Hoạt động khai thác bát nháo
Hồ Dầu Tiếng được xếp vào công trình an ninh quốc gia. Địa danh này được biết đến có nhiều mỏ cát với trữ lượng khá lớn. Ngoài ra, công trình “đại thủy lợi” hồ Dầu Tiếng đã cung cấp nước cho nhiều tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam bộ. Hồ Dầu Tiếng được nhiều người biết đến là điểm du lịch của du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, lợi dụng việc được ngành chức năng của tỉnh cấp phép hoạt động bến thủy nội địa (BTNĐ) ven bờ hồ Dầu Tiếng, thuộc xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, nhiều chủ doanh nghiệp đã tham gia vào việc khai thác, vận chuyển cát trái quy định.
Theo kết quả điều tra cơ bản, cho thấy trữ lượng cát trong hồ Dầu Tiếng khá lớn (khoảng 32 triệu m3). Trong đó, phân bố chủ yếu trên các nhánh suối, rạch đổ ra sông Sài Gòn thuộc địa phận 3 tỉnh như Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước. Cát trong hồ Dầu Tiếng được bồi tụ thường xuyên, chủ yếu vào mùa mưa nên lòng hồ bị bồi lấp nhiều. Hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng trước đây chủ yếu phục vụ cho xây dựng, phát triển hạ tầng trong khu vực, ngoài ra còn có tác dụng nạo vét lòng hồ để đảm bảo dung tích hồ chứa.
Hoạt động khai thác cát trên địa bàn tỉnh Bình Dương được đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luật hiện hành
Trước đây, hoạt động khai thác cát chủ yếu do một số hộ dân sống ven hồ Dầu Tiếng thực hiện, khai thác bằng phương pháp thủ công nên không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng nước trong hồ. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, do nhu cầu cát xây dựng trong khu vực tăng cao, nhiều doanh nghiệp đã xin phép khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng và khai thác với quy mô lớn nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng nước trong hồ. Từ đó đã gây ra nhiều hệ lụy khiến người dân bức xúc. Cụ thể đường ĐT749B, ĐT744 đoạn qua huyện Dầu Tiếng nhanh xuống cấp. Môi trường sống của người dân bị xâm hại từ bụi cát. Nguồn nước hồ Dầu Tiếng có dấu hiệu bị ô nhiễm ảnh hưởng phần nào do khai thác và vận chuyển cát. Trước việc này, các sở, ngành hữu quan của tỉnh Bình Dương cũng đã từng bước lập hồ sơ để xử lý, chấn chỉnh nhằm lập lại trật tự khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát trên khu vực lòng hồ Dầu Tiếng.
Từ năm 2014 đến nay, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh, Sở TN&MT phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc tuân thủ quy định pháp luật về khoáng sản, đất đai, môi trường 05 đợt với 132 lượt kiểm tra. Qua kiểm tra, ghi nhận các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản thực hiện đầy đủ hồ sơ pháp lý về khoáng sản, đất đai, môi trường,… theo quy định. Đồng thời, phát hiện 93 trường hợp vi phạm, đã xử lý 45 trường hợp với số tiền phạt là 3,8 tỷ đồng, tịch thu 43,45m3 cát, hiện đang xác minh làm rõ 48 trường hợp.
Ngoài ra, Công an tỉnh và UBND huyện Dầu Tiếng cũng thường xuyên tuần tra, kiểm tra, xử lý việc khai thác cát không phép, phương tiện khai thác, bến bãi tập kết kinh doanh cát trên địa bàn tỉnh. Từ ngày 12/7 - 17/7/2018, UBND tỉnh Bình Dương đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra toàn diện hoạt động khai thác, kinh doanh cát trên địa bàn tỉnh. Qua kết quả kiểm tra 21 bến bãi tập kết, kinh doanh cát, cho thấy các bến bãi này cơ bản thực hiện đúng các quy định của pháp luật về khoáng sản, đất đai, môi trường, hoạt động bến thuỷ nội địa và kê khai các loại thuế, phí…
Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương nhận định: Trong thời gian qua. được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Bình Dương nên hoạt động khai thác khoáng sản nói chung và khai thác cát nói riêng trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã dần đi vào nền nếp; hoạt động khai thác khoáng sản trái phép từng bước bị đẩy lùi; nhận thức của người dân và cán bộ quản lý các cấp về bảo vệ khoáng sản nói chung và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác nói riêng ngày càng nâng cao; nguồn cung về cát xây dựng đã phần nào đáp ứng nhu cầu, giá thành cát xây dựng đã giảm đáng kể so với trước đây.
