Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, đến ngày 15/2/2024, tỉnh đã thu hút trên 11.319 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, gồm 947 doanh nghiệp đăng ký mới, 130 doanh nghiệp điều chỉnh vốn; đầu tư nước ngoài thu hút 107,3 triệu đô la Mỹ; sản xuất công nghiệp tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Đến ngày 21/2/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 7 tỷ 366 triệu đô la Mỹ, tăng 6,71% so với cùng kỳ, trong đó: Kim ngạch xuất khẩu đạt 4 tỷ 380 triệu đô la Mỹ, tăng 10,81% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 2 tỷ 986 triệu đô la Mỹ, tăng 0,03% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên 12.571 tỷ đồng.

Thời gian qua, UBND tỉnh Bình Dương đã triển khai các giải pháp về đầu tư phát triển hạ tầng; cải cách thủ tục hành chính; hỗ trợ tiếp cận vốn vay; bảo đảm an sinh xã hội; các chương trình, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới,… để hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phục hồi và sản xuất kinh doanh ổn định.

1. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ, trực tiếp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho DN (nguồn Báo Bình Dương)
Lãnh đạo tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ, trực tiếp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho DN (nguồn Báo Bình Dương)

UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục khai thác tốt các thế mạnh của địa phương mình, thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu. Đồng thời, quan tâm công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch không gian gắn với quy hoạch chuyên ngành; quan tâm công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, nguồn nguyên vật liệu cho các dự án giao thông trọng điểm của Quốc gia và của tỉnh; đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư; các dự án phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là quỹ đất.​

Trước đó, vào tháng 1/2024 tại TP. Thuận An, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương (LĐLĐ) tổ chức Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo Công đoàn các cấp với người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp dệt may, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh.

Tham dự có ông Bùi Thanh Nhân - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; bà N​guyễn Kim Loan – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Bảo hiểm xã hội; các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, ngành chế biến gỗ, dệt may luôn là điểm sáng của tỉnh về kim ngạch xuất khẩu. Nhưng vài năm gần đây, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN).

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cùng đoàn thanh tra Chính phủ làm việc tháo gỡ khó khăn
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cùng đoàn thanh tra Chính phủ làm việc tháo gỡ khó khăn

Theo các DN, bên cạnh khó khăn về đơn hàng, hiện các DN đang gặp khó khăn về nguồn lao động (LĐ). Hiện nay, đơn hàng của DN không được ổn định. Dẫn đến thừa LĐ khi không có đơn hàng và thiếu LĐ khi có đơn hàng, đặc biệt là những đơn hàng gấp rút về thời gian.

Một tình trạng chung đang xảy ra tại nhiều DN là rất nhiều công nhân, NLĐ do khó khăn về cuộc sống, lại thiếu thông tin tiếp cận các nguồn vốn vay hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng Nhà nước, họ đã vướng vào "bẫy" của các "quỹ tín dụng đen".

Hậu quả là không có khả năng chi trả, bị các đối tượng này khủng bố tinh thần, phải bỏ việc và trốn về quê, dẫn đến DN thiếu LĐ. Không những vậy, các đối tượng này còn gây rối cả DN.

DN đề nghị tổ chức Công đoàn và các tổ chức tín dụng cần có nhiều chính sách hỗ trợ vay vốn để CN, NLĐ dễ dàng tiếp cận vốn vay hơn. Việc hỗ trợ vay vốn cần có tính định hướng, thiết thực và thật sự có ý nghĩa giúp CN, NLĐ vượt khó như hỗ trợ nguồn vốn để buôn bán nhỏ hoặc mua nhà ở xã hội để ổn định cuộc sống.

Theo DN, đa phần cơ sở hạ tầng của các DN này đã xuống cấp, khó có thể đáp ứng với các quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và môi trường. Tuy nhiên, với chủ trương di dời, DN đang đắn đo trong việc sửa chữa và đầu tư cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, bản thân CN, NLĐ cũng đang rất lo lắng việc phải dời nơi ở, cũng như nơi học tập của con cái khi phải thay đổi chỗ làm. Do đó đề xuất chính quyền nên có những chính sách linh hoạt hơn để hỗ trợ DN.

Hiện nay, được biết Sở Công Thương đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng Bộ tiêu chí các DN phải di dời và không phải di dời; trong đó cốt lõi là tiêu chí PCCC và môi trường. Do đó, chỉ những DN không đáp ứng các tiêu chí mới phải di dời. Tuy nhiên, tỉnh cũng khuyến khích và ủng hộ các DN nếu tự nguyện di dời. Cùng với việc di dời của DN, tỉnh cũng đã xây dựng các hệ sinh thái kèm theo như nhà ở, y tế, giáo dục,… cho NLĐ có thể ổn định cuộc sống.

