Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), doanh số sản phẩm cá tra của Việt Nam đang tăng trưởng tại các thành phố lớn ở Trung Quốc thông qua các kênh trực tuyến và đặc biệt là sàn thương mại điện tử Alibaba.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, trước đây, Việt Nam chỉ xuất khẩu cá tra nguyên con tới một số tỉnh biên giới phía Nam Trung Quốc, nhưng hiện nay sản phẩm cá tra phi lê đã có mặt tại những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Đại Liên. Nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc sẽ còn cao hơn nữa.
Chế biến cá tra xuất khẩu
Trung Quốc đang nhanh chóng theo kịp EU với tư cách là nhà nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, khi nhập khẩu đạt gần 5 triệu tấn thủy sản năm 2018, theo Rabobank. “Cá tra là một sự lựa chọn thực sự tốt dành cho những khách hàng Trung Quốc những người đang tìm kiếm các sản phẩm cá thịt trắng phi lê” - ông Trương Đình Hòe cho biết.
Hiện tại, Việt Nam là nhà sản xuất cá tra lớn nhất thế giới, với sản lượng đạt 1,25 triệu tấn trong năm 2017 và tăng lên đến 1,33 triệu tấn trong năm 2018. Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, châu Âu đứng thứ 2 và Mỹ ở vị trí thứ 3.
Mới đây, cá tra nằm trong danh sách 33 mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc được miễn thuế nhập khẩu, điều này sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho sản phẩm cá tra Việt Nam tại thị trường này. Các dự báo cho thấy xu hướng tăng nhập khẩu cá tra và thực phẩm của Trung Quốc sẽ tăng để bù đấp nguồn cung thịt heo giảm mạnh. Với những triển vọng thị trường như vừa nêu, dự báo sẽ giúp giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL tăng trở lại trong thời gian sắp tới.
Hiện nay xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc ngày càng thuận tiện với chi phí rẻ. Hầu như các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản tại phía Nam đã chuyển từ vận chuyển đường bộ sang đường biển. So với xuất khẩu qua đường tiểu ngạch bằng đường bộ, xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển giúp các doanh nghiệp hạn chế rủi ro về thanh toán, chất lượng sản phẩm và tiết kiệm được chi phí.
Hằng Vương (t/h)