Quy định trách nhiệm của các nền tảng trung gian trong giao dịch điện tử
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Thu Phước (đoàn Kon Tum) nhận định, Luật Giao dịch điện tử đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai công tác trong thời kỳ mới nên việc sửa đổi Luật cho phù hợp với điều kiện thực tế là rất cần thiết.
Tuy nhiên, theo đại biểu, thời gian qua, các hình thức tội phạm lợi dụng giao dịch điện tử ngày càng đa dạng và tinh vi.
Các hành vi lừa đảo, gian lận trên không gian mạng thông qua mạng xã hội, qua các ứng dụng thanh toán điện tử, qua các trang web giả mạo… không chỉ gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới uy tín, niềm tin của người dân vào đối với giao dịch trên môi trường điện tử.
Nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng lợi dụng giao dịch điện tử để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đại biểu cho rằng dự thảo Luật cần bổ sung quy định trách nhiệm của các nhà cung cấp, các nền tảng trung gian trong việc kiểm soát và loại bỏ các nội dung vi phạm pháp luật trên nền tảng số, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc giám sát, xử lý các hành vi vi phạm để đảm bảo giao dịch trên môi trường số an toàn, lành mạnh.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần có quy định áp dụng hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an làm tiêu chuẩn chung cho giao dịch trên môi trường điện tử, trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.
Đại biểu Đỗ Văn Yên (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nhấn mạnh, giao dịch điện tử có phạm vi tác động rộng, đặt ra yêu cầu về bảo đảm, bảo mật, an ninh, an toàn thông tin của thông điệp dữ liệu trong giao dịch điện tử, trong cung cấp, quản lý chứng thư điện tử và chứng thư điện tử.
Cho rằng dự thảo Luật đã quy định một số hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện giao dịch điện tử, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định cấm các hành vi tiết lộ dữ liệu tạo chữ ký số, giả mạo chữ ký số trong giao dịch điện tử nhằm nâng cao hiệu lực của pháp luật và làm căn cứ xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) chỉ ra rằng, tại các Điều 12, Điều 14, Điều 22 của dự thảo Luật quy định giá trị của thông điệp dữ liệu, chứng thư điện tử trong một số trường hợp theo hướng dẫn chiếu đến các quy định pháp luật khác có liên quan.
Tuy nhiên, hiện nay, các quy định pháp luật chưa có quy định dành cho việc công chứng, chứng thực thông điệp dữ liệu, sử dụng thông điệp dữ liệu làm chứng cứ hợp pháp hóa lãnh sự, chứng thực lãnh sự một chứng thư điện tử.
Do đó, để quy định ban hành được nhanh chóng áp dụng trên thực tế, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tham vấn thêm ý kiến của các cơ quan quản lý chuyên ngành như Bộ Tư pháp; đồng thời nghiên cứu các quy định từ các nước đã áp dụng việc công chứng thông điệp dữ liệu để quy định một cách cụ thể hơn về vấn đề này.
Cân nhắc quy định về quản lý chữ ký số chuyên dùng công vụ
Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại phiên họp là quy định liên quan đến chữ ký số. Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) cho biết, quản lý về chữ ký số chuyên dùng công vụ và quản lý về chữ ký số chuyên dùng công cộng là 2 lĩnh vực riêng biệt, có đặc thù khác nhau về đối tượng, mục tiêu, phương thức quản lý hạ tầng kỹ thuật.
Theo đại biểu, chữ ký số chuyên dùng công vụ là hoạt động có tính đặc thù. Đây là thực thi công vụ của Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị, không thu phí. Đối tượng phục vụ là các tổ chức, cá nhân của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; đòi hỏi cấp độ an toàn, bảo mật cao hơn.
Còn chữ ký số chuyên dùng công cộng do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý và cấp phép cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho các cá nhân, tổ chức là doanh nghiệp. Đây là hoạt động kinh doanh có điều kiện, có thu phí nên cấp độ an toàn thấp hơn.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho rằng, nếu quy định giao Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý nhà nước cả 2 loại chữ ký số nêu trên thì xảy ra vấn đề mất an toàn, việc xác định trách nhiệm là không rõ ràng.
Do đó, đại biểu đề nghị quy định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định pháp luật về cơ yếu và giao dịch điện tử còn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công cộng.
Đồng quan điểm, đại biểu Vũ Xuân Hùng (đoàn Thanh Hóa) cho biết, theo Luật Giao dịch điện tử hiện hành, có 2 loại chữ ký số là chữ ký số chuyên dùng công vụ và chữ ký số công cộng.
“Việc quản lý chữ ký số chuyên dùng công vụ do Ban Cơ yếu Chính phủ dưới sự chỉ đạo, quản lý của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay mặt Chính phủ quản lý nhà nước. Chữ ký số chuyên dùng công vụ có mức độ an toàn kỹ thuật, tính bảo mật rất cao, đạt hiệu quả rất thiết thực. Chữ ký số chuyên dùng công vụ dùng cho người, cấp có thẩm quyền; mỗi văn bản giao dịch điều ảnh hưởng đến nhân dân, đến quốc gia, dân tộc. Vì vậy, cần phải được quản lý đặc biệt và cần phải được rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm bí mật và an toàn”, đại biểu nói.
Tán thành giao Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giao dịch điện tử nhưng đại biểu Nguyễn Minh (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng đề nghị sửa lại dự thảo Luật theo hướng quy định Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử thuộc lĩnh vực cơ yếu chữ ký số chuyên dùng công vụ.
Trong khi đó, tranh luận với các đại biểu, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (đoàn Kiên Giang) cho biết, liên quan đến quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dụng công vụ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất quan điểm là cần phải phù hợp với chủ trương một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính.
“Hơn nữa, chữ ký số chuyên dùng công vụ là loại chữ ký điện tử được sử dụng công khai trong giao dịch của cơ quan nhà nước. Chữ ký chuyên dùng công vụ không phải là lĩnh vực đặc thù thuộc phạm vi bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật quốc phòng, an ninh”, đại biểu nói.
PV (Theo baophapluat.vn)