Hành trình phát triển thương hiệu VPG

Thương hiệu VPG thuộc CTCP Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát được thành lập ngày 23/7/2008, trụ sở chính đặt tại: Số 123 BT 02-97 Bạch Đằng, phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng do ông Nguyễn Văn Bình (SN: 1973) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và ông Nguyễn Văn Đức giữ chức Tổng Giám đốc.

Ngày 18/1/2018, cổ phiếu của CTCP Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát được niêm yết và giao dịch trên Sàn chứng khoán TP. HCM với mã chứng khoán VPG.

Khởi đầu là một doanh nghiệp chuyên vận tải hàng hóa nội địa, VPG đã đã có bước ngoặt lớn trong hoạt động kinh doanh khi mở rộng ra các lĩnh vực khác như kinh doanh thương mại, đầu tư, sản xuất, xây dựng… vào năm 2010. Bốn năm sau (năm 2014), VPG đã vươn lên thành một trong những đơn vị có tiếng trong lĩnh vực khoáng sản như: Quặng sắt, than, titan tại Việt Nam và xác lập mức doanh thu lên tới 701,9 tỷ đồng.

Việt Phát và liên danh trúng thầu dự án cung cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1. (Ảnh: KTCK)
Việt Phát và liên danh trúng dự án cung cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1. Ảnh KTCK.

Hiện nay, tại thị trường Việt Nam, VPG được biết đến là nhà cung cấp đầu vào quan trọng bao gồm quặng sắt, than cốc luyện kim cho các nhà máy lớn như: Gang thép Hòa Phát Hải Dương, Thép Hòa Phát Dung Quất, Công ty CP Luyện Kim Đen Thái Nguyên,…

Đặc biệt, doanh nghiệp đã mở rộng thị trường nhập khẩu than cốc, quặng sang Nhật Bản, Thụy Sỹ, Singapore với một số đối tác như Daichu Corporation, Glencore International AG, Noble Resources International Pte. Ltd,... Mỗi năm, mảng kinh doanh than cốc mang về cho VPG hàng ngàn tỷ đồng doanh thu.

Năm 2021 là năm VPG bắt đầu phát triển mặt hàng kinh doanh mới, đó là than nhiệt với mục tiêu đẩy mạnh tiêu thụ và vào các nhà máy nhiệt điện của EVN và PVN.

Doanh thu kỷ lục

Kể từ khi đẩy mạnh khai thác mảng than nhiệt từ năm 2022, VPG đã mang về hàng loạt các hợp đồng giá trị. Khởi đầu là gói thầu cung cấp than vào tháng 4/2022, thông qua hợp đồng bán Than nhiệt giữa liên danh VPG – CTCP Khoáng sản DanKa - Suek AG và BQL DA điện lực dầu khí Sông Hậu 1 với giá trị 11.965,3 tỷ đồng. Do vậy, doanh thu từ mảng than nhiệt của VPG đạt 1.563 tỷ đồng trong năm 2022 – mảng kinh doanh này đã chiếm tới 28% cơ cấu doanh thu, chỉ xếp sau mảng than cốc chủ lực.

Khởi đầu là gói cung cấp than nhiệt giữa liên danh VPG – CTCP Khoáng sản DanKa - Suek AG và BQL DA điện lực dầu khí Sông Hậu 1 với giá trị 11.965,3 tỷ đồng.
Khởi đầu là gói cung cấp than nhiệt giữa liên danh VPG – CTCP Khoáng sản DanKa - Suek AG và BQL DA điện lực dầu khí Sông Hậu 1 với giá trị 11.965,3 tỷ đồng.

Ngày 16/9 vừa qua, VPG đã công bố nghị quyết ký kết hợp đồng bán Than nhiệt giữa Việt Phát và Pine Energy Pte. Ltd. Theo đó, thời hạn thực hiện dự kiến của hợp đồng từ ngày ký đến tháng 8/2025, với giá trị tạm tính là 4.600 tỷ đồng; Cũng trong tháng 9, VPG công bố nghị quyết ký kết hợp đồng mua bán Than nhiệt giữa liên danh Việt Phát - Pine Energy Pte. Ltd  - Chi nhánh Phát điện Dầu khí với giá trị tạm tính là 6.600 triệu đồng. Hợp đồng có thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký.

VPG và liên danh vừa ký thêm hợp đồng cung cấp than nhiệt giá trị tạm tính là 4.600 tỷ đồng.
VPG và liên danh vừa ký thêm hợp đồng cung cấp than nhiệt giá trị tạm tính là 4.600 tỷ đồng.

