Sau một thời gian “tạm lắn”, thời gian vừa qua tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn lại diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, một số vụ việc có sự liên quan trực tiếp của cán bộ kiểm lâm.
Ảnh minh họa
Từ nguồn tin của quần chúng nhân dân, ngày 19/9/2013, Hạt Kiểm lâm Chợ Đồn kiểm tra, bắt giữ xe ô tô tải biển kiểm soát 20C-03459 do ông Nguyễn Văn Thắng (Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Mỹ Sơn, địa chỉ tại thôn Bản Lự, xã Yên Mỹ, huyện Chợ Đồn) điều khiển, trên xe chở 91 khúc gỗ (17m3) tròn từ nhóm 4 đến nhóm 8 không có nguồn gốc hợp pháp. Ông Thắng bị xử phạt vi phạm hành chính 75 triệu đồng, bị tịch thu toàn bộ số gỗ nêu trên, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong vòng 6 tháng).
Điều đáng chú ý, trong số 91 khúc gỗ chở trên xe ô tô, có 90 khúc được đóng dấu búa của kiểm lâm mang ký hiệu KL 1003 (42 khúc được đống dấu búa ở 2 đầu gỗ, 48 khúc còn lại được đóng dấu búa ở một đầu). Nghi ngờ dấu búa “có vấn đề”, sau khi giám định, ngày 23/10/2013, công an tỉnh Bắc Cạn kết luận, dấu búa đóng trên 90 khúc gỗ là giả. Tính chất vụ việc đã rõ, nhưng không hiểu sao từ cuối tháng 10/2013 đến cuối tháng 3/2014, hồ sơ vụ việc lại bị đẩy qua đẩy lại giữa 2 cơ quan Kiểm lâm và Công an. Ban đầu, Chi cục Kiểm lâm chuyển vụ việc cho Công an tỉnh, sau đó Công an tỉnh lại trả hồ sơ cho chi cục Kiểm lâm vì lý do “chưa đủ căn cứ để xem xét”. Chi cục Kiểm lâm lại giao hồ sơ cho Hạt Kiểm lâm huyện Chợ Đồn, cơ quan này chuyển hồ sơ sang Công an huyện, Công an huyện trả lại để bổ sung hồ sơ, bổ sung hồ sơ xong lại chuyển sang Công an huyện Chợ Đồn…
Vụ việc còn có những dấu hiệu “bất thường” khác, khi đến nay đã hơn 6 tháng xác định dấu búa kiểm lâm đóng trên 17 m3 gỗ là giả, nhưng không hề có cơ quan nào điều tra, làm rõ chiếc búa giả ấy do cơ sở nào sản xuất, nó đang ở đâu, ai đóng dấu giả lên gỗ…?
Cũng từ tin báo của nhân dân, đầu tháng 3/2014, Chi cục Kiểm lâm Bắc Cạn thành lập tổ công tác, kiểm tra bãi gỗ của ông Nguyễn Văn Khương ở thôn Nà Lin, xã Địa Linh (huyện Ba Bể, Bắc Cạn), phát hiện ông Khương đang trữ hơn 6 m3 khối gỗ dâu, dổi, trò… từ nhóm 3 đến nhóm 6 không có nguồn gốc hợp pháp. Chi cục Kiểm lâm Bắc Cạn đã làm rõ, Hạt phó Kiểm lâm huyện Pác Nặm Nguyễn Hữu Tuấn đã “tiếp tay” cho ông Khương bằng cách làm các thủ tục như lập bảng kê, nghiệm thu, đóng dấu búa kiểm lâm… hợp thức cho ông Khương vận chuyển 6,4 m3 gỗ từ huyện Pác Nặm về huyện Ba Bể. Liên quan vụ việc này còn có ông Nguyễn Duy Thiệp, kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm huyện Pác Nặm.
Đầu tháng 4/2014, tại thôn Nà Ản, xã Kim Hỷ (huyện Na Rì), kiểm lâm trạm Khau Pi kiểm tra, bắt giữ ô tô biển kiểm soát 97H-2525 do Nguyễn Mạnh Huấn trú tại thị trấn Bằng Lũng (huyện Chợ Đồn) điều khiển chở gần 7 m3 gỗ nghiến nhóm 2A, loại gỗ quý hiếm không có nguồn gốc. Chiếc xe ô tô chở gỗ lậu này từ khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ đi ra. Dư luận đặt câu hỏi, “đứng sau” vụ việc này là ai, vì một mình Huấn không dám ngang nhiên đến như vậy?
Các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Cạn cần điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh 3 vụ điển hình nêu trên góp phần chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn và lấy lại lòng tin cả nhân dân đối với lực lượng kiểm lâm.
Theo Thời Nay