Theo ông Phạm Văn Tuyên – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang xảy ra tình trạng thiếu và thừa LĐ không thường xuyên, chỉ mang tính tạm thời theo hợp đồng ngắn hạn của DN. Do đó, việc cung cấp nguồn LĐ đang gặp khó khăn. Để thị trường LĐ mang tính mở và linh hoạt hơn, thời gian tới, Sở sẽ liên kết với LĐLĐ tỉnh kết nối thông tin nhu cầu LĐ không chỉ trong tỉnh mà mở rộng phạm vi sang các tỉnh, thành để thu hút, điều tiết nguồn LĐ được tốt hơn. Tuy nhiên, DN cần có kế hoạch về đào tạo, nâng cao tay nghề cho NLĐ để nâng cao năng suất, giảm bớt thâm dụng LĐ, đáp ứng nhu cầu thị trường LĐ trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, hiện nay, có tình trạng nhiều DN sử dụng nguồn LĐ từ các công ty cung ứng LĐ. Qua khảo sát, một số công ty cung ứng LĐ và bản thân các DN thuê LĐ này lại không thực hiện đúng các quy định, chính sách đối với NLĐ. Trong thời gian tới, Sở sẽ tiến hành thanh, kiểm tra các công ty cung ứng LĐ nhằm bảo vệ quyền lợi NLĐ. Ông khuyến khích các DN không nên sử dụng nguồn LĐ theo hình thức thuê này.

Liên quan đến hoạt động của các tổ chức "tín dụng đen", đại diện Công an tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua, Cô​ng an tỉnh đã lập nhiều kế hoạch, biện pháp và đã triệt phá nhiều nhóm, đối tượng này trên địa bàn. Tuy nhiên, để việc triệt phá các nhóm đối tượng này đạt hiệu quả, rất cần sự chung tay của các ngành, cũng như tất cả các thành viên trong xã hội. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, quản lý của các sở ngành và người sử dụng LĐ là rất quan trọng. Qua đó, sẽ định hướng NLĐ vay và sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. 

Ông Nguyễn Văn Phước – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bình Dương cho biết, hiện ngành Ngân hàng có gói hỗ trợ tín dụng tiêu dùng 20.000 tỷ đồng đối với đoàn viên Công đoàn, NLĐ và đã được đã triển khai đến đoàn viên, CN, NLĐ trên địa bàn tỉnh. Trong năm qua, đã giải quyết cho trên 65.000 lượt người vay vốn với số tiền trên 1.200 tỷ đồng.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Bùi Thanh Nhân - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy ghi nhận và tiếp tục nghiên cứu các ý kiến góp ý để kiến nghị UBND tỉnh có hướng tháo gỡ. Ông nhấn mạnh, trong thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm đến hoạt động của DN và công tác an sinh xã hội cho NLĐ. Điển hình như tỉnh đã thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại để lắng nghe DN và NLĐ; qua đó, đã có rất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ DN, NLĐ được ban hành.

Để khắc phục những khó khăn về nguồn LĐ, ông đề nghị bản thân từng DN cần phải thích ứng linh hoạt và chủ động để phát triển. NLĐ cần phải tự học tập nâng cao tay nghề cùng ý thức kỷ luật và ứng tuyển tại những DN theo hướng chuyển đổi của tỉnh để thích ứng. Ông khẳng định, đối với Bình Dương, ngoài quan điểm DN đến đầu tư và cùng tỉnh kiến tạo, phát triển, thì "mỗi NLĐ sẽ là một nhà đầu tư của tỉnh".

Liên quan đến dự án Vành đai 3, Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương cho hay, người dân đồng thuận cao với đơn giá bồi thường của dự án đường Vành đai 3 - TP HCM (gọi tắt là Vành đai 3).

Ngoài ra, hiện nay tỉnh đang tiếp tục phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất triển khai các thủ tục đầu tư tuyến đường Vành đai 3 và dự kiến sẽ khởi công vào ngày 28/6/2023; Đối với cao tốc TP.HCM - Chơn Thành và đường Vành đai 4 sẽ khởi công vào đầu năm 2024.

Khi đó, các tuyến giao thông trọng điểm được đưa vào hoạt động sẽ là tiền đề lớn thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đồng thời giải tỏa áp lực giao thông cũng như từng bước hoàn thiện hạ tầng đô thị thông minh của tỉnh…

Phong Vân