Theo cảnh báo của Bệnh viện Nhi Trung ương chiều ngày 6/2, hiện nay thời tiết mùa đông - xuân là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp nói chung và cúm mùa nói riêng phát triển. Trung bình mỗi ngày, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) tiếp nhận điều trị khoảng 10 ca mắc cúm, trong đó có những ca biến chứng nặng.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây nên. Bệnh xảy ra hằng năm, thường vào mùa đông - xuân. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi.

Cúm mùa có 4 chủng vi rút là A, B, C, D. Tại Việt Nam các vi rút gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

Theo khuyến cáo của Bệnh viện Nhi trung ương, trẻ cần nhập viện khẩn cấp khi mắc cúm, với các dấu hiệu sốt cao liên tục từ trên 39 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt hoặc bị co giật; khó thở... Ảnh: KT
Theo khuyến cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ cần nhập viện khẩn cấp khi mắc cúm, với các dấu hiệu sốt cao liên tục từ trên 39 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt hoặc bị co giật; khó thở... Ảnh: KT

Một số triệu chứng thường gặp của bệnh cúm như: Đau họng và ho, hắt hơi, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, sốt và ớn lạnh, nhức đầu và nhức mỏi cơ thể, cảm thấy mệt mỏi, có thể kèm theo đau bụng, nôn, tiêu chảy… Bệnh có diễn biến nhẹ, có thể hồi phục sau 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, hoặc trẻ có bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hoá, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… khi mắc cúm mùa có thể diễn biến nặng, gây biến chứng nguy hiểm.

Các biến chứng chủ yếu là suy hô hấp, viêm phổi, viêm thanh khí phế quản, viêm tai giữa, viêm não, viêm cơ tim, nhiễm khuẩn thứ phát…, thậm chí làm trầm trọng hơn tình trạng của bệnh nhi mắc bệnh nền, gia tăng nguy cơ tử vong.

Theo khuyến cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ cần nhập viện khẩn cấp khi mắc cúm, với các dấu hiệu sốt cao liên tục từ trên 39 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt hoặc bị co giật; khó thở, thở nhanh hoặc nhịp thở bất thường; đau ngực hoặc đau cơ dữ dội; tím môi và đầu chi, tay chân lạnh; trẻ li bì, mệt mỏi, ăn kém, nôn trớ nhiều.

Bệnh viện Nhi trung ương khuyến cáo: Các bậc cha mẹ cần cho trẻ tiêm vắc xin phòng bệnh, để bảo vệ trẻ một cách hiệu quả khỏi vi rút cúm mùa. Ảnh: VNVC
Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo: Các bậc cha mẹ cần cho trẻ tiêm vắc xin phòng bệnh, để bảo vệ trẻ một cách hiệu quả khỏi vi rút cúm mùa. Ảnh: VNVC

Bên cạnh đó, cha mẹ cần nhận biết sớm các triệu chứng của cúm mùa để chủ động xử trí và đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, cha mẹ nên cho trẻ tiêm vắc xin phòng bệnh để bảo vệ trẻ một cách hiệu quả khỏi vi rút cúm mùa.

Ngoài ra, cần phòng bệnh cho trẻ bằng cách bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; ăn uống đủ chất, bù đủ nước, tăng sức đề kháng. Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch; giữ ấm cơ thể; hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi ngờ mắc bệnh.

Cũng trong chiều ngày 6/2, Hệ thống Y tế Medlatec cho biết, vừa ghi nhận 3 chị em trong một gia đình ở Hà Nội nhiễm cúm A, trong đó 2 trẻ có diễn biến nặng với biến chứng viêm phổi, phải nhập viện để điều trị. Cả 3 bệnh nhi đến khám với các triệu chứng: Sốt cao, dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng, ho khan nhiều, đau tức ngực trái và có nhiều dịch mũi. Các triệu chứng xuất hiện đột ngột, diễn biến cấp tính tăng dần.

3 trẻ được xét nghiệm test nhanh cúm và cùng cho kết quả, dương tính với cúm A. Trong đó, 2 bé gái có tình trạng nặng hơn, được chỉ định nhập viện do biến chứng viêm phổi, với các bilan viêm tăng cao, bao gồm bạch cầu (BC) tăng và chỉ số CRP cao. Ngoài ra, chụp CT phổi có hình ảnh tổn thương viêm phổi. Riêng bé trai do triệu chứng nhẹ hơn, được kê đơn thuốc điều trị và theo dõi tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc, chuyên khoa Nhi, Hệ thống Y tế Medlatec cho biết, cúm A là loại cúm mùa phổ biến nhất, chiếm tới 75% các trường hợp nhiễm cúm ở người. Các chủng vi rút cúm A thường gặp bao gồm: H1N1, H3N2, H5N1, H7N9, trong đó, H5N1 và H7N9 xuất hiện ở gia cầm nhưng có khả năng lây sang người, dẫn đến nguy cơ bùng phát thành đại dịch.

Vi rút cúm A có thể lây từ gia cầm mắc bệnh sang người khi có tiếp xúc gần, tuy nhiên, phổ biến hơn cả là lây lan từ người sang người qua đường hô hấp. Khi nói chuyện, hắt hơi hoặc ho, vi rút trong cơ thể sẽ phát tán ra ngoài theo tuyến nước bọt với phạm vi lên tới 2m. Người khỏe mạnh khi tiếp xúc gần, hoặc trò chuyện trực tiếp với người bệnh sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh.

Ngoài ra, vi rút cúm A còn tồn tại trên các bề mặt như: Tay nắm cửa, quần áo, điện thoại, bát đũa và các vật dụng hằng ngày. Vi rút cúm có thể sống sót trên các bề mặt này đến 48 giờ, tạo điều kiện cho sự lây lan trong cộng đồng. Người mắc cúm A sẽ có một số biểu hiện đặc trưng như: Sốt cao, sốt kéo dài, đau họng, viêm họng, ho nhiều và kéo dài, ớn lạnh, khó thở, mệt mỏi, chảy nước mắt khi ra ngoài sáng. Trẻ em nhiễm bệnh rất dễ gặp tình trạng nôn mửa, hoặc tiêu chảy.

“Phần lớn bệnh nhân mắc cúm A có thể hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày. Tuy nhiên, những người thuộc nhóm nguy cơ cao (trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai và những người mắc các bệnh lý nền) có nguy cơ gặp phải các biến chứng như: Viêm phổi nặng, viêm tai giữa, viêm xoang, nhiễm trùng đường tiết niệu, phù não, tổn thương gan, thậm chí là sảy thai. Do đó, khi xuất hiện các triệu chứng cấp tính nghi ngờ nhiễm cúm, người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám, xác định bệnh và can thiệp điều trị phù hợp”, Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc khuyến cáo

Tuấn Ngọc (t/h)