BR-VT: Huyện Châu Đức kêu gọi đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - Hình 1

Ông Nguyễn Công Vinh, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức báo cáo tại buổi làm việc

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Công Vinh, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết: “Huyện đang hoàn thiện các thủ tục thu hồi 320 ha đất trồng cao su của Công ty Cao su Bà Rịa tại xã Xuân Sơn để tạo quỹ đất sạch, kêu gọi đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, trên địa bàn huyện Châu Đức có 81 trang trại đạt tiêu chí nông thôn mới, trong đó có 63 trang trại chăn nuôi, 17 trang trại trồng trọt, 1 trang trại thuỷ sản.

Toàn huyện có gần 900 ha cây hồ tiêu sản xuất theo quy trình Viet GAP; 1.800 ha hồ tiêu áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm; xây nhà lưới sản xuất rau củ quả an toàn thực phẩm quy mô 8,52 ha; 197 ha ca cao ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, khó khăn của địa phương là giá cả một số mặt hàng nông sản thấp như hồ tiêu chỉ hơn 57.000đ/kg, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.

Một số địa bàn như xã Suối Rao, Đá Bạc do địa hình cao không tiếp cận được với nguồn nước từ kênh mương nội đồng, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất… Để khắc phục các hộ dân đã áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt vào canh tác, giảm chi phí trong sản xuất; tự đào ao dự trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp”.

Nhằm quy hoạch sử dụng đất hiệu quả, huyện Châu Đức đề nghị UBND tỉnh cho phép lập quy hoạch vùng, trong đó sẽ xem xét quy hoạch cảnh quan xung quanh các hồ chứa nước như: Kim  Long, Tầm Bó, Suối Rao…để kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.

 Ông Đặng Sơn Hải, Phó giám đốc Sở TN&MT  cảnh báo: “Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn xảy ra trên địa bàn huyện. Việc quy hoạch vùng phải theo tự nhiên, không san ủi phẳng mặt bằng khi thực hiện các dự án, làm phá vỡ cảnh quan vốn có, gây mất cân bằng sinh thái tự nhiên”.  

Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch cho biết: “Trên địa bàn huyện, có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, cảnh quan, môi trường tự nhiên khu vực các hồ chứa nước đáp ứng tốt cho phát triển du lịch sinh thái dã ngoại. Về quy hoạch vùng, UBND huyện cần xác định rõ các yếu tố tiềm năng để triển khai phát triển có hiệu quả”.

Bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương nhận định: “Châu Đức là huyện nông nghiệp. Tuy nhiên, tỉnh cần đầu tư một số dự án cơ sở hạ tầng để phát huy thế mạnh trên cơ sở phát triển sản xuất công nghiệp chế biến các sản phẩm chủ lực như hồ tiêu, điều, ca cao… khai thác tối đa thế mạnh trên cơ sở liên kết vùng”.

BR-VT: Huyện Châu Đức kêu gọi đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - Hình 2

Ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc

Đánh giá những kết quả đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của huyện và nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới, Ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị:

“Huyện Châu Đức cần quan tâm đến phát triển kinh tế nông nghiệp, thành lập các mô hình hợp tác xã kiểu mới, phát triển nông thôn mới. Các ngành chức năng đánh giá các dự án mô hình có hiệu quả để áp dụng và nhân rộng; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Chính quyền cần định hướng người dân trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất cây trồng, chuyển đổi, chọn lựa cây con giống vào sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Về quy hoạch, Châu Đức cần quy hoạch tập trung trên các tuyến đường chính, xây dựng nông thôn kiểu mẫu.

Về công nghiệp chế biến, huyện phải khuyến cáo nông dân lựa chọn công nghệ sản xuất, cây trồng, sản phẩm phù hợp, trên cơ sở trình diễn mô hình sản xuất đầu bờ, áp dụng trên toàn địa bàn; xác định thương hiệu sản phẩm nông nghiệp gắn với lợi thế của địa bàn, phát triển thế mạnh cây chủ lực như cây bơ, sầu riêng bên cạnh cây ca cao, phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng”.

Ninh Văn Hồng