Trước đó vào ngày 3/6, liên danh VPG - Pine Energy Pte. Ltd - Tổng công ty Phát điện 1 đã ký kết hợp đồng bán than nhiệt với giá trị tạm tính là 206,5 tỷ đồng và 123,9 triệu USD. Hợp đồng có thời hạn 18 tháng kể từ ngày ký. Quy đổi theo tỷ giá tại ngân hàng Vietcombank hiện tại là 25.100 đồng/USD, ước tính tổng giá trị hợp đồng nói trên lên tới khoảng gần 3.320 tỷ đồng. Đây cũng là hợp đồng mua bán than nhiệt đầu tiên trong năm 2024 của doanh nghiệp này.

Trong năm 2023, cụ thể là tháng 12/2023, doanh nghiệp này cũng ký hợp đồng bán Than nhiệt giá trị 811,3 tỷ đồng với Chi nhánh TCT Điện lực Dầu khí Việt Nam và CTCP Công ty Cung ứng Nhiên liệu Điện lực Dầu khí;

Ngày 14/8, VPG cùng Pt Sumber Global Energy Tbk - Pt Bintang Mitra Semestaraya Tbk (Indonesia) trúng gói thầu cung cấp than nhiệt cho Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 với giá trị 6.023,7 tỷ đồng. Cũng trong tháng 8, VPG thông qua việc ký kết hợp đồng mua than nhiệt giữa Việt Phát và Pt Sumber Global Energy Tbk với giá trị 4.300 tỷ đồng…

Những năm gần đây, mặc dù liên tục ký kết được những hợp đồng kinh doanh giá trị từ Than nhiệt và thiết lập những kỷ lục doanh thu mới, song lợi nhận của VPG vẫn thấp, mức lợi nhuận này có vẻ chưa tương xứng với khoanh thu.

Nguồn: Báo cáo tài chính tại VPG
Nguồn: Báo cáo tài chính tại VPG

Vì sao, lãi mỏng, lợi nhuận giảm sâu?

CTCP Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý III/2024 với nhiều điểm đáng chú ý. Theo đó, VPG ghi nhận 3.465 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2023. Trừ đi thuế và các khoản chi phí khác, công ty báo lợi nhuận sau thuế giảm 47% so với kết quả cùng kỳ năm trước - đạt 12,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức lợi nhuận này có vẻ chưa tương xứng với doanh thu ‘khủng’ của VPG khi biên lãi ròng trong quý III của doanh nghiệp chỉ đạt mức 0,37% và biên lãi ròng 9 tháng năm 2024 đạt 0,16%.

Trong kỳ, tất cả các chi phí của VPG đều tăng, trong đó bao gồm: Chi phí tài chính đạt 90,2 tỷ đồng – tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước; Chi phí bán hàng đạt 45,3 tỷ đồng – tăng 60,6%; Chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 20,6 tỷ đồng – tăng 25%. Đáng chú ý, danh thu hoạt động tài chính đạt 51 tỷ đồng – tăng đến 295% so với cùng kỳ năm 2023.

Lũy kế 9 tháng năm 2024 của VPG, doanh thu thuần đạt 9.998 tỷ đồng (tăng 78% so với năm trước) - đây cũng là con số doanh thu cao nhất của VPG kể từ khi niêm yết. Tuy nhiên, sau khi trừ giá vốn và các chi phí thì lợi nhuận của công ty lại giảm sâu hơn 80% xuống còn 16,6 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước 84 tỷ đồng).

Nguồn: BCTC quý III/2024 tại VPG.
Nguồn: BCTC quý III/2024 tại VPG.

Theo tìm hiểu, VPG bắt đầu phát triển mặt hàng kinh doanh mới là Than nhiệt kể từ năm 2021 với mục tiêu đẩy mạnh tiêu thụ vào các nhà máy nhiệt điện của EVN và PVN. Năm 2022, doanh thu từ mảng than nhiệt của VPG đạt 1.563 tỷ đồng - chiếm tới 28% cơ cấu doanh thu, chỉ xếp sau mảng than cốc chủ lực (2.925 tỷ đồng).

