1. Các hình thức hoạt động của sàn thương mại điện tử hiện nay?

Căn cứ khoản 9 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, sàn giao dịch thương mại điện tử là website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.

Căn cứ khoản 2 Điều 35 Nghị định 52/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 15 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP), các hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử bao gồm:

(i) Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ.

(ii) Website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng.

(iii) Website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ.

(iv) Mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động tại mục (i), (ii), (iii) và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó.

Lưu ý:

Sàn giao dịch thương mại điện tử trong Nghị định 52/2013/NĐ-CP không bao gồm các website giao dịch chứng khoán trực tuyến.

Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn [cập nhật ngày 29/08/2024]

sàn thương mại điện tử

Các hình thức hoạt động của sàn thương mại điện tử hiện nay (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)

2. Trách nhiệm của người bán trên sàn thương mại điện tử?

Căn cứ Điều 37 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, trách nhiệm của người bán trên sàn thương mại điện tử như sau:

(i) Cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin quy định tại Điều 29 Nghị định 52/2013/NĐ-CP cho thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử khi đăng ký sử dụng dịch vụ.

(ii) Cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định từ Điều 30 đến Điều 34 Nghị định 52/2013/NĐ-CP khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

(iii) Đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

(iv) Thực hiện các quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định 52/2013/NĐ-CP khi ứng dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

(v) Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử.

(vi) Tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

(vii) Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.

3. Giả mạo thông tin thông báo trên website thương mại điện tử bán hàng doanh nghiệp bị xử phạt như thế nào?

Căn cứ điểm d khoản 3 Điều 62 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, quy định mức xử phạt đối với hành vi giả mạo thông tin thông báo trên website thương mại điện tử.

Hành vi vi phạm về thiết lập website thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động (gọi tắt là ứng dụng di động)

…..

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

d) Giả mạo thông tin thông báo trên website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng.

Do đó, hành vi giả mạo thông tin thông báo trên website thương mại điện tử bán hàng sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Ngoài ra còn đình chỉ hoạt động thương mại điện tử từ 06 - 12 tháng (theo khoản 5 Điều 62 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Điểm đ Khoản 33 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP).

Lưu ý: Mức phạt tiền trên chỉ áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức thì mức phạt đối thì gấp 02 lần mức phạt đối với cá nhân (theo Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP).

Như vậy, doanh nghiệp có hành vi giả mạo thông tin thông báo trên website thương mại điện tử bán hàng sẽ bị phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng. Ngoài ra còn đình chỉ hoạt động thương mại điện tử từ 06 - 12 tháng.

T. Hương (Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/)