Tâm điểm giao thương
Sở hữu vị trí địa lý đặc thù, Quảng Bình được xem là tâm điểm gặp gỡ của toàn bộ các trục giao thông Bắc - Nam như quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và tuyến đường sắt Bắc Nam.
Đặc biệt, tỉnh sở hữu quốc lộ 12A - tuyến đường ngắn nhất nối giữa Việt Nam với nước bạn Lào, Thái Lan và Myanmar qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo và Nà Phàu. Vị trí này giúp Quảng Bình trở thành trung tâm kết nối tam giác kinh tế giữa các nước, thuận tiện cho việc di chuyển và giao thương khu vực.
Hạ tầng - Đòn bẩy trọng tâm
Xác định giao thông là khâu đột phá trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội, những năm gần đây Quảng Bình nỗ lực tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, từng bước hiện đại. Đặc biệt, 2 công trình mang tính động lực là xây dựng đường ven biển - cầu Nhật Lệ 3 với số vốn lên tới 2.200 tỉ đồng và nâng cấp sân bay Đồng Hới triển khai từ 2021 đến 2026 sẽ mang đến cho Quảng Bình nhiều cơ hội phát triển mới.
Cơ sở hạ tầng thuận lợi là lợi thế để tỉnh chuyển đổi dần nền kinh tế sang công nghiệp hiện đại. Các khu kinh tế trọng điểm như: Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo là đầu mối trung chuyển, trung tâm xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ khu vực Lào – Thái Lan và tiểu vùng sông Mê Kông đến miền Trung Việt Nam; khu kinh tế biển Hòn La thuộc vùng kinh tế trọng điểm Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình… cho thấy sức bật mạnh mẽ của nền kinh tế Quảng Bình.
Du lịch tăng trưởng ấn tượng
Là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về độ che phủ rừng cao chiếm hơn 67%, lợi thế này giúp Quảng Bình sở hữu hệ thống rừng nguyên sinh bạt ngàn, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với hàng ngàn hang động lớn nhỏ hình thành cách đây hàng triệu năm. Trong đó phải kể tới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng 2 lần được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên Thế giới vì những giá trị địa chất và đa dạng sinh học hiếm nơi nào có được.
Không những vậy, tỉnh sở hữu 122 km đường bờ biển với nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng như Nhật Lệ, Biển Đá Nhảy, Vũng Chùa – Đảo Yến… Những cảnh quan độc đáo này đang được Quảng Bình và các nhà đầu tư “đánh thức” để trở thành điểm đến nghỉ dưỡng hàng đầu của Việt Nam, nơi khám phá trải nghiệm và du lịch mạo hiểm hút đông đảo khách quốc tế.
Giai đoạn 2016 – 2020, du lịch Quảng Bình ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng bình quân 30,5%/năm, tăng 76% so với giai đoạn 2011 – 2015, tổng thu từ khách du lịch khoảng 22 nghìn tỷ đồng. Trong giai đoạn từ nay đến 2025, Quảng Bình đặt mục tiêu tổng số khách du lịch đạt từ 25 - 28 triệu lượt, riêng lượng khách quốc tế chiếm tỷ lệ từ 10% - 20%, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng du lịch Quảng Bình vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu lưu trú của du khách. Tính đến đầu năm 2020, toàn tỉnh hiện có khoảng 370 cơ sở lưu trú, riêng lượng khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao còn khiêm tốn. Như vậy, khoảng trống trong phân khúc nghỉ dưỡng cao cấp tại Quảng Bình đang mở ra dư địa lớn cho các nhà đầu tư tiên phong.
BĐS nhiều dư địa
Trong xu hướng “lên ngôi” của những thị trường mới, Quảng Bình được xem là miền đất hứa của những nhà đầu tư BĐS lớn trong và ngoài nước. Tiềm năng độc đáo, quỹ đất dồi dào nơi đây thích hợp cho việc quy hoạch các đại dự án với những sản phẩm độc đáo và khác biệt.
Điều này được minh chứng qua loạt các dự án được phát triển tại Quảng Bình trong một thời gian ngắn như: Vingroup với tổ hợp Vincom và nhà phố thương mại shophouse tại TP. Đồng Hới; Tập đoàn Trường Thịnh với Dự án đầu tư xây dựng sân golf Bảo Ninh Trường Thịnh; Đại đô thị biển đa trải nghiệm tiêu chuẩn quốc tế rộng gần2000ha FLC Quang Binh Beach & Golf Resort; Việt Group với khách sạn Movenpik Central; Onsen Fuji với dự án Dolce Penisola Quảng Bình…
Các chuyên gia nhận định, Quảng Bình đang có những dấu hiệu cho thấy sự lặp lại của diễn tiến thị trường bất động sản Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc, Nha Trang trước đây. Đặc biệt, 2021 là năm thích hợp để các nhà đầu tư “xuống tiền” khi BĐS Quảng Bình đang ở mức giá còn khá hấp dẫn nếu so với tiềm năng và mặt bằng chung ở các thị trường truyền thống.
Phương Thảo