của DN; lộ thông tin cá nhân có thể gây thiệt hại cho NTD về sức khỏe, tài sản, tính mạng; bảo vệ quyền lợi NTD là trách nhiệm của toàn xã hội; kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng bền vững.

NTD có quyền biết thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ mua sắm trực tuyến; NTD có quyền được an toàn, khiếu nại và bồi thường; không tiêu dùng hàng hóa có hại cho sức khỏe và môi trường; hãy tiêu dùng hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; 1800-6838 - tổng đài tư vấn, hỗ trợ NTD trên toàn quốc.

Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Nguyễn Thanh Hải khuyến nghị: NTD cần chủ động khiếu nại nếu bị xâm hại. Để có thể bảo vệ tốt nhất quyền lợi chính đáng của mình, NTD cũng cần lưu ý một số điều khi thực hiện giao dịch điện tử, mua sắm trực tuyến: Phải biết mình đang giao dịch với ai, phải xác nhận được địa chỉ, số điện thoại trong trường hợp bạn có thắc mắc hoặc có vấn đề cần giải quyết; cần kiểm tra kỹ các điều khoản của thỏa thuận như chính sách hoàn trả, ngày giao hàng, điều kiện bảo hành.

Đồng thời, NTD có thể in và lưu các hồ sơ có liên quan đến giao dịch bao gồm cả mô tả sản phẩm và giá cả, bản sao của email bạn gửi và nhận từ người bán, kiểm tra sao kê thẻ.

Các DN xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với NTD; chủ động biến trách nhiệm đáp ứng nhanh chóng và đầy đủ các yêu cầu, nguyên vọng của NTD thành động lực phát triển, lợi thế cạnh tranh của DN.

Phan Chinh