Lễ nghiệm thu Đề án “Hỗ trợ máy móc thiết bị trong chế biến gỗ” -do Sở Công Thương tỉnh Bình Định phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) tổ chức. 

Một góc cơ sở chế biến gỗ của Hộ kinh doanh Nguyễn Đình Thông.Ảnh: Văn. Đoàn.
Một góc cơ sở chế biến gỗ của hộ kinh doanh Nguyễn Đình Thông (Ảnh: Văn Đoàn)

Tham dự Lễ nghiệm thu, có các vị: Võ Mai Hưng, Phó giám đốc Sở Công Thương Bình Định, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu các đề án khuyến công tỉnh Bình Định; Văn Thái Toàn, Giám đôc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (KC&XTTM - Sở Công Thương Bình Định); đại diện lãnh đạo chinh quyền địa phương và các phòng, ban của Sở Công Thương Bình Định...

Theo Ban tổ chức, chương trình nghiệm thu Đề án “Hỗ trợ máy móc thiết bị trong chế biến gỗ” là động thái nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 3300/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Định về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung các đề án KC sử dụng từ nguồn kinh phí KC địa phương năm 2023. Đề án được triển khai thực hiện tại hộ kinh doanh Nguyễn Đình Thông, xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định).

Trên cơ sở Quyết định số 3300/QĐ-UBND, giữa tháng 9/2023, Trung tâm KC&XTTM Bình Định đã ký Hợp đồng số 19/2023/HĐ-KCĐP với hộ kinh doanh Nguyễn Đình Thông để triển khai thực hiện đề án.

Theo đó, triển khai Đề án “Hỗ trợ máy móc thiết bị trong chế biến gỗ” - hộ kinh doanh Nguyễn Đình Thông đã đầu tư mua sắm, trang bị, xây dựng nhà xưởng sản xuất, cụm máy móc thiết bị sản xuất gỗ thành phẩm với công suất 1.200 m3 gỗ tròn/năm. Trong đó, riêng chi phí đầu tư mua sắm máy móc thiết bị là 412.500.000 đồng.

Cụ thể, trong số này, gồm có các máy móc, thiết bị: Máy xẻ gỗ tròn nhiều lưỡi (trị giá 253.000.000 đồng); máy xẻ nan nhiều lưỡi (159.500.000 đồng)... Trong đó, hộ kinh doanh Nguyễn Đình Thông được hỗ trợ 144 triệu đồng từ nguồn kinh phí KC địa phương (chiếm khoảng 35% so tổng vốn đầu tư máy móc thiết bị).

Theo hộ kinh doanh Nguyễn Đình Thông, Đề án “Hỗ trợ máy móc thiết bị trong chế biến gỗ” - đã giúp cho hộ kinh doanh rất nhiều. Việc đầu tư máy móc, giúp giảm chí phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu, giảm tỷ lệ phế phẩm, hao hụt trong sản xuất; vừa tăng thêm năng suất, vừa giảm bớt được công lao động. 

Các ông Võ Mai Hưng, Văn Thái Toàn (thứ 1 và 2 từ phải qua) thực hiện việc khảo sát, đánh giá, nghiệm thu đề án “Hỗ trợ máy móc thiết bị trong chế biến gỗ”.Ảnh: V. Đoàn
Các ông Võ Mai Hưng, Văn Thái Toàn (thứ 1 và 2 từ phải qua) thực hiện việc khảo sát, đánh giá, nghiệm thu Đề án “Hỗ trợ máy móc thiết bị trong chế biến gỗ” (Ảnh: V. Đoàn)

Kết quả, qua thời gian lắp đặt, vận hành chạy thử, hiệu chỉnh các thông số máy và đưa vào hoạt động, hộ kinh doanh Nguyễn Đình Thông đã sản xuất được 500 m3 gỗ tròn, tuyển và tạo cho 10 lao động có làm việc ổn định. Qua thời gian vận hành thử, kết quả cho thấy các máy móc thiết bị hoạt động ổn định, chất lượng và đạt hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thị trường. Với 1.200 m3 gỗ tròn/năm, bình quân mỗi năm sinh lãi tương đương 108 triệu đồng và khoảng 2 - 5 tháng hoạt động, đã cho thu hồi toàn bộ vốn đầu tư.

Qua khảo sát, xem xét, Hội đồng nghiệm thu Sở Công Thương đã ghi nhận, đánh giá cao hiệu quả mà Đề án “Hỗ trợ máy móc thiết bị trong chế biến gỗ” mang lại đối với hộ kinh doanh Nguyễn Đình Thông và quyết định nghiệm thu.

 Viết Hiền

                                                                                                                                                                            

  •  
  •