Ngày 15/02, ông Võ Thừa Thắng, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Bình Định cho biết, sau khi xem xét Báo cáo số 13/BC-ĐKTr của Đoàn kiểm tra đột xuất, Giám đốc Sở GTVT Bình Định đã có Kết luận số 98/KL-SGTVT về một số sai phạm trong hoạt động kiểm định xe cơ giới đường bộ đối với các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) xe cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, qua kiểm tra đột xuất tại 05 TTĐK, trung tâm đăng kiểm, Đoàn kiểm tra của Sở GTVT Bình Định đã phát hiện 03 nhân viên của 03 TTĐK trên địa bàn có vi phạm, làm sai lệch kết quả đăng kiểm. 

Một góc Trung tâm Đăng kiểm phương tiện thủy, bộ Bình Định-
Một góc Trung tâm Đăng kiểm phương tiện thủy, bộ Bình Định. (Ảnh: Đ-Cang)

Cụ thể, theo Đoàn kiểm tra, tại TTĐK 77-06D, đăng kiểm viên Nguyễn Thành Đa (sinh năm 1984) được phân công nhiệm vụ kiểm tra công đoạn 1+4, Phiếu kiểm định lần đầu số 00606/23 kết quả đạt. Tuy nhiên, khi Đòn kiểm tra đột xuất phúc tra trên Phiếu kiểm định số 00632, tại công đoạn 1, hạng mục 11 (đèn chiếu sáng phía trước) và công đoạn 4, hạng mục 39 (khí thải động cơ cháy do nén), kết quả có khiếm khuyết hư hỏng quan trọng, đăng kiểm viên đã làm sai lệch kết quả.

Theo Đoàn kiểm tra, hành vi, việc làm của đăng kiểm viên Nguyễn Thành Đa đã vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày  08/10/2018 của Chính phủ, quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới; vi phạm điểm a khoản 1 Điều 38 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Tại TTĐK 77-04D, đăng kiểm viên Nguyễn Đăng Hải (sinh năm 1988) được phân công nhiệm vụ kiểm tra công đoạn 3+4, nhưng tại công đoạn 4, đăng kiểm viên bỏ sót hạng mục 36 (kiểm tra độ ồn ngoài của xe); hạng mục 37 (kiểm tra còi).

Theo Đoàn kiểm tra, hành vi, việc làm của đăng kiểm viên Nguyễn Đăng Hải đã vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ, quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới; vi phạm điểm b khoản 1 Điều 38 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Cũng theo Đoàn kiểm tra, tại TTĐK 77-03D, đăng kiểm viên Nguyễn Ngọc Lợi (sinh năm 1990) được phân công nhiệm vụ kiểm tra công đoạn 1+2, Phiếu kiểm định lần đầu số 00569/23, kết quả đạt. Tuy nhiên, khi Đoàn kiểm tra đột xuất phúc tra Phiếu kiểm định số 00573/23, tại công đoạn 2 hạng mục 27 (bình chữa cháy) có khiếm khuyết hư hỏng quan trọng, đăng kiểm viên làm sai lệch kết quả kiểm định. 

Đăng kiểm viên của Trung tâm Đăng kiểm phương tiện thủy, bộ Bình Định thực hiện việc kiểm định đăng kiểm xe cơ giới.
Đăng kiểm viên của Trung tâm Đăng kiểm phương tiện thủy, bộ Bình Định thực hiện việc kiểm định đăng kiểm xe cơ giới. (Ảnh: Đ-C).

Theo Đoàn kiểm tra, hành vi, việc làm của đăng kiểm viên Nguyễn Ngọc Lợi đã vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ, quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới; vi phạm điểm a khoản 1 Điều 38 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Cũng theo ông Võ Thừa Thắng, Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền 4,5 triệu đồng đối với 03 đăng kiểm viên Nguyễn Thành Đa, Nguyễn Đăng Hải, Nguyễn Ngọc Lợi vì những những vi phạm nói trên (mỗi đăng kiểm viên bị xử phạt 1,5 triệu đồng).

Không chỉ có vậy, ngoài việc bị phạt tiền, 03 đăng kiểm viên Nguyễn Thành Đa, Nguyễn Đăng Hải, Nguyễn Ngọc Lợi còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung “tước quyền sử dụng chứng chỉ đăng kiểm viên từ 02 tháng” theo quy định.

Đáng lưu ý, qua Kết luận số 98/KL-SGTVT, ông Trần Thanh Dũng, Giám đốc Sở GTVT Bình Định đã chỉ đạo:

Yêu cầu Thanh tra Sở GTVT thường xuyên kiểm tra, giám sát đột xuất việc thực hiện nội dung kiểm định phương tiện; hậu kiểm đột xuất một số phương tiện sau khi kiểm định xong trên dây chuyền kiểm định đạt kết quả để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các thiếu sót, xử lý vi phạm theo quy định.

  • Các TTĐK trên địa bàn cần quản lý, chỉ đạo các đăng kiểm viên thực hiện đúng quy trình kiểm định, quy định đăng kiểm xe cơ giới, không hạ thấp tiêu chuẩn, không bỏ sót các hạng mục kiểm định, không bỏ qua các lỗi khi phát hiện (chú ý các hạng mục như: Đèn phương tiện, kích thước thùng xe tải...); bố trí, phân công đăng kiểm viên thực hiện nhiệm vụ của các hạng mục, công đoạn đăng kiểm trên dây chuyền kiểm định đúng theo quy định.
  • Thực hiện việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các nhân viên nghiệp vụ, đăng kiểm viên kiểm tra trực tiếp phương tiện trên dây chuyền kiểm định theo đúng quy định của Cục Đăng kiểm Việt Nam; triển khai thực hiện việc tiếp nhận đăng ký kiểm định trước (qua trang thông tin điện tử, email, điện thoại..) cho các chủ xe cơ giới khi họ có yêu cầu.

Viết Hiền

  •  
  •