Sau Tết Nguyên đán dịch tả châu Phi xuất hiện  tại Thanh Hóa, Hải Phòng và có nguy cơ lan rộng. Để phòng chống và ngăn chặn sự lây lan dịch tả lợn châu Phi, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) vừa ban hành công văn số 325/TCQLTT-CNV đề nghị Cục Quản lý thị trường các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tăng cường các biện pháp phòng, chống buôn lậu và vận chuyển, kinh doanh lợn, các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc.

Bùng phát dịch tả châu Phi: Phòng chống buôn lậu, kinh doanh lợn không rõ nguồn gốc - Hình 1

Dịch tả Châu Phi không lây sang người nhưng có thể chứa các vi khuẩn gây hại khác. (Ảnh minh họa)

Tổng cục Quản lý thị trường cũng yêu cầu các Cục Quản lý thị trường địa phương phối hợp với cơ quan liên quan trên địa bàn thuộc ngành nông nghiệp và y tế tăng cường kiểm tra việc vận chuyển, kinh doanh lợn, thịt lợn và sản phẩm từ lợn.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên và Thái Bình và các tỉnh lân cận cần chủ động phối hợp với cơ quan thực hiện chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, TP triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn, khống chế dịch tả lợn châu Phi trong tỉnh và lây lan sang các tỉnh khác.

Cục Y tế Dự phòng vừa phát đi thông báo bệnh tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus African swine fever virus (ASFV) gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, ở tất cả các loại lợn với tỉ lệ lợn chết cao, lên đến 100%. Bệnh lây truyền qua các đàn lợn thông qua việc tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh.

Thông báo cũng khẳng định dịch bệnh này không gây bệnh trên người do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.

Về phía cơ quan quản lý, để tránh nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi lây lan diện rộng, Cục Thú Y yêu cầu người dân không bán chạy lợn bệnh, nghi bệnh. Người kinh doanh không giết mổ vận chuyển lợn bệnh, nghi bệnh. Khi xuất hiện bệnh, cần báo cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y cơ sở để kịp thời tổ chức xử lý ổ dịch.

Hằng Vương