Trẻ em xếp hàng đợi nhận khẩu phần ăn do Chương trình Lương thực Thế giới tài trợ tại Harare, Zimbabwe.
Trẻ em xếp hàng đợi nhận khẩu phần ăn do Chương trình Lương thực Thế giới tài trợ tại Harare, Zimbabwe.

Trong Báo cáo về Triển vọng cây trồng và Tình hình lương thực, FAO cho biết, trong thời gian mùa Hè ở Nam bán cầu từ giữa tháng 11/2023 đến tháng 2 vừa qua, các vùng trồng trọt chính ở Malawi, Mozambique, Namibia, Zambia và Zimbabwe chỉ nhận được 80% lượng mưa so với mức trung bình. Đáng chú ý, trong tháng 2 - thời điểm mà lượng nước tưới có tác động lớn nhất đến năng suất cây trồng, lượng mưa ghi nhận ở mức “thiếu hụt đáng kể”.

Theo báo cáo được xuất bản 3 lần một năm này, nhiệt độ cao hơn mức bình thường và lượng mưa phân bố “thất thường” đã khiến tình hình an ninh lương thực ở khu vực Nam châu Phi trở nên tồi tệ hơn. Sản lượng ngũ cốc ở khu vực dự báo sẽ giảm trong năm nay, làm tăng nhu cầu nhập khẩu. Nam Phi, nhà sản xuất ngũ cốc lớn nhất khu vực, cũng đã phải hứng chịu lượng mưa ít và nhiệt độ cao trong 2 tháng đầu năm nay, có nguy cơ làm giảm sản lượng ngô so với năm ngoái.

Theo FAO, việc mua thực phẩm có thể tiếp tục bị ảnh hưởng do thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn giảm và giá cả có thể tăng do áp lực nguồn cung.

Cơ quan LHQ cho biết tình hình trở nên trầm trọng hơn do đồng nội tệ ở một số quốc gia trong khu vực trượt giá, khiến chi phí sinh hoạt tăng cao. Cuối tháng trước, Zambia đã chính thức ban bố tình trạng “thảm họa quốc gia” do hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng đến lĩnh vực nông nghiệp.

Hiện tượng El Nino xảy ra một cách tự nhiên trong mỗi 2 đến 7 năm, thường làm tăng nhiệt độ bề mặt Trái Đất trong năm tiếp theo sau khi hiện tượng này phát triển. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) nhấn mạnh hiện tượng El Nino xảy ra chủ yếu do tác động của biến đổi khí hậu vốn đang diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, thế giới có thể chưa chứng kiến phần lớn tác động của El Nino cho đến năm 2024. Cho đến thời điểm này, năm 2016 được ghi nhận là năm nóng kỷ lục do ảnh hưởng của El Nino.

Hà Trần (t/h)