Song song đó, công tác thanh, kiểm tra việc tuân theo pháp luật của các doanh nghiệp sau cấp phép, cũng như những điểm khai thác không phép ngày càng được tăng cường và có sự phối hợp giữa các Sở, ngành, địa phương trong tỉnh Bình Dương. Qua thanh, kiểm tra đã kịp thời phát huy những mặt tích cực, nghiêm túc rút kinh nghiệm và khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý để chấn chỉnh và quản lý tốt hơn; đồng thời đã phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động khoáng sản của các tổ chức, cá nhân, đã góp phần quan trọng đưa hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đi dần vào nề nếp hơn.
Tăng cường công tác quản lý
Trên cơ sở hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều văn bản quản lý Nhà nước thuộc thẩm quyền để cụ thể hoá tại địa phương cho phù hợp tình hình thực tế; phối hợp cùng với các tỉnh, thành phố trong khu vực giáp ranh ký kết quy chế phối hợp, nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước, bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Nội dung của các văn bản chỉ đạo, điều hành tập trung chủ yếu vào việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, chấp hành pháp luật về khoáng sản.
Riêng đối với hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã tập trung chỉ đạo chấn chỉnh việc khai thác, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản cát trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ luôn đã được các ngành chức năng tỉnh Bình Dương chú trọng nhằm nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ quản lý và nhận thức của người dân. Công tác quy hoạch khoáng sản cũng được thực hiện kịp thời theo đúng quy định của Luật Khoáng sản, qua đó giúp cho việc quản lý hoạt động khoáng sản được chặt chẽ, khoa học và đảm bảo bền vững.
Các ngành chức năng tỉnh Bình Dương thường xuyên kiểm tra việc khai thác, phương tiện khai thác, bến bãi tập kết kinh doanh cát trên địa bàn tỉnh
Theo quy hoạch khoáng sản của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030 thì trong lòng Hồ Dầu Tiếng, Bình Dương có 07 điểm mỏ khai thác cát xây dựng với tổng diện tích 311,9 ha, trữ lượng khai thác gần 03 triệu m3. Từ năm 2009 đến năm 2012, UBND tỉnh Bình Dương đã cấp phép cho 02 đơn vị với diện tích 111.9 ha, trữ lượng 1,45 triệu m3, công suất khai thác 248.000m3/năm. Năm 2105, 01 đơn vị ngừng hoạt động do giấy phép hết hạn. Hiện tại, còn 01 đơn vị đang khai thác trên diện tích 82ha, trữ lượng còn lại 383.122m3, công suất 98.000m3/năm, thời gian khai thác đến tháng 02/2020.
Duy trì, cũng cố các đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh và cấp huyện, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc khai thác cát, bến bãi tập kết kinh doanh mua bán cát; nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông không phép. Kịp thời tổ chức kiểm tra, làm rõ những thông tin báo chí nêu, trường hợp có sai phạm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thực hiện nghiêm quy chế phối hợp số 1125/QCPH-BD-ĐN ngày 2/5/2012 về hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển sạn, cát, sỏi trên sông Đồng Nai đoạn giáp ranh giữa Đồng Nai và Bình Dương và Quy chế phối hợp số 1416/QCPH-TN-BD ngày 25/5/2012 về kiểm tra hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển, tập kết cát trên sông Sài Gòn và lòng hồ Dầu Tiếng đoạn giáp ranh giữa Tây Ninh và Bình Dương; triển khai có hiệu quả Quy chế phối hợp số 37/QCPH-TPHCM-BRVT-ĐN-BD-TN-LA-TG-BP ngày 6/1/2017 của UBND các tỉnh, thành phố trong lưu vực sông Đồng Nai.
