Mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đặt câu hỏi, việc xây dựng Chính phủ điện tử là chủ trương lớn, lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ nhưng dù có nhiều cố gắng song sau 2 năm thực hiện thì mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử còn xa, người dân và doanh nghiệp còn phàn nàn nhiều vì chưa được sử dụng dịch vụ công chất lượng. Đại biểu Hoa đặt ra câu hỏi trách nhiệm của Bộ trưởng và Bộ Thông tin và Truyền thông đến đâu khi xảy ra tình trạng chậm trễ này và giải pháp nào để nâng cao hiệu quả?
Tương tự, đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) cũng đánh giá, việc triển khai Chính phủ điện tử mang lại tiện ích cho doanh nghiệp, người dân nhưng việc triển khai chưa tương xứng với kỳ vọng và mức độ đầu tư. Đại biểu Vũ Thị Nguyệt đặt câu hỏi, trách nhiệm của Bộ Thông tin Truyền thông như thế nào khi có những địa phương cung cấp 1.000 dịch vụ hành chính nhưng không có dịch vụ nào được điện tử hoá và làm sao nâng cao chất lượng Chính phủ điện tử thời gian tới?
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn
Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, những năm qua thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử và hoạt động ứng dụng thông tin trong cơ quan Nhà nước được đẩy mạnh. Lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội có kết quả khả quan trong việc cung cấp thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến các bộ ngành đã thực hiện ở mức cao, mang lại nhiều lợi ích cho người dân và cơ quan nhà nước.
Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, hiện các bộ, ngành đã cung cấp hơn 900 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; các tỉnh/thành phố cung cấp gần 14.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Một số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đã đem lại hiệu quả cao như lĩnh vực hải quan, thuế xử lý trên 21 triệu hồ sơ trực tuyến, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xử lý trên 28 triệu hồ sơ trực tuyến, ngành Ngoại giao trên 1,6 triệu hồ sơ trực tuyến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên 450 ngàn hồ sơ trực tuyến, Bộ Tư pháp trên 258 ngàn hồ sơ trực tuyến.
Tuy nhiên, việc xây dựng Chính phủ điện tử ở một số bộ, ngành, địa phương còn nhiều tồn tại, hạn chế là do người đứng đầu chưa quyết liệt áp dụng dịch vụ công. "Ở địa phương nào người đứng đầu quan tâm thì địa phương đó thực hiện dịch vụ công tốt hơn. Kinh phí xây dựng Chính phủ điện tử không đáp ứng nhu cầu bố trí của địa phương, chưa kịp tthời nên lộ trình triển khai chưa theo kế hoạch, thậm chí triển khai chồng chéo, chưa đồng bộ; nguồn nhân lực công nghệ thông tin thiếu", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhận định.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) về việc Bộ Thông tin và Truyền thông đã và sẽ làm gì để thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử hiệu quả, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ để thúc đẩy việc xây dựng Chính phủ điện tử để cải cách thủ tục hành chính, mang lại nhiều lợi ích cho người dân, trong đó, các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả nâng dịch vụ công.
Hoan Nguyễn