Vang bóng một thời

Thị trường BĐS Bình Dương đã từng “tạo sốt” từ nhiều năm trước nhờ lợi thế liền kề với TP. HCM và ­­hạ tầng phát triển.

Trong đó, thành phố mới Bình Dương được xem là đầu tàu của thị trường này với hàng loạt dự án được quy hoạch, đầu tư xây dựng để trở thành một khu đô thị văn minh, hiện đại và là trung tâm của Bình Dương. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng ban đầu, sau nhiều năm đưa vào hoạt động, bài toán đưa dân về thành phố mới (TPM) dường như vẫn chưa thành hiện thực.

BĐS Bình Dương: Tảng băng đang đợi

Đường dẫn vào trung tâm hành chính TPM vắng bóng người

Đến trung tâm TPM Bình Dương thời điểm này, bất cứ ai cũng không khỏi ngạc nhiên khi hàng loạt các dự án nhà liền kề được xây dựng rất bài bản, nhưng đều không có người ở. Do thời gian dài không có người sử dụng nên hầu hết tại các hạng mục công trình ở đây đang trong tình trạng xuống cấp, tại một số căn hộ rêu xanh đã phủ ra đến ngoài hành lang. Rảo quanh nhiều vòng mới thấy lác đác vài hộ gia đình, họ đã mua và chuyển về trước đó, một số hộ thì mở quán café và cửa hàng tạp hóa.

TPM, trước đây cũng đã từng là “chảo lửa” của các sàn giao dịch BĐS, hàng loạt các trung tâm môi giới BĐS được mở ra và giao dịch tấp nập. Đến nay, khi những sàn giao dịch, trung tâm môi giới BĐS vẫn còn đó, nhưng khách hàng tới giao dịch đã vắng, chỉ có lác đác một hai nhân viên kinh doanh ngồi trực. Kinh doanh kém, số lượng sản phẩm bán ra không đủ để duy trì hoạt động nên một số văn phòng đã phải đóng cửa.

BĐS Bình Dương: Tảng băng đang đợi

Dù đã xây xong phần thô nhưng vẫn bị bỏ ngỏ

“Trước kia, lúc thị trường còn sôi động, một ngày tại văn phòng có hàng trăm đơn hàng được giao dịch. Hiện nay, một ngày chỉ có một hoặc hai cái, nhưng người hỏi mua thì ít mà chủ yếu là người dân tới văn phòng để ký gửi, nhờ công ty bán hộ thì nhiều”, một nhân viên kinh doanh BDS tại TPM chia sẻ.

Anh Quân, làm việc tại TP. HCM, tìm đến trung tâm môi giới để nhờ bán hộ mảnh đất mà anh đã mua trước đó ở TPM, cho biết: “Thời gian gần đây, hầu như cảnh chào mời, rao bán nhà đất đã giảm hẳn, thậm chí tôi còn không thấy các "cò" môi giới túc trực nhận mối như trước nữa. Có lẽ, vì vậy mà từ sáng sớm tới giờ, dạo quanh những điểm tập trung các trụ sở cung cấp dịch vụ môi giới BĐS để nhờ họ bán hộ miếng đất, nhưng các chỗ tôi tìm đều không nhận, có chỗ còn dán thông báo tạm dừng hoạt động”.

BĐS Bình Dương: Tảng băng đang đợi

Những dãy nhà đã hoàn thiện nhưng gần như không một bóng người 

Vì đâu nên nỗi?

Với hệ thống giao thông thuận lợi, cơ sở hạ tầng hoàn thiện, quy hoạch bài bản, nhưng tại sao thị trường BĐS ở đây vẫn vắng khách? Lý giải nguyên nhân của sự vắng vẻ tại các dự án của Bình Dương, một số chuyên gia cho biết, mức giá bán ở đây vẫn còn khá cao. Ví dụ, để mua một nhà phố tại khu vực này, cũng 4 – 5 tỷ đồng. Với số tiền đó, người mua có thể dễ dàng tìm được một căn nhà tại các quận vùng ven TP. HCM.

BĐS Bình Dương: Tảng băng đang đợi

Cảnh hoang tàn của một trong rất nhiều căn nhà tại TPM 

Mặt khác, các tiện ích tại các khu đô thị của Bình Dương vẫn còn nhiều hạn chế. Chủ yếu là việc chưa có nhiều người đến sinh sống nên chưa thể tạo ra sự thu hút các nhà đầu tư đến đây. Chủ chương “dời đô” về TPM của Bình Dương vẫn còn nhiều bất cập. Đó vẫn còn là một tầm nhìn quá xa so với thực tại.

Theo như tâm lý của người dân, khi người ta đã sinh sống ở đâu thì sẽ an cư mãi ở đó. “Ở dưới này đang có nhà, có đất, đang sinh sống yên ổn thì làm sao phải chuyển lên đó làm gì”, anh Huyên, một người nhập cư sống tại thị xã Dĩ An (Bình Dương) cho biết.

Hơn nữa, với những hộ gia đình không có điều kiện, họ đã phải dành dụm và vay mượn bạn bè mới có đủ tiền để mua miếng đất nhỏ, dựng nhà ở. Bây giờ, bán đi để chuyển về TPM thì số tiền đó không đủ để mua một căn nhà hoặc xuất đất. Người ta lấy đâu ra thêm tiền để bù vào khi Nhà nước chưa có chính sách gì để hỗ trợ? Chưa kể, khi về TPM, người dân phải đi làm ở những chỗ cũ sẽ xa hơn. Thậm chí, phải nghỉ việc để đi tìm công việc khác cho tiện đi lại. Như vậy, việc di dời dân về TPM vẫn còn rất nhiều vướng mắc.

BĐS Bình Dương: Tảng băng đang đợi

Những mảnh đất sạch nay là chỗ chăn trâu, thả bò của những người dân xung quanh

Một số chuyên gia cho biết, nguyên nhân khiến thị trường BĐS Bình Dương vẫn “lạnh” vào thời điểm này, có phần xuất phát từ thời điểm sốt nóng trước đây. Thời điểm đó, các thông tin dự án bị thổi phồng, nhà đầu tư thì ít mà ngươi đầu cơ nhiều. Khi thị trường bắt đầu gặp khó khăn, lập tức gây nên hiệu ứng đồng loạt. Trong thời gian qua, thị trường này đã bị các nhà đầu cơ làm giá quá nhiều. Vì vậy, khi Chính phủ siết chặt tín dụng, nguy cơ bị đóng băng là khó tránh khỏi. Trước thực trang này, có nhiều nhà đầu tư nóng lòng bán ra để bảo toàn vốn.

Bình Dương là tỉnh công nghiệp phát triển mạnh, nhưng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với TP. HCM chỉ có “độc đạo” tuyến QL13 nên khó thu hút người dân địa phương khác về đây ở.

"Muốn một khu đô thị mới phát triển, có người dân đến ở thì phải có sự đồng bộ về hạ tầng, gồm hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Trong đó, hạ tầng kỹ thuật phải chắc chắn có trước. Ngoài ra, hạ tầng xã hội bao gồm trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí và các phương tiện giao thông công cộng trong toàn khu vực… phải đáp ứng được nhu cầu người dân. Hiện nay, TPM Bình Dương vẫn đang thiếu và yếu những vấn đề trên. Đây là một trong những lý do khiến người dân vẫn chưa chọn TPM là nơi an cư”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM cho biết.

Hải Phong – Thanh Bút