Tạm dừng cấp mới các dự án xã hội hóa nạo vét luồng đường thủy nội địa, kết hợp với tận thu sản phẩm và tạm dừng thực hiện đối với các dự án xã hội hóa nạo vét đã phê duyệt, cấp phép nhưng chưa thi công. Tạm dừng hoạt động khai thác cát, tổ chức kiểm tra, phát hiện và chấn chỉnh vi phạm pháp luật về khai thác cát xây dựng trong lòng hồ Dầu Tiếng.
Sở Tài nguyên và Môi trường tích cực triển khai việc thực hiện quản lý, cấp phép khai thác cát xây dựng chặt chẽ theo Quy hoạch khoáng sản; Quy hoạch vùng cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản đã được duyệt và các quy hoạch khác có liên quan. Xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt để thống nhất thực hiện. Phối hợp giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác cát, sỏi của các tổ chức, cá nhân đã được cấp phép. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định sau cấp phép; trường hợp các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác cát, sỏi thực hiện không đúng theo Giấy phép khai thác, tham mưu UBND tỉnh Bình Dương đình chỉ và thu hồi Giấy phép khai thác theo quy định.
Lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Cảnh sát giao thông đường thủy phải nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng khai thác trái phép thác cát, sỏi trên sông; kết hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý các phương tiện và chủ phương tiện khai thác, vận chuyển và kinh doanh cát, sỏi vi phạm các quy định của pháp luật. Đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần, cố tình vi phạm, vi phạm có hệ thống, đã áp dụng xử phạt hành chính ở mức độ tối đa của khung phạt thì đề xuất xử lý hình sự theo quy định.
Tăng cường lực lượng tuần tra, nhất là vào ban đêm để phát hiện ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác cát không, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các xe, ghe, thuyền vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp và vượt quá khổ, quá tải trọng, hết thời hạn sử dụng phương tiện…
Xử lý nghiêm những bến bãi hoạt động không phép, thu hồi giấy phép hoạt động đối với những bến bãi hoạt động không đúng quy định… Chủ động tổ chức kiểm tra, giám sát các dự án nạo vét, duy tu các công trình thủy lợi, sông, suối. Đơn vị nào không thực hiện nạo vét, duy tu công trình như thiết kế mà chỉ chú trọng việc tận thu cát thì cương quyết đình chỉ hoạt động, thu hồi dự án.
Người đứng đầu chính quyền các huyện, thị xã, thành phố nếu để xảy ra sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ khoáng sản; phát huy vai trò của các đoàn thể quần chúng, cộng đồng dân cư trong việc tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác, kinh doanh cát sỏi trái phép, đồng thời phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng trong công tác kiểm tra, ngăn chặn và xử lý vi phạm. Chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tổ chức giám sát, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi khai thác cát, sỏi trái phép trong địa bàn quản lý.
Riêng đối với các tổ chức, cá nhân được các tỉnh giáp ranh cấp giấy phép khai thác cát trong phạm vi khu vực hồ Dầu Tiếng như: tàu, thuyền đã được đăng ký, cũng phải được gắn logo, số hiệu, lắp đặt thiết bị định vị tọa độ khai thác; trên tàu, thuyền phải có đầy đủ các loại giấy tờ cho phép hoạt động trong mỏ, được đóng thành tập và có dấu xác nhận của Sở TN&MT về thành phần hồ sơ để thuận tiện cho các cơ quan chức năng khi kiểm tra trên hồ; lắp đặt trạm cân, lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan theo quy định hiện hành...
Hải Đăng