Theo đó, so với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính hầu hết các nhóm hàng đều tăng giá: Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,53%; Giao thông tăng 1,90%; Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,61%;
Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,21%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,18%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%; Giáo dục tăng 0,04%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,03%; Bưu chính viễn thông tăng 0,01%. Có 1 nhóm hàng giảm giá: May mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,10%.
Nguyên nhân làm tăng CPI tháng 7/2024 so với tháng trước: Theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP, ngày 30/6/2024 mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1.800.000 đồng lên 2.340.000 đồng. Do đó, bảo hiểm y tế cho cán bộ công chức và người lao động cũng được tăng theo, làm cho bảo hiểm y tế tăng 30% so với tháng trước, góp phần làm cho nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng cao 4,53%;
Giá xăng, dầu trong nước được điều chỉnh vào các ngày 4/7/2024, 11/7/2024 và 18/7/2024, tính bình quân chung tháng 7/2024 mặt hàng xăng, dầu tăng 3,35% so với tháng trước, cụ thể: Giá xăng A95 tăng 905 đồng/lít, xăng E5 tăng 767 đồng/lít, dầu hỏa tăng 872 đồng/lít, dầu diezel tăng 868 đồng/lít;
Giá nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,61% so với tháng trước, nguyên nhân do hè nhu cầu tiêu dùng tăng các mặt hàng như: Điện tăng 1,95% so tháng trước, nước tăng 0,53%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng theo giá nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất.
Ngoài ra, các nguyên nhân làm giảm CPI tháng 7/2024 so với tháng trước: Giá thịt gia cầm giảm 0,65% so với tháng trước do nguồn cung ở địa phương dồi dào, nhu cầu tiêu dùng trong các trường học giảm vì đang kỳ nghỉ hè; giá nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,10% so với tháng trước do một số mặt hàng dùng cho mùa đông giảm nhẹ như: Áo len giảm 1,45%, áo khoác người lớn giảm 1,85%.
Thuận Yến (t/h)