Cà phê Việt Nam đang dần khẳng định thương hiệu trên thế giới - Hình 1

Ông Lương Văn Tự cho biết ngành cà phê Việt Nam đang đẩy mạnh thương hiệu trên thế giới

Tại buổi gặp gỡ ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam cho biết: "Ngày hội cà phê lần thứ I năm 2017" sẽ chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc, chế biến, tiêu thụ cà phê; giới thiệu mô hình sản xuất, chế biến cà phê năng suất chất lượng cao. Đặc biệt, đây cũng là dịp giúp các doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường, quảng bá sản phẩm, ký kết hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, gặp gỡ giao lưu, mở rộng thị trường tiêu thụ cà phê của Việt Nam.

Hiện tại, ngành cà phê cũng đang phấn đấu hoàn thành 2 mục tiêu: Giữ vững vị trí thứ 2 về sản xuất và xuất khẩu cà phê nhân trên thế giới; Đẩy mạnh khâu chế biến cà phê rang xay, hòa tan, các sản phẩm khác đưa giá trị gia tăng và kim ngạch xuất khẩu đến năm 2030 lên khoảng 6 tỉ USD thay vì 3 tỉ USD như hiện nay.

“Nếu tốc độ đầu tư cho cà phê hòa tan và rang xay nhanh hơn thì thời gian đạt mục tiêu 6 tỷ USD có thể rút ngắn dưới 15 năm. Hiện nay có nhiều tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam vì Việt Nam có vùng nguyên liệu phong phú và cà phê Việt Nam xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế. Mới đây, Tập đoàn Tata của Ấn Độ đã đầu tư nhà máy cà phê hòa tan sản lượng 6.000 tấn, với vốn đầu tư 60 triệu USD…”, ông Tự cho biết.

Cà phê Việt Nam đang dần khẳng định thương hiệu trên thế giới - Hình 2

Ông Phạm S phát biểu tại buổi gặp gỡ báo chí

Cũng tại sự kiện ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, cà phê Việt Nam là một trong những ngành hàng quốc gia, có chất lượng cao và nổi trội trên thế giới. “Nhiều năm gần đây, cà phê Lâm Đồng được Tập đoàn UCC của Nhật Bản và Starbucks đặt mua”, ông S nói.

Cụ thể, ông Phạm S cho biết, Starbucks đã đặt hàng với các hợp tác xã cà phê tại Lâm Đồng để trồng cà phê Arabica. “Họ đặt hàng trước 2 tháng để tiến hành canh tác sản xuất đúng chuẩn yêu cầu quy trình mà Starbucks đặt ra. Theo đó, cà phê Arabica của Đà Lạt đã nằm trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu này”.

Cũng như nhiều năm gần đây, cà phê Lâm Đồng được Tập đoàn UCC của Nhật Bản đặt mua, tập đoàn UCC với hệ thống 24.000 cửa hàng trên toàn thế giới cũng đặt mua cà phê của Việt Nam để chế biến và bán trong chuỗi cửa hàng cà phê của họ. Toàn bộ các điểm dừng chân tại Nhật Bản đều có cà phê của UCC và đều bán cà phê Việt Nam.

Tuy nhiên, thương hiệu cà phê Việt Nam vẫn còn nhỏ bé và để nâng cao thương hiệu cho cà phê Việt Nam cần chú trọng nhiều hơn về xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh của một loại nông sản của một địa phương hay một quốc gia ra thị trường quốc tế rất quan trọng. Mới đây tỉnh Lâm Đồng đã đầu tư 500.000 USD, lớn nhất trong xây dựng thương hiệu của Việt Nam để xây dựng thương hiệu Đà Lạt, trong đó có cà phê Arabica.

Trong 30 năm qua, ngành cà phê Việt Nam đạt được kết quả tăng trưởng ngoạn mục. Năm 1991, sản lượng cà phê Việt Nam mới chỉ đạt 1% thị phần thế giới, nhưng đến niên vụ 2015-2016, Việt Nam đã chiếm gần 20% sản lượng của thế giới. Cà phê Việt Nam đang dần dần khẳng định thương hiệu ra toàn thế giới.

Thu Trang