Tài chính khó khăn
Với hơn 10.000 Doanh nghiệp đang hoạt động, là tỉnh có số lượng DN khá lớn, trong đó, 97% là DNNVV; có tới 98% thiếu chiến lược phát triển thương hiệu. Theo Sở KH&CN, tính đến quý II năm 2018, toàn tỉnh Nghệ An có hơn 636 nhãn hiệu, 53 kiểu dáng, 7 giải pháp hữu ích và 10 sáng chế được đăng ký và bảo hộ. Hoạt động đăng ký bảo hộ quyền SHCN còn quá ít so với hoạt động kinh tế của tỉnh; tỷ lệ đơn đăng ký, cấp văn bằng bảo hộ quyền SHCN của tỉnh Nghệ An so với cả nước còn thấp, chỉ bằng 0,46%.
Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) – Chi nhánh Nghệ An tổ chức điều tra nhu cầu của DN trên địa bàn về vấn đề đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, kết quả cho thấy chỉ có 16,4% doanh nghiệp đã đăng ký nhãn hiệu, 4,9% DN cho biết đang tìm hiểu, 50,4% doanh nghiệp chưa đăng ký sản phẩm, dịch vụ, 11,7% DN trả lời chưa có nhu cầu, chưa quan tâm và chưa có ý định đăng ký…
Nhiều DNNVV gặp khó khăn về tài chính, thị trường tiêu thụ
Theo tìm hiểu, phần lớn các DN đang gặp nhiều khó khăn về tài chính, thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trong bối cảnh ngày càng có nhiều sản phẩm ngoại có thương hiệu tràn ngập thị trường trong xu thế NTD đang có xu hướng lựa chọn sản phẩm có thương hiệu, hoặc giá rẻ.
Sở Công thương Nghệ An cho biết, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều chương trình hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho DN trong việc triển khai chiến lược xây dựng, phát triển thương hiệu của mình. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những hạn chế. Ngày 27/8/2015, UBND tỉnh đã ban hành QĐ số 46/2015/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh, xây dựng và phát triển thương hiệu giai đoạn 2016 - 2020.
Theo đó, sẽ có nhiều nội dung hỗ trợ DN xây dựng và phát triển thương hiệu với kinh phí dự kiến khoảng 20 tỷ đồng, trong đó DN tham gia đóng góp khoảng 13,9 tỷ đồng (69,5%), Nhà nước hỗ trợ 6,1 tỷ đồng (30,5%), trung bình mỗi năm là 1,220 tỷ đồng để hỗ trợ tổ chức tập huấn cho khoảng 200 - 300 học viên, hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu cho 4 - 6 DN/năm.
Yêu cầu bức thiết
Những bất cập đó cho thấy áp lực trước hội nhập là rất lớn. Vì thế, việc xây dựng một thương hiệu lớn mạnh, đứng vững trong cuộc cạnh tranh thị trường hiện nay là hết sức cần thiết.
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch HĐQT - Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Nghệ An: Việc xây dựng và quảng bá thương hiệu các sản phẩm trong một thị trường cạnh tranh là yêu cầu thiết yếu, vô cùng quan trọng đối với việc khẳng định các giá trị DN và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, việc tham gia thực hiện các thỏa thuận thương mại tự do thì yêu cầu đối với việc phát triển thương hiệu trong một thị trường cạnh tranh gay gắt như vậy càng trở nên cấp thiết.
Vấn đề thương hiệu đang được các DN quan tâm, chú ý và bàn đến nhiều, ngay cả với các DNNVV. Người ta nói đến thương hiệu như là một yếu tố sống còn đối với DN, đặc biệt trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực ngày càng sâu rộng. Thương hiệu được coi là một tài sản vô hình, rất có giá của DN. Thương hiệu là dấu hiệu để NTD lựa chọn hàng hóa và dịch vụ của DN trong muôn vàn hàng hóa cùng loại.
Ông Hoàng Đức Lâm - Giám đốc Công ty Hoàng Nguyên nhìn nhận: Thương hiệu uy tín sẽ giúp người tiêu dùng lựa chọn tin dùng sản phẩm của doanh nghiệp trước sự đa dạng hàng hóa như hiện nay. Chính vì vậy, việc xây dựng và phát triển thương hiệu không chỉ dành cho các công ty lớn, mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn phát triển thành công, bền vững cần thiết ưu tiên xây dựng thương hiệu uy tín, coi trọng lợi ích của khách hàng, cùng với đó là các cách thức xây dựng hình ảnh, chú trọng truyền thông, lan tỏa thương hiệu.
Thương hiệu góp phần duy trì và mở rộng thị trường cho DN, nâng cao văn minh thương mại và chống cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN. Trong xu thế hội nhập, việc xây dựng và phát triển thương hiệu - sẽ giúp các DN được nhiều đối tác biết đến và bán được nhiều sản phẩm với giá cạnh tranh.
Mạnh Hùng