Những con số đáng báo động
Việt Nam đang trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiến tới hoàn thành mục tiêu đưa đất nước cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020. Để trở thành một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì cần rất nhiều yếu tố. Trong đó, yếu tố con người nói chung và nguồn nhân lực công nhân nói riêng đóng vai trò rất quan trọng.
Lo lắng về bữa ăn công nhân!
Tuy nhiên, bên cạnh một số doanh nghiệp quan tâm đến chất lượng bữa ăn cho công nhân thì tại nhiều doanh nghiệp, chất lượng bữa ăn giữa ca của nguồn nhân lực này vẫn chỉ mang tính chất “chiếu lệ”.
Theo báo cáo Cục An toàn thực phẩm, từ năm 2010 – 9/2016, toàn quốc xảy ra 105 vụ ngộ độc thực phẩm tại bữa ăn tập thể trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Với 8.629 người mắc, 7.929 người đi viện và không có trường hợp tử vong. Như vậy, trung bình mỗi năm có 15 vụ, 1.232 người mắc và 1.132 người đi viện do ngộ độc thực phẩm tập thể trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Phàn nàn là nghỉ việc luôn
Để tìm hiểu chất lượng bữa cơm của công nhân tại các doanh nghiệp hiện nay như thế nào. Chúng tôi có mặt tại một số khu công nghiệp để hỏi thăm chính những người lao động này.
Chị Nguyễn Thị Ngọc làm việc tại một công ty trong khu công nghiệp VSIP 1 (Bình Dương) cho biết, việc phát hiện ra sâu trong rau trong hay tóc trong cơm là chuyện bình thường. Cũng vài lần sau bữa ăn, một số anh chị em bị đau bụng nhẹ. Tuy không phải đi viện nhưng nếu cứ tiếp diễn tình trạng này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Còn theo phản ánh của anh Bùi Hữu Công, công nhân Công ty YI, nằm trong Khu công nghiệp Minh Hưng (Bình Phước), chất lượng bữa ăn tại đây cũng chẳng khá hơn. “Cá nấu thì còn sống, nhiều hôm còn nguyên máu. Trứng luộc cũng chẳng chín, thịt gà chẳng biết làm kiểu gì mà vẫn còn lông…”. Đây cũng là những phản ánh của một số công nhân khác tại đây.
“Vừa qua, sau khi ăn cơm tại công ty xong, đang làm việc thì một số anh em thấy đau bụng, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn…. Chúng tôi lập tức đưa tới bệnh viện để kiểm tra và truyền nước. Sau một hồi kiểm tra thì mới biết nguyên nhân là do bị ngộ độc thực phẩm”, anh Công cho biết.
Khi được đặt câu hỏi, tình trạng như thế thì công nhân có kiến nghị, góp ý đến nhà bếp hay lãnh đạo công ty không. Anh Công cũng không ngần ngại chia sẻ, ngay sau đó có một số anh em công nhân dưới xưởng lên văn phòng phản ánh về sự việc. Nhưng chẳng giải quyết được vấn đề gì mà ngược lại, lại bị lãnh đạo công ty lập biên bản rồi cho nghỉ việc luôn.
“Từ vụ đuổi một loạt công nhân đó thì cũng chẳng thấy ai ý kiến gì nữa. Mình là người lao động, tìm được công việc để làm đã là tốt lắm rồi nên hầu như từ đó không ai ý kiến gì cả”, anh Công tâm sự.
Trước hàng loạt các vụ việc ngộ độc an toàn vệ sinh thực phẩm tại các doanh nghiệp, bữa ăn của công nhân không đủ chất dinh dưỡng, đã có không ít người bức xúc rằng: “Doanh nghiệp muốn tăng năng xuất, tăng sản lượng, nhưng lại không chịu đầu tư. Bữa ăn của chúng tôi như vậy thì làm sao chúng tôi có đủ sức khỏe để làm việc”.
Mới quản lý được phần ngọn
Vừa qua, TP. HCM đã ra mắt Ban quản lý an toàn thực phẩm. Đây là bước đi thể hiện quyết tâm của thành phố trong vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm. Bởi người dân hết sức quan tâm, nó ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của từng người, từng gia đình. Ban Quản lý an toàn thực phẩm sẽ phối hợp chặt chẽ với 24 quận, huyện để kiểm tra, kiểm soát vấn đề về an toàn thực phẩm.
Một góc chợ tự phát ở khu công nghiệp Tân Tạo
Với Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, trong thời gian tới sẽ tiến hành tăng cường độ thanh kiểm tra đột xuất tối thiểu hai lần/năm đối với các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn và bốn lần/năm đối với các bếp ăn tập thể tự tổ chức. Đối với thực phẩm tại các chợ trong khu vực có đông công nhân, thành phố đã có chỉ đạo xử lý mạnh tay các hành vi kinh doanh thực phẩm không đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, hiện nay công tác quản lý an toàn thực phẩm mới đang chạy theo hướng giải quyết sự vụ và quản lý phần ngọn. Để giải quyết dứt điểm tình trạng thực phẩm không an toàn được bày bán cho công nhân, cần kiểm soát tốt các chợ đầu mối, vì đây là nơi mỗi ngày phân phối thực phẩm cho cả thành phố.
Nhưng chỉ với sự quyết tâm của Ban quản lý an toàn thực phẩm thì thật khó có thể kiểm soát được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị chứ chưa nói đến các điểm chợ tự phát. Chính vì thế cần sự vào cuộc, phối hợp các cơ quan chức năng có liên quan để giải quyết triệt để tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thanh Bút – Hải Phong