Theo báo cáo Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính tới ngày 18 tháng 3 năm 2019, cả nước đã có tổng cộng 18 tỉnh nhiễm dịch tả heo châu Phi, gồm Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Điện Biên, Hòa Bình, Hải Dương, Sơn La, Nghệ An. Trong đó, Bắc Ninh và Lạng Sơn là 2 địa phương vừa mới công bố dịch.
Nguyên nhân chủ yếu xuất hiện và bùng phát dịch bệnh là do buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán tăng. Lượng khách đi du lịch từ các nước qua đường bộ, đường hàng không và đường biển vào Việt Nam rất lớn, nhất là khách từ các nước Châu Á thường có thói quen mang theo thực phẩm có chứa thịt lợn nên có thể đưa mầm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam (tương tự như đã phát hiện tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan,...).Ngoài ra, phần lớn ngành chăn nuôi nước ta vẫn nhỏ lẻ, mật độ cao, khó hoặc không thực hiện đầy đủ, thường xuyên các biện pháp vệ sinh phòng bệnh dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh.
Chính phủ tăng cường biện pháp cấp bách ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi ở Việt Nam
Thời gian qua, các bộ ban ngành trên cả nước đã tập trung giải quyết dịch bệnh, ghi nhận công tác tổ chức triển khai nhiệm vụ phòng, chống bệnh dịch, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Ghi nhận công tác tổ chức triển khai nhiệm vụ phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi của Tổng cục Quản lý thị trường và lực lượng Quản lý thị trường các địa phương, đặc biệt là 16 tỉnh đã và đang xuất hiện dịch bệnh. Các hoạt động phối hợp giữa lực lượng Quản lý thị trường địa phương với các lực lượng chức năng trên địa bàn đã hỗ trợ và tạo điều kiện giúp các cơ quan chức năng trên địa bàn kiểm tra, phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm”.
Vụ thị trường trong nước
Phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Kế hoạch, Văn phòng Bộ và các đơn vị có liên quan kiểm soát, theo dõi sát nguồn cung lợn và sản phẩm từ lợn trên thị trường, tránh gây tác động giảm giá thịt lợn tiêu dùng trên thị trường nội địa, đặc biệt trong bối cảnh người dân đang có tâm lý hoang mang tẩy chay thịt lợn khi dịch bệnh bùng phát trên diện rộng; bám sát diễn biến cung cầu đối với lợn và sản phẩm từ lợn để chủ động có phương án hoặc đề xuất giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, tránh xảy ra tình trạng bất ổn tại thị trường trong nước.
Cục Xuất nhập khẩu.
Phối hợp với Tổng cục Hải quan và các đơn vị có liên quan theo dõi sát diễn biến tình hình nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn, đặc biệt là từ các quốc gia và vùng lãnh thổ đã phát hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi để thống nhất giải pháp kiểm soát nhập khẩu với các Bộ, ngành liên quan nhằm kịp thời ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh; đánh giá đầy đủ về tình hình dịch bệnh, tác động ảnh hưởng thị trường, nguy cơ lây lan qua biên giới và qua các hoạt động xuất nhập khẩu để đề xuất kịp thời với Lãnh đạo Bộ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương, phù hợp với các cam kết hội nhập của Việt Nam.
Nghiên cứu đánh giá quy mô, năng lực cũng như thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam đối với mặt hàng thịt lợn sang thị trường ngoài nước để có biện pháp kịp thời bảo vệ thương hiệu, hình ảnh sản phẩm thông qua kiểm soát về chất lượng nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường.
Văn phòng Bộ
Chủ động phối hợp với Tổng Cục Quản lý thị trường tổ chức tốt công tác thông tin tuyền thông về tình hình dịch bệnh cũng như các thông tin về phòng, ngừa, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, qua đó khuyến cáo người dân khi phát hiện các vụ việc kinh doanh, vận chuyển, giết mổ lợn mắc bệnh thì báo ngay với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng để kiểm tra, ngăn chặn kịp thời và tạo sự chia sẻ đồng thuận chung trong xã hội về hiệu quả công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi của ngành Công Thương.
Thường xuyên cập nhật thông tin cho các cơ quan báo chí, truyền thông để làm rõ hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường cũng như vai trò của ngành trong điều tiết cung cầu trên thị trường, qua đó giảm thiểu tác động đến ngành chăn nuôi trong nước cũng như cuộc sống của người dân.
Bộ Công Thương cũng đề ra nhiệm vụ, cùng với việc kiểm tra, kiểm soát lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh về các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, tác hại của việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm, tránh tiếp xúc, ăn thịt lợn mắc bệnh và nguy cơ lây lan dịch bệnh. Khuyến cáo người dân khi phát hiện các vụ việc kinh doanh, vận chuyển, giết mổ lợn mắc bệnh thì báo ngay với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng để kiểm tra, ngăn chặn kịp thời.
Trang Nguyễn