Hệ thống văn bản hướng dẫn cồng kềnh xuất phát từ quan điểm tiếp cận đa mục tiêu
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan bày tỏ thống nhất với quan điểm tiếp cận của Đoàn giám sát với liều lượng đánh giá thỏa đáng, đồng thời gợi mở nhiều điều để Ban Chỉ đạo Trung ương về 03 Chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và chỉ đạo điều hành triển khai thực hiện.
Cùng với đó, các ý kiến của các đại biểu Quốc hội với nhiều thống tin bổ ích, đã ghi nhận nhận đánh giá những kết quả đạt được trong thời gian qua, nhất là những thành tựu sau 05 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn ta được bạn bè quốc tế công nhận.
Trước một số tồn tại hạn chế đã được chỉ ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ thêm rằng đối với vấn đề như hệ thống văn bản hướng dẫn cồng kềnh xuất phát từ quan điểm tiếp cận đa mục tiêu, cùng với đó sự phối hợp trên dưới, ngang dọc chưa chặt chẽ, khi thiết kế chương trình phức tạp nhưng nguồn lực hạn chế. Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ còn nhiều việc phải làm để kiến nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương để cùng tháo gỡ.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn nêu ý kiến: Cần sớm sửa đổi, bổ sung bộ tiêu chí nông thôn mới đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Đại biểu cho biết, bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 tăng nhiều chỉ tiêu và yêu cầu cao hơn so với bộ tiêu chí giai đoạn trước. Việc duy trì nông thôn mới của các xã đã được công nhận nông thôn mới ở giai đoạn trước khi áp theo bộ tiêu chí ở giai đoạn này khó đạt được. Một số tiêu chí khó đánh giá ở thời điểm hiện tại như: tỷ lệ người có sức khỏe, tỷ lệ người dân có sổ sức khỏe điện tử và tham gia sử dụng ứng dụng khám, chữa bệnh từ xa, do điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, có nơi tỷ lệ sử dụng internet, điện thoại thông minh còn hạn chế.
Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu chưa phù hợp với tình hình thực tế như tỷ lệ nghèo đa chiều dưới 13%, trở thành bài toán thách thức với nhiều địa phương. Đại biểu cho rằng cần sớm tham mưu, sửa đổi bổ sung các tiêu chí, chỉ tiêu trong bộ tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng gặp khó khăn.
Đại biểu đề xuất cần ban hành bộ tiêu chí mang tính chất định hướng chung, xuyên suốt và dài hơi hơn, trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có những chỉ tiêu, tiêu chí không còn phù hợp với thực tiễn thì chỉ cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Phát biểu tranh luận với đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội, đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho biết: việc chậm giải ngân vốn năm 2022, 2023 có một số nguyên nhân, do việc phân bổ vốn, giao vốn ngân sách trung ương còn chậm, phương thức phân bổ vốn còn chưa thống nhất, có chương trình giao tổng vốn, lại có chương trình giao chi tiết đến từng nội dung thành phần cụ thể, chưa tạo sự chủ động của địa phương và khó khăn cho việc lồng ghép nguồn lực, tích hợp chính sách, phân bổ ngân sách Trung ương cho một số lĩnh vực chưa phù hợp.
Bên cạnh đó, việc lập kế hoạch 05 năm, kế hoạch hằng năm yêu cầu phải lập danh mục dự án, phân bổ vốn đến từng dự án thành phần, điều này cũng làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện, nếu không thống nhất thì phải điều chỉnh lại các chương trình, dự án, kế hoạch, làm kéo dài thời gian. Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của cả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia còn đang vướng mắc, một số chính sách chưa đi vào cuộc sống, dẫn đến giải ngân vốn hỗ trợ phát triển sản xuất nằm trong nhóm giải ngân thấp nhất trong 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Cần cơ chế đặc thù cho an sinh xã hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu sổ
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nghệ An nêu một số vướng mắc trong quá trình triển khai, như tiến độ giải ngân nguồn vốn của chương trình chậm, ban hành văn bản hướng dân chậm…Đại biểu nhấn mạnh, khó khăn vướng mắc lớn của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là việc làm và thu nhập ổn định trên mảnh đất quê hương, nhưng rất khó có doanh nghiệp nào bất chấp những rủi ro về địa hình, địa lý và thời tiết để có thể đáp ứng mong muốn của người dân địa phương.
Đại biểu đề nghị tập trung tháo gỡ các quy định liên quan đến khoán vào bảo vệ rừng, nâng mức hỗ trợ để thu hút sự quan tâm của người dân cũng như của doanh nghiệp và đưa nhà khoa học tham gia thực hiện dự án.
"Khó khăn lớn nhất là quá trình triển khai trên thực địa đến tận thôn, xóm, bản, hội, nhưng tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp. Đại biểu cho rằng, Chính phủ đánh giá thẳng thắn và đưa ra các giải pháp phù hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp trong thực hiện chương trình. Đồng thời, Chính phủ cần thiết phải thiết lập hệ thống đánh giá giám sát chương trình thực sự khách quan khoa học để có cơ sở dữ liệu đúng, xác thực tế và minh bạch", nữ đại biểu đoàn Nghệ An nói.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cũng đề nghị Chính phủ xem xét giao chung vốn sự nghiệp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ vốn đã được ban hành, không thực hiện giao theo lĩnh vực, theo dự án, tiểu dự án thành phần như hiện nay, để tạo sự chủ động linh hoạt cho các địa phương xem xét kinh phí thực hiện cho cấp huyện. Có cơ chế đặc thù ưu đãi trong tổ chức thực hiện các chương trình cho các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn theo hướng được tỷ lệ hỗ trợ cao hơn, để các địa phương này có thêm nguồn lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Luận, qua giám sát, khảo sát cho thấy nhiều văn bản hướng dẫn còn chung chung, chưa rõ ràng khó hiểu khó thực hiện không phù hợp thực tế. Việc dẫn chiếu quá nhiều trong một văn bản dẫn đến khó khăn, lúng túng cho cán bộ và người dân đặc biệt là cán bộ cấp xã ở các địa phương miền núi vùng cao địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành khẩn trương rà soát, sửa đổi bổ sung các chính sách các văn bản chỉ đạo hướng dẫn theo hướng chi tiết rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ áp dụng trong thực tiễn. Giải thích từ ngữ đầy đủ, hạn chế tối đa việc dẫn chiếu quá nhiều các văn bản trong cùng một nội dung. Đối với cấp xã nên ban hành dưới dạng Sổ tay hướng dẫn thực hiện; đồng thời bổ sung quy định cụ thể rõ ràng việc phối hợp lồng ghép giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia và giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình dự án khác để thuận lợi cho quá trình giải ngân các nguồn vốn, hạn chế việc chồng chéo trùng lắp vào địa bàn đối tượng nguồn vốn gây thất thoát lãng phí làm giảm hiệu quả của các chương trình.
Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của ba chương trình chưa được giải ngân hết chuyển sang tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31/12/2024.
PV (lược ghi)