Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM trong giờ học tiếng Anh (Ảnh: TẤN THẠNH)
Chính sách sinh viên sư phạm không phải nộp học phí được quy định tại Điều 77, Luật Giáo dục 1998 và Điều 89 của Luật Giáo dục 2005: Học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm không phải đóng học phí.
Thế nhưng, quy định này đã có thay đổi tại Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2020. Theo đó, Điều 85 của Luật quy định: "Học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo".
Ngoài ra, học sinh, sinh viên sư phạm được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí quy định.
Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2011- 2013 dự toán chi bù học phí cho các trường sư phạm trực thuộc Bộ GD&ĐT lần lượt là khoảng 250 - 354 - 484 tỷ đồng.
Do chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm, kinh phí hoạt động của các trường sư phạm chủ yếu trông chờ vào ngân sách nhà nước được tính trên đầu số sinh viên cũng hạn chế cơ hội được đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện dạy học.
Tâm An