Theo thống kê từ hệ thống FiinPro Platform, tính tới hết ngày 31/1/2019, đã có tổng cộng 672 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý IV/2018 (chiếm 88,4% vốn hóa trên 3 sàn: HSX, HNX và UPCoM).

Cụ thể, thống kê cho thấy, tổng lợi nhuận ròng cả năm 2018 các doanh nghiệp công bố đạt khoảng 243 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với năm 2017. Tuy nhiên nếu loại trừ lợi nhuận đột biến của Vinhomes (tăng gần 13.000 tỷ đồng lợi nhuận) thì con số này chỉ tăng trưởng 11,8%.

Tỷ lệ ROE (lợi nhuận ròng/vốn chủ sở hữu) chung toàn thị trường đạt 14,0%; giảm so với mức 14,5% của năm 2017; trong khi đó ROA (lợi nhuận ròng/tổng tài sản) tăng từ 2,5% lên mức 2,7%.

Năm 2018 ghi nhận có tới 557 doanh nghiệp báo lãi, đạt tỷ lệ 83% số doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính. Nhiều doanh nghiệp báo lãi “khủng” trong năm, có thể kể đến Vietcombank với 14.641 tỷ đồng, Vinhomes với (14.223 tỷ đồng), PV Gas với 12.102 tỷ đồng, Vinamilk với 10.227 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chỉ có 45,7% trong tổng số doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính là hoàn thành lợi nhuận kế hoạch năm (tương ứng với 307 doanh nghiệp), tiêu biểu là PV GAS hoàn thành thành 188,3%, Masan hoàn thành 158,4%, VEAM hoàn thành 144,1% chỉ tiêu lợi nhuận được đại hội đồng cổ đông giao trong năm 2018.

Nhóm các doanh nghiệp tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2018 gồm các doanh nghiệp: Vinhomes (tăng trưởng 909,7%), Ngân hàng Á Châu - ACB (tăng 142,5%), Nam Việt (tăng 321,5%), Masan Resources (222,3%).

Đáng chú ý, trong năm vừa rồi, ngành bất động sản dẫn đầu tăng trưởng lợi nhuận với mức tăng 78%, chủ yếu do lợi nhuận đột biến từ Vinhomes. Nếu không tính Vinhomes thì lợi nhuận toàn ngành này chỉ tăng trưởng 15,6%. Tổng lợi nhuận công bố của 54 doanh nghiệp trong ngành đạt khoảng 36 nghìn tỷ đồng, tương ứng 83% kế hoạch lợi nhuận toàn ngành.

Tính riêng quý IV/2018, tổng lợi nhuận của ngành bất động sản ghi nhận ở mức 11.915 tỷ đồng, tăng trưởng 103,7% so với cùng kỳ 2017. Các doanh nghiệp niêm yết có lợi nhuận quý IV cao nhất là Vinhomes (2.347 tỷ đồng), Novaland (1.859 tỷ đồng), Vingroup (1.638 tỷ đồng).

Nhìn chung, trong năm 2018, ngành bất động sản có sự tăng trưởng khá đồng đều giữa các phân khúc khi lợi nhuận mảng bất động sản công nghiệp tăng trưởng 65%, bất động sản dân cư tăng 88%, băn phòng cho thuê tăng 84%. ROE toàn ngành này cải thiện từ mức 9,7% lên 11,3% trong khi ROA tăng từ 3,2% lên 4,4%.

 Bất động sản: Ngành “hốt bạc” trong năm 2018 - Hình 1

Bất động sản đang ngành dẫn đầu về tăng trưởng lợi nhuận ròng

Trong khi đó, ngành ngân hàng mặc dù có dấu hiệu giảm tốc nhưng vẫn tăng trưởng lợi nhuận đạt 32% trong năm 2018, cao thứ hai trong các nhóm ngành. Hiện đã có 16/17 ngân hàng niêm yết công bố số liệu với tổng lợi nhuận đạt 65,8 nghìn tỷ đồng, đạt 102,1% số kế hoạch.

Trong quý IV/2018, có nhiều ngân hàng báo lỗ hoặc tăng trưởng âm như VietinBank (lỗ 687 tỷ đồng), Eximbank (lỗ 247 tỷ đồng), BIDV (giảm 36% cùng kỳ 2017), LietvietPostBank (giảm 45%). Theo đó, tổng Lợi nhuận quý 4/2018 toàn ngành ngân hàng đạt 16.916 tỷ đồng , chỉ tăng trưởng 13% so với quý 4/2017.

Tuy nhiên, ngành dầu khí và ngành xây dựng và vật liệu mới là hai ngành có lợi nhuận sụt giảm mạnh nhất trong năm 2018. Cụ thể, ngành dầu khí chỉ đạt tổng lợi nhuận 5.185 tỷ đồng, sụt giảm 43% so với năm 2017. Nguyên nhân chủ yếu do Lọc dầu Bình Sơn và PV Oil sụt giảm lợi nhuận mạnh, lần lượt 53% và 28%. Đây là 2 đơn vị thực hiện IPO trong năm 2018, nếu loại doanh nghiệp này lợi nhuận toàn ngành dầu khí vẫn tăng trưởng 35% với sự đóng góp của PVDrilling (tăng 315%) và PVS (tăng 28%). ROE ngành Dầu khí sụt giảm từ 12,6% năm 2017 về mức 7,5% năm 2018. Tương tự ROA cũng sụt giảm từ 6,6% về mức 4,3%.

Ngành xây dựng và vật liệu đạt tổng lợi nhuận 10.683 tỷ đồng, sụt giảm 26% so với năm 2017 và chỉ đạt 79% kế hoạch năm. Dẫn đầu về mức độ sụt giảm lợi nhuận là FLC Faros và CII với mức giảm tương ứng 78% và 94%. Trong năm FLC Faros chỉ đạt lợi nhuận 186 tỷ đồng so với mức 849 tỷ đồng năm 2017, tương tự CII chỉ đạt 86 tỷ đồng so với mức 1.514 tỷ đồng năm trước.

 Hạ Linh