Cây chè là sản phẩm chủ lực, giúp người dân xã Bình Sơn thoát nghèo.
Cây chè là sản phẩm chủ lực, góp phần giúp người dân xã Bình Sơn thoát nghèo

Năm 2016, HTX Dịch vụ nông - lâm nghiệp Bình Sơn được thành lập và với cách làm hay, hiệu quả, đã "thổi luồng gió mới” - giúp cây chè Bình Sơn hồi sinh, trở thành cây trồng chủ lực. Người dân nơi đây nhờ cây chè mà có việc làm, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Giám đốc HTX Dịch vụ nông - lâm nghiệp Bình Sơn, Lê Đình Tú cho biết:

"Trước đây, người dân theo nếp sản xuất cũ, chưa chú trọng đến sản xuất theo hướng hàng hóa. Mỗi tháng, hộ dân nhiều nhất cũng chỉ thu về khoảng 10 - 20 kg chè khô, thu nhập không cao. Thời điểm đó, dù sản phẩm chè Bình Sơn chất lượng không thua kém các thương hiệu chè nổi tiếng trong nước, nhưng không ghi dấu ấn trên thị trường.

Từ năm 2016, HTX được thành lập, đã xác định thế mạnh và những khó khăn hiện có nên đứng ra liên kết với 20 hộ dân trồng chè tham gia sản xuất tập trung, với tổng diện tích hơn 30 ha. Từ khi thành lập HTX đến nay, đã giúp người dân từng bước thay đổi tập quán sản xuất truyền thống. Bà con được đi học tập kinh nghiệm, tham khảo mô hình sản xuất chè tại Thái Nguyên, Sơn La, Tuyên Quang...

Đồng thời, HTX vận dụng để phát triển mô hình “Mỗi gia đình là một nhà máy chế biến chè”. Từ đó, các hộ dân đã mạnh dạn đầu tư máy móc sản xuất hiện đại phục vụ cho công đoạn sao chè, đóng hút chân không, in lô gô, nhãn mác... tạo ra những sản phẩm chất lượng, có mẫu mã đẹp. Ngoài ra, HTX còn có trách nhiệm tìm đầu ra cho sản phẩm".

Từ năm 2019, sản phẩm chè Bình Sơn được công nhận sản phẩm OCOP chất lượng 3 sao, lượng tiêu thụ chè Bình Sơn ngày càng nhiều, giá chè cao hơn. Mỗi năm, HTX đưa ra thị trường khoảng 50 tấn chè khô, thu lãi hàng trăm triệu đồng, giúp nhiều hộ dân cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập.

Ông Lê Văn Than (thôn Đông Tranh, xã Bình Sơn) cho biết, gia đình có truyền thống trồng và chế biến chè từ năm 1993, tuy nhiên chỉ là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả không cao. Từ ngày tham gia HTX Dịch vụ nông - lâm nghiệp Bình Sơn, gia đình được đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất và chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP. Gia đình đã đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất nên hiệu quả kinh tế mang lại từ trồng và chế biến chè cao hơn nhiều so trước kia. Với 1,5 ha trồng chè, cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm.

Cùng với chè, mật ong hoa rừng nguyên chất của HTX Dịch vụ nông - lâm nghiệp Bình Sơn cũng được công nhận sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao. Trên địa bàn xã Bình Sơn hiện có hơn 400 hộ dân nuôi ong, sản lượng trung bình đạt khoảng 530 kg mật/năm. Với giá bán tại chỗ dao động từ 150.000 - 170.000 đồng/lít, nhiều gia đình trong xã có thu nhập khoảng 30 - 40 triệu đồng/năm.

Tính đến hết năm 2022, xã Bình Sơn có 416 ha chè, trong đó diện tích đang thu hoạch 205 ha, chiếm gần 50% so tổng diện tích; sản lượng chè búp tươi đạt 4.035 tấn; tổng doanh thu từ sản xuất chè đạt 21,8 tỷ đồng. Từ khi triển khai Chương trình OCOP ("Mỗi xã một sản phẩm"), cây chè được chú trọng đầu tư - trở thành cây trồng chủ lực và phát triển chè khô thành sản phẩm lợi thế của địa phương.

Đồng thời, người dân được đầu tư về kỹ thuật nên năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm được nâng lên, sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận. Cây chè trở thành cây trồng mũi nhọn, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo ở xã miền núi Bình Sơn.

Cuộc sống của người dân Bình Sơn đã và đang có nhiều thay đổi; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 57% năm 2015, xuống còn 5,04% năm 2022; tỷ lệ hộ cận nghèo năm 2022 còn 6,27%; 92,5% gia đình có nhà kiên cố; 98% người dân sử dụng nước hợp vệ sinh...

Chủ tịch UBND xã Bình Sơn, Hoàng Văn Giáp cho biết:

"Thời gian tới, để nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP trên địa bàn, xã tiếp tục tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của các hộ kinh doanh trong việc giữ thương hiệu của các nhãn hiệu đã xây dựng; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm đã xây dựng nhãn hiệu; triển khai đồng bộ các giải pháp quảng bá, giới thiệu và đưa hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu các sản phẩm địa phương đến tay người tiêu dùng"...

PV (Nguồn: baothanhhoa.vn)