Bỏ lọt hành vi tham nhũng: Thanh tra, kiểm toán phải chịu trách nhiệm? - Hình 1

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Ảnh: QH)

Theo đại biểu, việc lợi dụng quyền lực để vụ lợi trong khu vực tư về bản chất cũng không khác gì khu vực công nên phải được coi là hành vi tham nhũng. Tham nhũng ở khu vực tư rất nghiêm trọng, nhiều khi chi phối, lũng đoạn cả chính sách, nhiều người đưa hối lộ hoặc thông đồng với khu vực nhà nước để tư lợi gây thất thoát lớn tiền, tài sản nhà nước.

Ở Việt Nam đã xảy ra các vụ tham nhũng nghiêm trọng trong khu vực tư, như tại Công ty cho thuê tài chính ALCII hoặc các vụ chiếm đoạt tiền của ngân hàng, của khách hàng gửi tiền v.v... Đây mới chỉ là bước đầu nên luật tập trung vào phòng, chống tham nhũng tại các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ, tổ chức xã hội, được đánh giá là phù hợp.

Đại biểu Hàm phân tích, việc mở rộng lần này cũng chỉ giới hạn ở 4 loại hình đơn vị nên không kìm hãm sự phát triển của khu vực tư và không cản trở việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng trong khu vực nhà nước. Với việc xử lý kỹ thuật lập pháp hợp lý sẽ càng củng cố thêm hiệu lực phòng, chống tham nhũng của các đạo luật hiện hành và không gây ra xung đột tâm lý.

Tuy nhiên, để hoàn thiện dự thảo luật cần rà soát điều chỉnh lại để đảm bảo thống nhất giữa phạm vi, đối tượng và các điều khoản cụ thể, khi mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng sang khu vực tư. Đồng thời rà soát lại việc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng cho phù hợp với từng loại hình đơn vị, loại hình khác nhau thì biện pháp phòng, chống tham nhũng cũng cần phải khác nhau.

Báo cáo của Chính phủ đánh giá tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi và cũng chỉ ra các quy định về cơ chế phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động của kiểm toán nhà nước, thanh tra nhà nước chưa phù hợp, chưa phát huy được vai trò của mỗi cơ quan. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng nhấn mạnh việc tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu, số vụ tham nhũng phát hiện qua thanh tra kiểm toán, điều tra còn ít, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng. Vì vậy, việc bổ sung các quy định vào luật để đảm bảo hiệu quả hoạt động của thanh tra, kiểm toán trong phòng, chống tham nhũng là hết sức cần thiết.

Vị đại biểu này đề nghị bổ sung vào luật việc các cơ quan phải chịu trách nhiệm khi đã thanh tra kiểm toán nhưng vẫn bỏ lọt hành vi tham nhũng. Đây là điều mà nhiều cử tri và dư luận đã có ý kiến.

Theo đó, luật cần bổ sung quy định thanh tra nhà nước, kiểm toán nhà nước phải chịu trách nhiệm trong trường hợp không tuân thủ quy trình chuẩn mực, thủ tục thanh tra kiểm toán dẫn đến bỏ lọt hành vi tham nhũng.  

Một trong những việc để không thể tham nhũng là cần công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức đơn vị. Để tránh xung đột với các luật khác, có thể quy định nguyên tắc và yêu cầu thực hiện theo luật liên quan.

Ví dụ, muốn công khai về quá trình đấu thầu có thể quy định công khai hồ sơ liên quan đến quá trình đấu thầu, mua sắm, xây dựng tài sản công theo quy định của Luật Đấu thầu, trên cơ sở đó hoàn thiện Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn để thực hiện công khai.

Đặc biệt, tôi đề nghị cần bổ sung việc công khai minh bạch 2 nội dung: đó là, quy trình các bước công việc và thời gian giải quyết công việc giữa các cơ quan nhà nước, giữa cơ quan cấp trên và cơ quan cấp dưới, giữa các bộ và các địa phương.

Công khai minh bạch trong đấu thầu, đầu tư xây dựng và mua sắm công bằng cách đẩy mạnh đấu thầu công khai qua mạng. Nếu chưa triển khai được toàn bộ các gói thầu thì mọi hồ sơ, tài liệu liên quan đến quá trình đấu thầu cần phải được công khai trên trang thông tin về đấu thầu để biết và giám sát.

Việc bổ sung quy định công khai minh bạch 2 nội dung này là hết sức cần thiết và cấp bách, vì theo đánh giá của cử tri nếu không sửa đổi quản lý chặt chẽ 2 nội dung này thì việc phòng, chống tham nhũng sẽ giảm hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh đó, luật cần cụ thể hơn các nội dung công khai, lưu ý bổ sung việc công khai quy trình và quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là khi liên quan đến tiền, tài sản nhà nước và tổ chức bộ máy.

Đại biểu Hàm cũng đồng quan điểm của Ủy ban Tư pháp, để đảm bảo tính khả thi của luật thì cơ quan soạn thảo cần tập trung hoàn chỉnh thêm nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là việc đánh giá tác động, lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động, rà soát tính thống nhất của hệ thống pháp luật và có ý kiến chính thức về 4 nội dung.

“Chính phủ đưa ra 2 phương án nhưng chưa có quan điểm lựa chọn phương án nào. Sau khi hoàn chỉnh những nội dung theo đề nghị của Ủy ban Tư pháp mới nên thông qua luật để đảm bảo tính khả thi”, đại biểu Hàm nói.

T. Nguyên