“Ngoài ra, Cục ĐKVN còn tích cực nỗ lực trong hợp tác với các nước, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nói chung trong công tác đăng kiểm phương tiện tại Việt Nam. Trong công tác quản lý hoạt động chuyên môn Cục Đăng kiểm VN cũng đã có nhiều cải tiến, đặc biệt ứng dụng tương đối tốt CNTT và công nghệ hiện đại vào hoạt động; Dịch vụ cũng được nâng cao, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; góp phần giảm TNGT đáng tiếc do lỗi chất lượng đăng kiểm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Công tác đăng kiểm còn khá nhiều tồn tại cần tác động, nỗ lực cải tạo - Hình 1

(Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng chỉ rõ, công tác đăng kiểm vẫn còn khá nhiều điểm tồn tại cần sự tác động, nỗ lực cải tạo mạnh mẽ, đột phá hơn nữa.

Bộ trưởng Thể yêu cầu lãnh đạo và đơn vị đăng kiểm tập trung vào công tác đăng kiểm xe đang lưu hành, cùng các cơ quan chức năng triệt để loại bỏ xe hết đăng kiểm lưu thông trên đường, đảm bảo chất lượng phương tiện giữa 2 kỳ đăng kiểm, góp phần tích cực đảm bảo TTATGT, kiềm chế TNGT.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng  yêu cầu thêm với lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam rà soát, kiểm tra năng lực, trách nhiệm của từng cán bộ, đăng kiểm viên thì mới nâng cao được chất lượng chuyên môn.

“Phải tăng thêm quy trình quy phạm, nghiêm khắc xử lý nếu phát hiện cán bộ vi phạm đạo đức nghề nghiệp, của công chức, viên chức thi hành công vụ, bởi chỉ một sơ suất nhỏ hay làm việc tắc trách, tham lợi riêng của cán bộ đăng kiểm sẽ đe doạ đến an toàn cho người và phương tiện lưu thông với hậu quả rất lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ rõ.

Tư lệnh ngành giao thông nói:  “Công tác đào tạo nguồn nhân lực của đăng kiểm viên, phải ngày được nâng cao nhất là các Trung tâm của địa phương thì trách nhiệm chất lượng đăng kiểm viên thuộc về Cục ĐKVN”.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục ĐKVN chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi hậu kiểm, nhất là với các doanh nghiệp vận tải có nhiều phương tiện vi phạm khi được cơ quan đăng kiểm chỉ lỗi.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể một lần nữa tôi yêu cầu, song song với mảng đào tạo sát hạch lái xe thì đăng kiểm cũng cần có đổi mới ngay. Phải có định hình xem đăng kiểm sắp tới làm cái gì, tập trung vào nhiệm vụ nào, giải pháp ra làm sao để tập trung vào đó thì mới có đổi mới thực sự, góp phần lớn vào công tác kiềm chế TNGT, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản cho người dân”.

Trước đó, Cục trưởng Cục ĐKVN Trần Kỳ Hình báo cáo, về công tác kiểm định xe cơ giới, hiện có 158 trung tâm và chi nhánh đăng kiểm với 315 dây chuyền kiểm định cơ giới hoá đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành với 1556 đăng kiểm viên xe cơ giới.

“Toàn bộ các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới đã trang bị hệ thống camera IP giám sát để truyền hình ảnh trong quá trình kiểm định về Cục ĐKVN”, ông Hình cho biết.

Cục trưởng ĐKVN cũng báo cáo, năm 2017 có hơn 2,3 triệu/hơn 2,8 triệu lượt xe đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; thường xuyên phối hợp với Cục CSGT tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm soát xe quá hạn kiểm định, hết niên hạn sử dụng; Cục cũng đã hướng dẫn các doanh nghiệp, chủ xe dịch trục gần 8000 xe sơmi rơmooc, điều chỉnh khối lượng bản thân cho 25.265 xe tải phù hợp theo quy định mới về quản lý tải trọng…

Về công tác tổ chức cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực, Cục trưởng Trần Kỳ Hình cho hay, ngành Đăng kiểm có 186 đăng kiểm viên tàu biển, 385 đăng kiểm viên phương tiện thuỷ nội địa, 1556 đăng kiểm viên xe cơ giới, 24 đăng kiểm viên đường sắt và 47 đăng kiểm viên thử nghiệm xe cơ giới. Số đăng kiểm viên này luôn được tổ chức tập huấn nghiệp vụ, sát hạch và cấp công nhận đăng kiểm viên theo đúng các quy định…

Bảo Ngọc T/h