Ảnh minh hoạ
Để đảm bảo các quyền lợi của người tiêu dùng, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định như sau:
Điều 17 của Nghị định 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật (NĐ 99) quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng. Theo đó, khi giao kết hợp đồng từ xa, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải cung cấp cho người tiêu dùng những thông tin cơ bản, ví dụ Tên của tổ chức, cá nhân kinh doanh, số điện thoại liên lạc, địa chỉ, trụ sở, địa chỉ cơ sở chịu trách nhiệm về đề nghị giao kết hợp đồng (nếu có); Chất lượng của hàng hóa, dịch vụ; Chi phí giao hàng (nếu có); Phương thức thanh toán, phương thức giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ;…
Ngoài ra, trường hợp bên thứ ba cung cấp dịch vụ tới người tiêu dùng thì bên thứ ba cũng phải Chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ như quy định tại Điều 13 của NĐ 99.
Như vậy, theo quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì không chỉ các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải chịu trách nhiệm khi cung cấp thông tin tới người tiêu dùng, mà ngay cả các đơn vị quảng cáo, các nhà báo, đài, truyền hình cũng phải chịu trách nhiệm liên đới khi đăng tải các thông tin quảng cáo. Quy định này tiếp tục được mở rộng khi quy định chủ phương tiện truyền thông, nhà cung cấp dịch vụ truyền thông có trách nhiệm: Xây dựng, phát triển giải pháp kỹ thuật ngăn chặn việc phương tiện, dịch vụ do mình quản lý bị sử dụng vào mục đích quấy rối người tiêu dùng; Ngừng cho tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sử dụng phương tiện, dịch vụ do mình quản lý để thực hiện hành vi quấy rối người tiêu dùng theo yêu cầu của người tiêu dùng hoặc yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo quy định này, đối với các vấn nạn spam tin nhắn điện thoại di động, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông phải có trách nhiệm thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn và chấm dứt hành vi vi phạm này.
Liên quan đến chứng từ trong giao dịch điện tử, khoản 2 Điều 20 của Luật cũng quy định về trách nhiệm của người bán trong việc tạo điều kiện cho người tiêu dùng truy nhập, tải, lưu giữ và in hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch. Để đáp ứng quy định này, các trang web bán hàng qua mạng cần tích hợp các giải pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo khả năng truy cập, sao lưu chứng từ của người tiêu dùng.
Nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong trường hợp doanh nghiệp cố tình không cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin giao dịch hoặc quảng cáo thông tin gian dối, khoản 2 điều 17 của NĐ 99 cũng quy định quyền của người tiêu dùng được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết và thông báo cho tổ chức, cá nhân kinh doanh trong thời hạn mười (10) ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng. Nếu trường hợp này xảy ra, doanh nghiệp phải trả lại tiền cho người tiêu dùng chậm nhất là ba mươi (30) ngày kể từ ngày người tiêu dùng tuyên bố đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng. Quá thời hạn này, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán. Việc hoàn trả được thực hiện theo phương thức mà người tiêu dùng đã thanh toán, trừ trường hợp người tiêu dùng đồng ý thanh toán bằng phương thức khác.
Để bảo vệ quyền lợi của bản thân, người tiêu dùng cần thận trọng trong việc lựa chọn và quyết định các giao dịch trên các phương tiện điện tử.
Hà Trần