Biểu hiện xuống cấp

Tổng kinh phí đầu tư ban đầu của dự án là 342 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ; tuy nhiên, do đứt quãng 2 năm nên đội vốn lên 495 tỷ đồng. Trong đó, vốn trái phiếu chính phủ 455,8 tỷ đồng và ngân sách tỉnh gần 40 tỷ đồng. Được đầu tư xây dựng trên tổng diện tích gần 10 ha, tại phường B’Lao (TP. Bảo Lộc), BVĐK II Lâm Đồng làm chủ đầu tư và Công ty CP Licogi 16 là đơn vị thi công. 

 Bệnh viện hơn 500 tỷ (Lâm Đồng): Chưa nghiệm thu đã hỏng! - Hình 1

Bệnh viện hơn 500 tỷ chưa nghiệm thu đã hư hỏng

Đến nay, tổng vốn đã phân bổ (lũy kế) gần 478 tỉ đồng, tuy nhiên chậm tiến độ hơn 3 năm vẫn chưa đưa vào sử dụng. “Dự án chậm tiến độ, chủ đầu tư đã đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh và cắt giảm một số hạng mục của dự án. Nguyên nhân do trượt giá nên dự án cũng bị ảnh hưởng”, lãnh đạo BV cho biết.

Trung tuần tháng 11, PV đã theo chân một lãnh đạo BV “mục sở thị” công trình, chứng kiến những nơi dột, thấm và nứt nẻ. Theo ghi nhận, công trình mới này đã chậm tiến độ hơn 3 năm, nhưng xung quanh cỏ mọc um tùm, ngổn ngang, cơ bản chỉ hoàn thành phần… xác.

Bệnh viện hơn 500 tỷ (Lâm Đồng): Chưa nghiệm thu đã hỏng! - Hình 2

Những vết nứt xuất hiện trên tường của tòa nhà

Theo lãnh đạo BV: Ngày 22/11/2017, công ty tư vấn, công ty thiết kế và nhà thầu thi công sẽ hoàn thành thủ tục gửi Sở Xây dựng tiến hành nghiệm thu. Đến ngày 15/12/2017, đơn vị thi công hứa sẽ hoàn thành bàn giao toàn bộ cho chủ đầu tư để đi vào hoạt động.

BV hiện đại, quy mô trên 500 giường bệnh đạt tầm cỡ và tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng, được khởi công xây dựng tháng 10/2011 và dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2013 nhằm phục vụ và chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương, khu vực Tây Nguyên, miền Trung, Việt kiều và ngoại kiều. BV có đầy đủ các chuyên khoa cần thiết như nội, ngoại, sản, nhi, chấn thương chỉnh hình, thần kinh, tai mũi họng, mắt, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, ung bướu... 

 Bệnh viện hơn 500 tỷ (Lâm Đồng): Chưa nghiệm thu đã hỏng! - Hình 3

Đã có nhiều chỗ hư hỏng xuống cấp nặng như nứt, dột, thấm la phông, bong sơn một số tường

Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngay từ khi chưa đưa vào sử dụng, công trình do Công ty CP Licogi 16 thi công (khối hành chính - cấp cứu - xét nghiệm và 4 dãy nhà điều trị nội trú) đã có nhiều chỗ xuống cấp: Nứt, dột, thấm la phông, bong sơn một số tường; sảnh và nhiều sàn thấm nước, có vết nứt sơn mặt tiền bong tróc, bạc màu, cửa kính bể hư hỏng...

Chưa thể khắc phục?

Theo lãnh đạo BV, sở dĩ những hư hỏng trên là do chất lượng thi công không bảo đảm, hệ thống thoát nước chảy tự do không theo đường ống ven tường, các sân thượng (mái bằng) không có độ dốc, đọng nước nên không phù hợp với thời tiết khu vực Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. “Trách nhiệm của nhà thầu và đơn vị thi công là Công ty CP Licogi 16 phải khắc phục sửa chữa và họ đã có rất nhiều giải pháp, nhưng không mang lại hiệu quả”, vị này cho biết.

Bệnh viện hơn 500 tỷ (Lâm Đồng): Chưa nghiệm thu đã hỏng! - Hình 4

Đến bao giờ thì Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng mới đi vào hoạt động?

BV mới chậm tiến độ, chưa bàn giao đã hư hỏng. Trong khi đó, vì “chờ đợi” nên BV hiện không được đầu tư tu sửa - đang xuống cấp nghiêm trọng. Hàng trăm bệnh nhân phải nằm giường đôi, giường 3, thậm chí phải nằm xếp hàng dọc hành lang các khoa. Trang thiết bị y tế thiếu thốn, kém chất lượng công tác khám chữa bệnh cũng đang gặp hết sức khó khăn. 

“Trước mắt, đơn vị thi công hứa lợp tất cả 4 mái tại khu điều trị nội trú bị dột, thấm. Nhưng tại khu nhà hành chính thì chưa có phương án khắc phục. Thanh tra tỉnh đã thành lập đoàn cán bộ, tổ chức thanh tra công trình, nhưng đến nay vẫn chưa công bố kết quả”, lãnh đạo BV nói.

Hiện nay, các đơn vị thi công đã cơ bản hoàn thành gói thầu số 2 (xây dựng khối công trình chính); hoàn thành gói thầu số 9 (lắp đặt trạm biến áp); đang tiếp tục thi công gói thầu số 8 (xây dựng các cầu nối); đã tổ chức đấu giá gói thầu số 4 (thiết bị y tế). Riêng gói thầu số 4 (thiết bị y tế) với tổng kinh phí từ dự án ODA khoảng 12 triệu USD, được BV (chủ đầu tư) đề xuất UBND tỉnh và Sở KH&ĐT xem xét giải quyết.

Theo thiết kế, dự án bệnh viện mới được mô phỏng theo mô hình đàn đá Tây Nguyên mang tên “Tiếng đàn đêm”. Thiết kế lấy cảm hứng từ hình tượng phối hợp “bộ đàn đá và cây đàn Đing – Năm truyền thống”, mang dấu ấn độc đáo của núi rừng Tây Nguyên. Tuy nhiên, theo nhiều người dân nơi đây, chính vì những thiết kế này đã không phù hợp với thời tiết ở Tây Nguyên nên xảy ra tình trạng hư hỏng, dột thấm bởi nơi đây có tới 6 tháng mưa trong năm với lượng mưa rất lớn.

Cao Diên – Hải Dương