Sáng nay (17/2), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo các Bộ ban ngành, đại diện các doanh nghiệp bất động sản, các chuyên gia tài chính, bất động sản,...

Được biết, năm 2022, Thủ tướng đã chủ trì 3 Hội nghị Toàn quốc về vấn đề thúc đẩy thị trường bất động sản, cũng như ban hành nhiều Chỉ thị, Công điện, Kết luận và Thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ  để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của thị trường BĐS.  

Thủ tướng nhấn mạnh, để phát triển bất động sản bền vững, các địa phương và các doanh nghiệp trước hết phải tạo công ăn việc làm. Cần ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh những vùng đất có vị trí đẹp, có lợi thế.
Thủ tướng nhấn mạnh, để phát triển bất động sản bền vững, các địa phương và các doanh nghiệp trước hết phải tạo công ăn việc làm. Cần ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh những vùng đất có vị trí đẹp, có lợi thế.

Nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, sáng 17/2, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì "Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững". 

Cần những hỗ trợ về cơ chế để giải quyết khó khăn

Các doanh nghiệp bất động sản đều có chung tiếng nói trong việc xin Thủ tướng xem xét khẩn cấp cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên các nhóm nợ, đồng thời tháo gỡ phát lý tận gốc cho các dự án.

Phản ánh về thị trường bất động sản hiện nay, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vinhomes cho rằng thị trường còn nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý, dòng vốn tín dụng hạn chế, nguồn cung nhà ở khan hiếm, cung lệch cầu, trái phiếu doanh nghiệp không phát hành được… Trong khi đó, bất động sản là lĩnh vực quan trọng liên quan đến nhiều ngành sản xuất, kinh doanh, có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến cuộc sống của người lao động, đem lại nguồn thu rất lớn cho ngân sách nhà nước…

Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vinhomes đề xuất ý kiến tại hội nghị sáng 17/2
Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vinhomes đề xuất ý kiến tại hội nghị sáng 17/2.

Theo ông Hoa, hiện khả năng đáp ứng đáp ứng của doanh nghiệp có hạn, trong khi nhu cầu của người dân lại rất lớn. Nếu không có những giải pháp kịp thời, khó khăn tiếp tục kéo dài thì nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ phải đóng cửa, phá sản. Khi đó, nguồn cung đã thiếu lại càng thiếu hơn. 

Để hồi phục thị trường bất động sản, mang lại lợi ích lâu dài cho người dân, nhà nước và doanh nghiệp, ông Phạm Thiếu Hoa đề nghị Chính Phủ, các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước cùng chung tay, giúp sức: "Tôi tin tưởng rằng với sự quan tâm, sát sao của Chính phủ, các bộ, ban, ngành trong thời gian tới, thị trường bất động sản sẽ phục hồi và phát triển".

Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn địa ốc Nova (Novaland) đưa ra kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ về việc xem xét chỉ đạo NHNN tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản. Theo ông, giai đoạn này, doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ về cơ chế. 

Ông Nhơn cũng đưa ra kiến nghị: “Chính phủ và NHNN ban hành một quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ cho các dự án bất động sản từ 2-3 năm để giúp các doanh nghiệp có thời gian chờ thị trường hồi phục và hoàn thiện pháp lý dự án”.

Ông Nhơn cho rằng để phòng tránh 10 - 20% dư nợ của nền kinh tế bị chuyển sang nợ xấu thì việc trợ giúp kịp thời là vô cùng quan trọng. 

Sự ách tắc về pháp lý trong các dự án của doanh nghiệp cũng đã tồn đọng nhiều năm nhưng chưa được giải quyết. Doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ tận gốc để các dự án được phát triển.

Novaland cũng đưa ra mong muốn Thủ tướng chỉ đạo chọn khu đô thị vệ tinh Aqua City tại tỉnh Đồng Nai làm dự án thí điểm để Tổ công tác của Thủ tướng cùng địa phương tháo gỡ khó khăn trong 1 tháng.