Năm 2023, than nhiệt đã chính thức đứng TOP đầu trên BCTC của VPG khi mang về 2.788 tỷ đồng - đóng góp tới 44% vào cơ cấu doanh thu. Dù mảng kinh doanh này giúp VPG xác lập mức doanh thu kỷ lục 6.338 tỷ đồng nhưng vẫn chẳng thể giúp lợi nhuận của doanh nghiệp trở nên tốt hơn. Thậm chí, lãi sau thuế còn giảm tới 69% so với năm 2022 (từ 62,5 tỷ đồng xuống còn vỏn vẹn 19,3 tỷ đồng). Giá vốn của than nhiệt lên tới 2.548 tỷ đồng - ở mức khá cao so với doanh thu, khiến cho lợi nhuận gộp bị ‘bào mòn’.

Năm 2023, than nhiệt đã chính thức đứng TOP
Năm 2023, than nhiệt đã chính thức đứng TOP đầu.

Trong Qúy III/2024, than nhiệt của VPG tiếp tục tăng trưởng vượt trội lên tới 133% so với cùng kỳ năm trước (đạt 2.683 tỷ đồng), đưa tổng doanh thu lên mức 3.464,6 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng lên mức cao kỷ lục 9.998 tỷ đồng nhưng vẫn chẳng thể giúp lợi nhuận của doanh nghiệp khởi sắc mà còn giảm tới 47% so với quý và giảm 80% về lũy kế. Báo cáo tài chính của VPG ghi nhận, giá vốn của than nhiệt lên tới 2.568,3 tỷ đồng, ở mức khá cao so với doanh thu, khiến cho lợi nhuận gộp bị ‘bào mòn’.

BCTC quý III/2024 tại VPG
BCTC quý III/2024 tại VPG.

Tình trạng doanh thu ngàn tỷ, biên lãi ròng và biên lãi gộp có tỷ lệ % thấp đã trở thành vấn đề của VPG từ năm 2022 đến nay. Cụ thể, biên lãi ròng của VPG giai đoạn năm 2022 đến nay chỉ dao động từ 0,15 đến hơn 1% lần lượt: 1,13% (năm 2022); 0,30% (năm 2023) và 0,16% (9 tháng đầu năm 2024); Còn biên lãi gộp dao động từ 4 đến hơn 6% lần lượt: 4,80% (năm 2022); 6,09% (năm 2023) và 4,04% (9 tháng đầu năm 2024).

Như vậy, những chỉ tiêu này thua xa so với giai đoạn trước đó với năm 2021 có biên lãi ròng đạt 10,9% và 17% biên lãi gộp.

Nguồn: Báo cáo tài chính tại VPG
Nguồn: Báo cáo tài chính tại VPG

Tại ngày 30/9/2024, tổng tài sản của VPG ở mức 6.636,9 tỷ đồng, giảm 7% so với đầu năm, tập chủ yếu ở các khoản phải thu ngắn hạn (2.408 tỷ đồng) và hàng tồn kho 2.795 tỷ đồng (chiếm 42%). Như vậy, có đến 78% cơ cấu tài sản của VPG nằm ở hàng tồn kho và các khoản phải thu.

Nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức 5.127 tỷ đồng, phần lớn là nợ ngắn hạn với 4.899,9 tỷ đồng (chiếm 95,5%) khiến áp lực về trả nợ ngắn hạn là rất lớn. Điều đáng chú ý là số nợ phải trả/tổng tài sản của VPG đã chiếm tới 77%. Với vốn chủ sở hữu 1.509,6 tỷ đồng do vậy nợ phải trả hiện nay đang cao gấp 3,4 lần vốn chủ sở hữu.

Về vay và nợ thuê tài chính, VPG đang có 2.705,7 tỷ đồng khoản vay ngắn hạn, trong đó đang nợ của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) – CN Hà Nội hơn 1.273,9 tỷ đồng; Nợ của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) – CN Lê Chân hơn 641,5 tỷ đồng; Nợ của Ngân hàng NN&PT NT (Agribank)– CN Bắc Hải Phòng hơn 428,5 tỷ đồng; Nợ của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng hơn 204 tỷ đồng… Ngoài ra, VPG đang có 230,5 tỷ đồng khoản vay dài hạn tại Ngân hàng NN&PT NN – Chi nhánh Bắc Hải phòng (195,4 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – CN Lê Chân (35 tỷ đồng).

Như vậy, VPG đang phụ thuộc rất lớn vào vốn vay để duy trì hoạt động kinh doanh, trong đó đa phần các khoản vay là ngắn hạn sẽ tạo ra nhiều rủi ro, áp lực trong việc trả nợ và đảm bảo việc hoạt động liên tục.

