Hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả
Năm 2023, nhiều DN vẫn chưa khôi phục hoạt động, số dự án đầu tư đăng ký mới còn thấp. Tỉnh tiếp tục triển khai các nhóm giải pháp hỗ trợ sản xuất, xuất nhập khẩu, phát huy vai trò kết nối với hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, mở rộng, đa dạng hóa thị trường.
Cùng với đó, tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn về tài chính cho DN. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa và thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; phê duyệt chương trình xúc tiến thương mại (XTTM) và phát triển công nghiệp năm 2024.
Kết nối giao thương, một trong những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển (Trong ảnh: Doanh nghiệp tham gia triển lãm tại Hội chợ máy và nguyên liệu gỗ quốc tế - Bình Dương 2023).
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết, năm 2023, ngành luôn chủ động thực hiện nhiều chương trình XTTM trong và ngoài nước, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm của Bình Dương đến các thị trường truyền thống. Bên cạnh đó, mở rộng thêm một số thị trường mới như Ấn Độ, Trung Đông, Nam Mỹ… Qua đó, giúp nhiều DN ký thêm đơn hàng mới, cùng với đó thúc đẩy tiêu thụ nội địa. Hiện nay sự phục hồi của DN Bình Dương đã tốt hơn.
Ông Nguyễn Liêm, Tổng giám đốc Công ty Lâm Việt, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, cho biết, sự đồng hành của tỉnh đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Song song đó, việc thị trường Mỹ, châu Âu mở cửa trở lại là cơ hội cho ngành gỗ sau thời gian khó khăn. Hiện nhiều DN trong hiệp hội đã có đơn hàng xuất khẩu ngay trong quý I, quý II, đang tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ giao hàng. DN gỗ sẽ tích cực khai thác thị trường mới để đạt kết quả kinh doanh tốt hơn.
Ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương, chia sẻ, các sở, ngành, địa phương của tỉnh thời gian qua đã tích cực, chủ động có các biện pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động SXKD, giúp DN ổn định và phát triển sản xuất. Trong đó, các cuộc gặp gỡ, kết nối DN được tổ chức rất chân thành, cởi mở, các nút thắt đã dần được tháo gỡ, tạo điều kiện thúc đẩy các ngành SXKD vượt khó phát triển.
Củng cố nội lực, nâng sức cạnh tranh
Như liều thuốc “trợ lực”, những giải pháp linh hoạt của tỉnh cùng sự nỗ lực tự thân, nhiều DN vực dậy, phát triển. Chia sẻ về việc đón nhận những tín hiệu mới, ông Nguyễn Liêm cho rằng mặc dù tình hình xuất khẩu của một số nhóm ngành đã cải thiện hơn, nhưng cũng còn đó những nhóm ngành vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Các DN nỗ lực sản xuất để đạt được mục tiêu tăng trưởng 2023 (Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH CICOR Việt Nam, KCN VSIP 1; Ảnh: Tiểu My)
Ông Nguyễn Liêm cho biết, thách thức cho các DN hiện nay là phải thực hiện giải trình nguồn gốc hợp pháp của gỗ và lâm sản theo quy định của EU về cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, Luật Chống phá rừng… Theo đó, để hỗ trợ các DN đẩy mạnh xuất khẩu lâm sản sang thị trường châu Âu, cần có các ngành, các cấp hỗ trợ về cơ sở pháp lý truy xuất nguồn gốc lâm sản, phát triển nguồn nguyên liệu hợp pháp và XTTM.
Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương thường xuyên cập nhật đến DN thành viên những quy định pháp luật mới nhất để thuận lợi trong việc sản xuất và phát triển thị trường. Cũng theo ông Nguyễn Liêm, ngoài việc chủ động XTTM, tìm thị trường mới, DN Việt Nam cần phải đầu tư thêm đội ngũ thiết kế để có những sản phẩm mới với giá thành phù hợp mới có thể duy trì được đơn hàng.
Ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện tỉnh, Giám đốc Công ty Sáng Ban Mai, chia sẻ, cũng như nhiều DN khác trên địa bàn, năm 2023 công ty cũng gặp rất nhiều khó khăn nhưng đã nỗ lực vượt khó thành công. Ông Trần Thành Trọng cho rằng những khó khăn đó đã đạt đến ngưỡng cao, hy vọng DN sẽ không gặp lại. 3 năm qua, nền kinh tế thế giới đã quen với khủng hoảng Covid-19, xung đột chính trị và các nước đều có sự tích cực chuẩn bị để thích ứng với môi trường mới.
“Với những kinh nghiệm vượt thách thức, bản thân DN đã dần quen với khó khăn và đã dần tìm được lối ra cho mình trong năm 2024. Vì vậy, những tín hiệu tích cực đầu năm mới là động lực để DN có thêm tinh thần, quyết tâm cho một năm kinh doanh nhiều thắng lợi”, ông Trần Thành Trọng kỳ vọng.
Cùng nhận xét này, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Bình Dương, nêu hiện có những điểm sáng đó là quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ được nâng lên một tầm cao mới, các nước đang rất chú ý đến sự phát triển lâu dài và ổn định của Việt Nam.
Kế đến, những tín hiệu tích cực đã bắt đầu xuất hiện từ thị trường Mỹ - thị trường lớn nhất của Việt Nam, những DN sản xuất hàng trung, cao cấp đã bắt đầu có đơn hàng trở lại. Đây là tín hiệu vui cho hoạt động sản xuất và tăng trưởng kinh tế năm 2024.
H. Thủy(Nguyồn: https://baobinhduong.vn/)