Xuất khẩu gạo cả năm 2022 có thể đạt 7 triệu tấn
Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đang ở mức 428 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 408 USD/tấn. So với thời điểm trước khi Ấn Độ ban hành chính sách hạn chế xuất khẩu gạo thì giá xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam tăng trung bình khoảng 30 USD/tấn.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam những tháng cuối năm và đầu năm 2023 sẽ thuận lợi, giá gạo trong ngắn hạn vẫn duy trì ở mức cao do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu thu mua lương thực tăng lên.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Việt Nam là một trong số ít các nước vẫn giữ được đà tăng trưởng trong xuất khẩu gạo (năm sau cao hơn năm trước). Nếu khai thác tốt các cơ hội từ việc hạn chế xuất khẩu gạo trắng của Ấn Độ và xu hướng mua trữ gạo thay thế lúa mì ở một số quốc gia khác, xuất khẩu gạo cả năm 2022 có thể đạt 7 triệu tấn.
Ông Hòa phân tích xu hướng thị trường: Các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm tới Trung Quốc. Đây vốn là thị trường lớn và tiềm năng của nông sản Việt cả trong quá khứ lẫn hiện tại. Mỗi năm, Trung Quốc cần nhập khoảng 5,3 triệu tấn gạo, hiện có 22 doanh nghiệp Việt Nam đang được cấp phép xuất gạo vào Trung Quốc nhưng mỗi năm chỉ được xuất khẩu với hạn mức nhất định. Hải quan Trung Quốc hiện có thể truy xuất rõ ràng sản lượng, hạn mức của từng doanh nghiệp được cấp phép nên các đơn vị xuất khẩu cần lưu ý tuân thủ.
Thị trường Liên minh Châu Âu - EU và Anh cũng là hai thị trường quan trọng và có tiềm năng xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam. Sau khi Anh tách khỏi EU, nước ngày đã cấp hạn ngạch nhập khẩu gạo Việt Nam hàng năm tương đương với hạn ngạch mà EU cấp theo Hiệp định thương mại tự Việt Nam – EU.
"Để tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do và hạn ngạch xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu cần có sự liên kết chặt chẽ với các đơn vị thu mua, chế biến để đáp ứng các chứng nhận, tiêu chuẩn kỹ thuật,…của thị trường nhập khẩu", ông Hòa nhấn mạnh.
Gạo tại thị trường Châu Á
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã tăng trong tuần này nhờ nhu cầu từ nước ngoài tăng và trong bối cảnh chính phủ tích cực mua thóc lúa để khuyến khích sản xuất trong nước đã làm tăng chi phí thu mua của thương nhân.
Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ tăng lên 373-378 USD/tấn so với mức 370-375 USD/tấn của tuần trước, trong bối cảnh nhu cầu xuất khẩu cũng cao hơn.
Ấn Độ đã tăng giá mua lúa vụ mới từ nông dân thêm 5,2%, mức tăng lớn nhất trong 05 năm, trong bối cảnh New Delhi khuyến khích nông dân tăng diện tích và sản lượng.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Bộ Nông nghiệp Ấn Độ thông tin, sản lượng lúa vụ mùa lớn thứ hai của nước láng giềng Bangladesh có thể đạt 17 triệu tấn, vượt mục tiêu 16 triệu tấn, do nông dân tăng diện tích canh tác để nâng cao thu nhập khi giá cao hơn. Bangladesh đã phải vật lộn để tích trữ gạo sau khi tình trạng lũ lụt diễn biến nghiêm trọng hơn.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 10/2022, ở mức 410-425 USD/tấn. Các nhà giao dịch cho hay đồng bath tăng giá làm giảm lợi nhuận của các nhà xuất khẩu từ việc bán hàng ở nước ngoài và buộc họ phải tăng giá bán gạo.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam không đổi ở mức 425-430 USD/tấn. Một thương nhân tại thành phố Hồ Chí Minh tiết lộ, nhu cầu gạo Việt Nam đã cao hơn dự đoán trước đây, và xuất khẩu năm 2022 dự kiến sẽ vượt mục tiêu chính thức là 6,3-6,5 triệu tấn.
Các thương nhân Việt Nam nhận định: Nhu cầu gạo từ các khách hàng Châu Âu, đặc biệt là đối với gạo thơm và các thị trường trọng điểm như Philippines và Trung Quốc nhiều hơn.
Nguyễn Vân Quỳnh (t/h)