Theo Bộ KH&ĐT, giai đoạn 2016-2020, dù được bố trí kế hoạch trung hạn từ ngân sách trung ương cho nông nghiệp hơn 300 tỷ đồng nhưng các địa phương ưu tiên đầu tư vào công trình kết cấu hạ tầng. Do đó, vốn đầu tư cho nông nghiệp “teo tóp” còn khoảng 113,5 tỷ đồng. Có 31 dự án tại 15 địa phương tiếp cận vốn ưu đãi với mức trung bình 3,7 tỷ đồng/dự án.
“Do ngân sách địa phương hầu hết khó khăn nên chưa bố trí vốn hoặc bố trí vốn để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn rất ít”, đại diện Bộ KH&ĐT nhận định.
Từ thực trạng trên, Bộ KH&ĐT đề xuất xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định 57/2018, đáp ứng những vấn đề mới nảy sinh, các yếu tố tác động lớn đến doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, việc hỗ trợ tập trung vào ngành, nghề ưu đãi đầu tư, đặc biệt là ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp bao gồm: Nuôi trồng, chế biến nông sản, lâm sản, thuỷ sản; trồng và bảo vệ rừng; làm muối; khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, sản phẩm công nghệ sinh học.
Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, tổng hợp từ địa phương cho thấy, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 là 107.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dự kiến 8.600 tỷ đồng (như Bộ KH&ĐT đề xuất) để thực hiện khoảng 800 dự án, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định sản phẩm nông nghiệp trong vùng dự án trên địa bàn, tăng hiệu quả vốn đầu tư của ngân sách nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn góp phần chuyển dịch nhanh hơn tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
“Nếu hỗ trợ 1.000 tỷ đồng/năm từ ngân sách nhà nước, với mức hỗ trợ 10 tỷ đồng/dự án (gấp gần 3 lần so với hiện tại), mỗi năm sẽ hình thành được 100 dự án. Chúng tôi hy vọng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước sẽ mang đến nhiều hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường, tạo thêm việc làm mới”, một lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết.
Phương Thảo (t/h)