THCL Sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam…, ngày 18/8, Bộ Công thương chính thức trình Thủ tướng Chính phủ phương án thực hiện Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 09 chỗ ngồi trở xuống.

Ảnh minh họa

Những nội dung quan trọng

Trước việc thường xuyên xảy ra tình trạng một số chủng loại phương tiện (chủ yếu là xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống) được nhà sản xuất triệu hồi trên toàn thế giới để khắc phục lỗi, nhưng không được triệu hồi ở Việt Nam.

Ngày 12/5/2011, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 20/2011/TT-BCT. Theo đó, thương nhân nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống (loại chưa qua sử dụng), khi làm thủ tục nhập khẩu phải nộp những giấy tờ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong đó, bao gồm: Giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là doanh nghiệp nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó; giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp.

Mục đích ban hành Thông tư 20 được thể hiện nhằm “bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an toàn giao thông đường bộ”. Toàn bộ nội dung thông tư cũng cho thấy mục đích này khi yêu cầu thương nhân nhập khẩu, phân phối xe mới từ 9 chỗ ngồi trở xuống phải chịu trách nhiệm với người tiêu dùng về việc bảo hành xe và với tư cách là nhà nhập khẩu, phân phối được nhà sản xuất ủy quyền hoặc chỉ định, phải thay mặt nhà sản xuất chịu trách nhiệm về xe nhập khẩu đó trong một số trường hợp nhất định như triệu hồi do lỗi của nhà sản xuất…

Bảo đảm cạnh tranh công bằng

Trong bản báo cáo, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không chấp thuận đề xuất rút ngành, nghề “Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô” khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Bộ Công thương đề xuất Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan ban hành sớm các quy định trong nước có tác dụng tương đương Thông tư 20, áp dụng tại khâu đăng ký lưu hành và áp dụng chung cho xe cơ giới, bảo đảm các loại phương tiện này được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn của Việt Nam. Đến khi các quy định do Bộ Giao thông Vận tải ban hành chính thức có hiệu lực, Bộ Công thương sẽ bãi bỏ Thông tư 20.

Bộ Công thương cho rằng, Thông tư 20 không phải là điều kiện bởi bất kỳ tổ chức, cá nhân nào cũng có quyền bỏ vốn đầu tư thành lập tổ chức kinh tế để kinh doanh ô tô mà không cần phải tuân thủ Thông tư 20.

Bộ Công thương khẳng định, Thông tư 20 là một thủ tục hành chính được áp dụng đối với hàng nhập khẩu tại cửa khẩu để bảo đảm một mục tiêu quản lý. Nếu thương nhân nhập khẩu không đáp ứng được thủ tục này, sẽ không thể hoàn thành thủ tục hải quan cho hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu.

Thông tư 20 không vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh do không chỉ định doanh nghiệp nhập khẩu để buộc người tiêu dùng phải mua ô tô tại doanh nghiệp đó. Và việc doanh nghiệp có được giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền chính hãng hay không, phụ thuộc hoàn toàn vào thỏa thuận giữa các doanh nghiệp. Cơ quan quản lý không can thiệp vào quá trình này.

Bộ Công thương cho biết, năm 2012 (sau khi ban hành Thông tư 20), số doanh nghiệp tham gia nhập khẩu ô tô đã giảm mạnh từ 539 xuống còn 58 doanh nghiệp. Nhưng đến năm 2015, con số này đã tăng lên thành 314 doanh nghiệp.

Bộ Công thương cũng kiến nghị Chính phủ giao bộ này giám sát hoạt động nhập khẩu, phân phối ô tô tại Việt Nam để bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nguyễn Kiên