Đại diện của Novaland cho biết, còn 25.000 tỷ đồng của Novaland đang bị phong tỏa tại các ngân hàng thương mại. Trong đó, khi Novaland hoàn thiện một số thủ tục pháp lý thì khoảng hơn 10.000 tỷ đồng sẽ đủ điều kiện để giải tỏa theo các điều kiện cấp tín dụng. Doanh nghiệp sẽ có nguồn vốn để hoạt động bình thường nếu vấn đề này được giải quyết trong vòng 1 - 2 tháng tới.

Từ cuối năm ngoái, lãi suất tăng khá nhanh, có khoản vay lãi suất tăng tới gần 30%. Dự án đang ở mức lãi suất cũ sẽ thành lỗ ở mức lãi suất mới nếu mức tăng này tiếp tục duy trì. Vậy nên, doanh nghiệp đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại có biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất huy động để nhanh chóng giảm lãi suất cho vay phục hồi thị trường.

Các ngân hàng thương mại nên giảm biên lợi nhuận để đồng hàng, hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn, đặc biệt là khi lãi suất tăng cao như hiện nay.

Nghị định 65 đã soạn thảo từ đầu tháng 12/2022 nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành. Hiện doanh nghiệp bất động sản, các ngân hàng thương mại, người dân  là các trái chủ đều mong các nội dung sửa đổi này được ban hành sớm. Theo ông Bùi Thành Nhơn, việc Nghị định sớm được ban hành sẽ góp phần giúp doanh nghiệp và thị trường trái phiếu tháo gỡ nhiều khó khăn.

Ông Nhơn cũng đưa ra đề xuất về việc các cơ quan truyền thông của Chính phủ có chiến lược hỗ trợ xây dựng lại niềm tin cho thị trường theo xu hướng ủng hộ những doanh nghiệp" người thật việc thật" đang tạo ra sản phẩm tốt cho xã hội, giúp thị trường phát triển theo hướng bền vững.

Khi Chính phủ vào cuộc mạnh mẽ để tháo gỡ tận gốc pháp lý cho các dự án thì giá thành sản phẩm sẽ được giảm, môi trường đầu tư thu hút vốn FDI được thông thoáng từ đó giúp phát triển đô thị và tăng nguồn thu ngân sách.

Đề xuất hạ lãi suất, gia hạn trái phiếu

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, Công ty GP.INVEST cho rằng chính sách tín dụng cần có "dự lệnh" trước khi ra "động lệnh" bởi tín dụng vẫn là “nguồn sữa” chính cho các doanh nghiệp. 

Ông Hiệp đề nghị NHNN không đánh giá hệ số  rủi ro đồng loạt 200% đối với tất cả các chủ đầu tư. Thay vào đó là việc chỉ đạo xem xét lại  hệ số rủi ro khi đánh giá các khoản vay bất động sản cho từng trường hợp cụ thể tuỳ thuộc vào tín nhiệm của từng khách hàng, từng dự án.

Hiện chỉ số CPI và giá trị đồng Việt Nam so với ngoại tế đều ổn định, bởi vậy, doanh nghiệp kiến nghị NHNN có biện pháp chỉ đạo đồng loạt hạ lãi suất nhiều hơn trong thời gian sớm nhất.

Ông Hiệp cũng kiến nghị Thủ tướng giao thẩm quyền cho Tổ công tác yêu cầu các địa phương phải tập hợp cập nhật báo cáo những dự án bị chậm thường xuyên và nêu nguyên nhân cụ thể và đề xuất hướng giải quyết để Tổ công tác xử lý (ví dụ về giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch, định giá đất...).

