Với mục tiêu đặt quyền và lợi ích của người tham gia bảo hiểm y tế, lên hàng đầu, nắm bắt và bám sát tình hình thực tiễn, ngành BHXH Việt Nam đã luôn chủ động và tích cực trong việc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho người tham gia thụ hưởng. Kết quả, trong năm 2022, số người tham gia bảo hiểm y tế là 91,1 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 92,04% dân số, tăng hơn 2,2 triệu người so với năm 2021 và là 1 trong 7 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội, Chính phủ giao hoàn thành vượt kế hoạch. Khối lượng công việc của Ngành phục vụ Nhân dân ngày càng tăng (trên 151 triệu lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; chưa kể các gói hỗ trợ đột xuất của Chính phủ), song song đó, chất lượng dịch vụ về bảo hiểm y tế của Ngành không ngừng được cải thiện mạnh mẽ theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, thân thiện với người tham gia.
Bên cạnh việc chi trả kịp thời, đầy đủ các chế độ bảo hiểm y tế cho người tham gia, thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là ngành Y tế trong việc đề xuất và triển khai các giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ, đảm bảo nguồn kinh phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện cung ứng các dịch vụ y tế, đem lại quyền lợi tối đa cho người tham gia bảo hiểm y tế theo Luật định. Đáng chú ý, trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, Chính phủ đã có Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 05/11/2022 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Với sự vào cuộc tích cực đó, nhiều vướng mắc trong khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thuộc thẩm quyền của BHXH Việt Nam đã được tháo gỡ kịp thời.
Trong các vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam, một số vấn đề đã được giải quyết nhanh chóng. Cụ thể, trong các năm 2016- 2019, chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế hằng năm gia tăng mạnh, tình trạng bội chi quỹ lớn, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh bị vượt quỹ, vượt trần thanh toán tuyến 2, vượt dự toán. Các văn bản quy phạm pháp luật đều quy định cơ sở khám, chữa bệnh phải thuyết minh các nguyên nhân vượt trần, vượt dự toán, cơ quan BHXH đã chủ động tăng cường phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh để xử lý các vấn đề còn vướng mắc, đảm bảo việc thanh quyết toán đúng quy định của pháp luật. Đến thời điểm này, các chi phí chưa đủ điều kiện quyết toán đã cơ bản được giải quyết do vậy, đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn về kinh phí cho các cơ sở khám, chữa bệnh.
Mặt khác, nhằm đảm bảo bảo kinh phí cho các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế hoạt động, ngành BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh thực hiện quyết toán hằng quý để chuyển tiền thanh toán và tạm ứng kinh phí cho hoạt động quý sau. Giai đoạn dịch Covid-19, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh khó khăn về kinh phí, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các địa phương thực hiện tạm ứng đầy đủ, báo cáo BHXH Việt Nam để được giải quyết.
Công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Ngành tiếp tục được ưu tiên tập trung triển khai đồng bộ và có bước phát triển vượt bậc, góp phần đổi mới phương thức hoạt động của Ngành, xây dựng thành công Chính phủ số; phục vụ tốt nhất quyền lợi của người dân tham gia bảo hiểm y tế. Hiện kho cơ sở dữ liệu của Ngành đã có thông tin của trên 98,7 triệu người dân; kết nối liên thông với gần 13 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh; tiếp nhận khoảng 300 triệu hồ sơ giao dịch trực tuyến trên Hệ thống giao dịch điện tử và Hệ thống Thông tin giám định bảo hiểm y tế; thực hiện hơn 500 triệu xác thực và chia sẻ thông tin với các Bộ, ngành địa phương.
Nhằm triển khai thí điểm khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng Căn cước công dân gắn chíp, thời gian qua, BHXH Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Tính đến hết tháng 11, toàn quốc đã có trên 12.000 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng Căn cước công dân gắn chíp phục vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chiếm khoảng 90% tổng số cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc, với hơn 3 triệu lượt tra cứu, mang lại nhiều tiện ích cho người tham gia chính sách này.
Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, đồng thời giúp quản lý tốt quỹ bảo hiểm y tế, BHXH Việt Nam đã đề xuất với Chính phủ cho triển khai, đồng thời tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai công nghệ xác thực sinh trắc trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Hiện công tác thí điểm cho người tham gia bảo hiểm y tế làm thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng công nghệ quét dấu vân tay, xác thực sinh trắc trên căn cước công dân gắn chíp đang được triển khai tại một số địa phương. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng tiếp tục hoàn thiện và bổ sung các tính năng hữu ích trên ứng dụng VssID - BHXH số. Hiện toàn quốc đã có hơn 29 triệu tài khoản đăng ký, cài đặt, sử dụng ứng dụng; hơn 1,8 triệu lượt sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng này để đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế…
Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan để tập trung rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm y tế để ban hành, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, khắc phục bất cập trong tổ chức thực hiện nhằm phát triển người tham gia bảo hiểm y tế... đồng thời phối hợp, tìm ra các phương án tối ưu để hướng tới mục tiêu lâu dài, chăm sóc sức khỏe và đảm bảo lợi ích cho người dân tham gia khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định, năm 2023, trách nhiệm của cơ quan BHXH sẽ ngày một lớn hơn, toàn ngành tiếp tục bám sát các nhiệm vụ, giải pháp để phấn đấu chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế đến năm 2025, tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,15% dân số, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân theo đúng mục tiêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW; giải quyết đầy đủ, kịp thời quyền lợi bảo hiểm y tế cho người tham gia.
Phát huy mạnh mẽ vai trò phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong quá trình xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện bảo đảm sát yêu cầu, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn. BHXH tỉnh, thành phố tiếp tục phát huy vai trò tham mưu với Tỉnh ủy, UBND chỉ đạo mạnh mẽ công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế trên địa bàn, mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế, ngăn ngừa các hành vi trục lợi bảo hiểm y tế, bảo đảm cân đối quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn một cách bền vững.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các cơ sở khám, chữa bệnh; quan tâm nhiều hơn đến công tác đầu tư nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại tuyến xã để người có thẻ bảo hiểm y tế yên tâm đến khám, điều trị. Với sự nỗ lực của toàn Ngành, cùng sự vào cuộc của toàn xã hội, chắc chắn chúng ta sẽ hoàn thành lộ trình bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, quỹ bảo hiểm y tế phát triển ổn định và bền vững, đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội quốc gia.
Thái Bình