Về dòng tiền, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh, đầu tư và tài chính trong kỳ của VPG lần lượt âm 473,7 tỷ đồng; âm 16 tỷ đồng và âm 254,5 tỷ đồng. Do vậy, đã kéo theo lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm nặng tới 744,3 tỷ đồng. Cuối kỳ, tiền và tương đương tiền của VPG giảm mạnh từ 1.532 tỷ đồng xuống còn 787 tỷ đồng.

Tại báo cáo tài chính (BCTC) Soát xét 6 tháng đầu năm 2024 cũng cho thấy, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh và đầu tư cũng lần lượt âm 1.095,2 tỷ đồng và 17,8 tỷ đồng do vậy đã kéo theo lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm nặng tới 1.005,8 tỷ đồng; Tiền và tương đương tiền của VPG giảm mạnh từ 1.532 tỷ đồng xuống còn 526,2 tỷ đồng tính đến thời điểm ngày 30/6/2024.  Tuy nhiên, VPG vẫn chi trả mức lương, thù lao cho các thành viên HĐQT, Ban Giám đốc và Kế toán trưởng có phần “hậu hĩnh”, cụ thể như sau: Ông Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch HĐQT nhận 512,5 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Đức – TV HĐQT, Tổng Giám đốc nhận 390 triệu đồng; Bà Lê Thị Thanh Lệ - Phó Tổng Giám đốc nhận 282 triệu đồng…

Mức lương, thù lao cho các thành viên HĐQT, Ban Giám đốc và Kế toán trưởng tại VPG
Mức lương, thù lao cho các thành viên HĐQT, Ban Giám đốc và Kế toán trưởng tại VPG.

Những dự án bất động sản thương hiệu VPG

Dù mới tham gia vào thị trường bất động sản, nhưng thương hiệu VPG để lại nhiều dấu ấn, kể đến dự án Trung tâm thương mại tại Bãi Cháy, Hạ Long (Quảng Ninh). Đây là dự án có tổng mức đầu tư trên 5.200 tỷ đồng do VPG kết hợp với công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam thực hiện. Dự kiến dự án sẽ đi vào hoạt động đầu năm 2026.

Hay như dự án Aeon Mall Biên Hòa với tổng diện tích gần 12ha. Về tiến độ, dự kiến đến quý IV/2024 dự án sẽ hoàn tất các thủ tục pháp lý về đầu tư, đất đai, xây dựng. Quý I/2025 đến quý II/2027 sẽ triển khai xây dựng, hoàn thiện và vận hành chính thức giai đoạn 1. Giai đoạn 2 của dự án sẽ được triển khai xây dựng, hoàn thành và đi vào vận hành trong quý I/2035 đến quý II/2038. Thông tin cho thấy, dự án có tổng mức đầu tư 6.000 tỷ.

Trước đó năm 2019, VPG được biết đến là Chủ đầu tư Dự án Khu nhà ở thương mại tại phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng (tên thương mại là Việt Phát South City) với quy mô hơn 2,4 ha, tổng mức đầu tư 435 tỷ đồng. Trong đó, các sản phẩm nhà ở thấp tầng đã được VPG hoàn thành và bàn giao 174 căn, còn công trình văn phòng thương mại dịch vụ đang được Công ty triển khai.

VPG là chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản, trong đó có Việt Phát South City. (Ảnh: thanhphohaiphong.gov.vn)
VPG là chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản, trong đó có Việt Phát South City.
(Ảnh: thanhphohaiphong.gov.vn)

Ngoài ra, các dự án như: Cụm công nghiệp Đò Nống tại An Dương (Hải Phòng); dự án khu nhà ở Việt Phát tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội); dự án Cảng thủy nội địa Việt Phát tại xã Kim Liên, huyện Kim Thành (Hải Dương); toà nhà số 2 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Như vậy, những dự án trên cho thấy, quy mô hoạt động của VPG trong lĩnh vực bất động sản có độ bao phủ rất lớn.

Mặc dù nắm trong tay nhiều khu ‘đất vàng’, thế nhưng kết quả kinh doanh mảng bất động sản của VPG còn khiêm tốn.

VPG có khối lượng cổ phiếu đang lưu hành là 88,415,751 cp. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên gần đây là trên 283.000 đơn vị. Giá cổ phiếu VPG trong những phiên giao dịch gần đây quanh ở mức 13.000đ/cp.

Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin về chất lượng, sản phẩm thương hiệu VPG trong bài tiếp theo.

Minh An