Lãi suất ngân hàng (ngày 18/3), chỉ duy nhất ngân hàng SCB giảm lãi suất huy động. Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) giảm lãi suất huy động với 0,1 điểm phần trăm của tiền gửi kỳ hạn từ 1-5 tháng.
Theo đó, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1-2 tháng chỉ còn 1,65%/năm và 3-5 tháng chỉ còn 1,95%/năm. Với mức giảm này, lãi suất ngân hàng kỳ hạn 1-5 tháng tại SCB gần như thấp nhất thị trường hiện nay, chỉ cao hơn 0,05 điểm phần trăm so với Agribank.
SCB giữ nguyên lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn còn lại. Kỳ hạn 6-11 tháng là 3,05%/năm, chỉ cao hơn 0,05 điểm phần trăm so với lãi suất cùng kỳ hạn tại Agribank và Vietcombank, đồng thời thấp hơn so với tất cả ngân hàng còn lại; Lãi suất ngân hàng kỳ hạn 12-36 tháng tại SCB đang là 4,05%/năm, thấp nhất thị trường hiện nay, thấp hơn từ 0,55-0,75 điểm phần trăm so với lãi suất tiền gửi tại nhóm Big4 ngân hàng.
Theo khảo sát, Dong A Bank vẫn đang duy trì “lãi suất đặc biệt” 7,5%/năm cho tiền gửi kỳ hạn từ 13 tháng trở lên với số tiền gửi từ 200 tỷ đồng.
Tại ACB, “lãi suất đặc biệt” áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 13 tháng là 5,6% với tài khoản tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên (trong khi lãi suất thông thường kỳ hạn này là 4,5%/năm).
Tại PVCombank, lãi suất huy động tại quầy, kỳ hạn 12-13 tháng dành cho khách hàng thông thường là 4,5%-4,7%/năm. Tuy nhiên, “lãi suất đặc biệt” lên đến 10%/năm (cao nhất hiện nay), áp dụng cho tài khoản tiền gửi từ 2.000 tỷ đồng trở lên.
Tại MSB, lãi suất huy động tại quầy kỳ hạn 12-13 tháng theo công bố chỉ 4%/năm. Nhưng với khách hàng gửi từ 500 tỷ đồng trở lên, lãi suất áp dụng là 8,5%/năm.
Còn tại HDBank, lãi suất đặc biệt áp dụng cho tiền gửi tại quầy kỳ hạn 12 và 13 tháng lần lượt là 7,7% và 8,1%/năm. Chính sách lãi suất này chỉ dành cho tài khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên, trong khi lãi suất thông thường cùng kỳ hạn chỉ từ 4,7-4,9%/năm.
Tuy nhiên, một “nhân tố bí ẩn” chưa bao giờ công bố “lãi suất đặc biệt” trong Biểu lãi suất huy động nhưng lại duy trì mức lãi suất này lên đến 9,65%/năm, tức chỉ thấp hơn so với “lãi suất đặc biệt” 10%/năm tại PVCombank. Đó là Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank). Nhà băng này đang duy trì lãi suất tiết kiệm trực tuyến cao nhất theo công bố chỉ 4,4%/năm. Tuy nhiên, ABBank dùng lãi suất cho vay cơ sở dành cho khách hàng cá nhân (áp dụng từ 24/2) là 9,65%/năm để áp dụng cho lãi suất tiền gửi đối với các trường hợp gửi tiết kiệm từ 1.500 tỷ đồng trở lên.
Mức lãi suất tiết kiệm 9,65%/năm ABBank dành cho khách hàng có khoản tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ và phải có phê duyệt của tổng giám đốc.
Trong nhiều năm trở lại đây, lãi suất huy động tại các ngân hàng đã về mức thấp nhất. Mặt bằng lãi suất kỳ hạn 12 tháng cho khách hàng tổ chức hiện nay giữa các ngân hàng thương mại đã không còn sự chênh lệnh đáng kể, ghi nhận ở 4,3%/năm tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước, 4,7%/năm tại các ngân hàng TMCP lớn và 4,8%/năm tại các ngân hàng TMCP khác.
“So với giai đoạn năm 2021, lãi suất huy động ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng TMCP khác đã thấp hơn nhiều, trong khi nhóm ngân hàng TMCP lớn vẫn còn cao hơn mức lãi suất năm 2021 khoảng 10 điểm cơ bản. Tuy nhiên, vẫn có một số ngân hàng áp dụng chính sách “lãi suất đặc biệt” gồm Dong A Bank, HDBank, MSB, ACB, PVCombank”, theo SSI Research.
Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), mặt bằng lãi suất huy động giảm, lượng huy động vốn trong nền kinh tế cũng sụt giảm 0,7% trong 2 tháng đầu năm nay, có thể khiến cho nhu cầu tìm kiếm tài sản sinh lời khác thay cho tiết kiệm tăng cao. Quan sát dữ liệu quá khứ cho thấy có sự tương quan giữa chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế và diễn biến tỷ giá USD/VND. Việc NHNN có đề xuất gửi Chính phủ về giải pháp quản lý thị trường vàng sẽ khiến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới có thể sẽ giảm trong thời gian tới.
Đồng thời, việc NHNN hút thanh khoản (trong ngày 11/3) cũng sẽ làm giảm chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và thế giới. “Trong trung hạn VNĐ vẫn có các yếu tố hỗ trợ nội tại như dòng vốn FDI tích cực, xuất khẩu hồi phục. Đối với áp lực bên ngoài, với việc Fed sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất trong năm 2024, áp lực từ DXY Index sẽ ít hơn so với năm ngoái. Về tổng thể, rằng áp lực tăng USD/VNĐ trong thời gian tới sẽ giảm bớt”, theo BVSC.
BVSC nhận định, động thái hút ròng của NHNN trong phiên 11/3 cũng là thông điệp của cơ quan này trong việc sẵn sàng can thiệp để tỷ giá không có biến động quá lớn. Thanh khoản thu hẹp cũng sẽ giúp lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại, qua đó làm giảm chênh lệch lãi suất VND – USD.
BVSC cho rằng, biến động hiện tại của tỷ giá USD/VND chỉ mang tính ngắn hạn. Dự báo, đồng VND sẽ duy trì mức biến động trong khoảng ± 2-3% trong cả năm nay.
Kể từ đầu tháng 3 đã có 15 ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động gồm: PGBank, BVBank, BaoViet Bank, GPBank, ACB, Agribank, VPBank, PVCombank, Dong A Bank, MB, Techcombank, NCB, KienLong Bank, Agribank, SCB. Trong đó, BaoViet Bank, GPBank, BVBank, PGBank đã 2 lần giảm lãi suất huy động kể từ đầu tháng.
Minh An(t/h)