Theo ông Hiệp, vấn đề lớn của toàn xã hội trong năm 2023 chính là việc lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán trong khi bối cảnh thị trường bất động sản lại đang trầm lắng. Để tháo gỡ vấn đề, cần thiết việc cho gia hạn trái phiếu để tháo bớt áp lực dòng tiền thanh toán cho các công ty phát hành. Tiếp theo, cần có cơ quan đứng ra đánh giá cụ thể đối với từng doanh nghiệp đang phải chuẩn bị thanh toán trái phiếu mà không cân đối được dòng tiền, bên cạnh các biện pháp cho hoán đổi nợ trái phiếu bằng tài sản, bất động sản của công ty phát hành.

Để có thể xử lý triệt để giúp hạ nhiệt thị trường, nên cho Công ty mua bán nợ DATC hoặc VAMC tiếp cận đánh giá tài sản, dự án đang sử dụng trái phiếu với một số trường hợp cụ thể các dự án của doanh nghiệp nếu khả thi về pháp lý.

Cần có một quỹ đầu tư phát triển nhà ở xã hội như đề xuất của Bộ Xây dựng mới đây để đạt được chỉ tiêu có một triệu căn nhà xã hội đến năm 2030. Tuy nhiên, nên có một phần dành cho các địa phương để tập trung hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật cho các dự án nhà ở xã hội chứ không chỉ dùng để hỗ trợ tín dụng cho dự án này.

Về vấn đề quy hoạch và quỹ đất, phải lựa chọn các khu nhà ở xã hội tập trung ở vị trí quy hoạch hợp lý rồi sử dụng quỹ này đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tập trung sau đó mới lựa chọn chủ đầu tư. Điều này không chỉ giúp kế hoạch có sự chủ động mà còn giúp tăng tính hấp dẫn của các dự án nhà ở xã hội với chủ đầu tư.

Bên cạnh đó là một số vấn đề cần quan tâm như: các thể chế quy định về tiêu chuẩn nhà ở xã hội, trình tự các bước làm dự án nhà ở xã hội, tiêu chuẩn và chế độ cho người mua nhà ở xã hội cũng cần cập  nhật lại và đơn giản hoá  theo điều kiện biến đổi của thị trường (kể cả đơn giá thi công nhà ở xã hội).

Đặt vấn đề tạo công ăn việc làm lên hàng đầu

Sau khi lắng nghe phát biểu từ đại diện Vinhomes và Novaland, Thủ tướng một lần nữa đề nghị các đại biểu tập trung phân tích thêm về nguyên nhân, đặc biệt là các nguyên nhân chủ quan dẫn tới những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản hiện nay, cùng với đó là trách nhiệm của các chủ thể liên quan như cơ quan quản lý, doanh nghiệp, ngân hàng. Sau đó là đề xuất các giải pháp và hành động.

Một lần nữa Thủ tướng nhắc lại thông điệp: Để phát triển bất động sản bền vững, các địa phương và các doanh nghiệp trước hết phải tạo công ăn việc làm.

Cần ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh những vùng đất có vị trí đẹp, có lợi thế. Điều này là tiền đề để tạo công ăn việc làm cho người dân, từ đó thu hút người đến làm, đến ở, đến mua nhà để phát triển bất động sản, khu đô thị.

Cuối cùng, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong quá trình phát triển, không thể tránh được những vấn đề phát sinh, những mâu thuẫn cần giải quyết. Đây là điều tất nhiên vì nước ta đang phát triển, nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vận hành trong điều kiện biến động cả bên trong và bên ngoài; quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, trong nội tại vẫn còn nhiều khó khăn, mặt khác lại hội nhập sâu rộng, nền kinh tế có độ mở cao, một biến động nhỏ bên ngoài cũng có thể tác động lớn tới bên trong.

Thủ tướng nêu rõ, càng trong khó khăn, thách thức, các chủ thể liên quan càng phải đoàn kết, phát huy tinh thần trách nhiệm, cùng xử lý các vấn đề trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, cấu trúc này mà không hài hòa thì sẽ không ổn định và không ai phát triển được.

Hồng Nhung (t/h)