Cụ thể, theo VNNIC từ đầu năm 2024 đến nay, có 12.838 tên miền được phát hiện sử dụng vào các hành vi phạm pháp trong đó 2.500 tên miền ".vn" (chiếm 19%) còn lại là tên miền quốc tế. Các tên miền này được sử dụng để lừa đảo và đăng nội dung bất hợp pháp.

“Trong khoảng 7.400 tên miền được dùng vào hình thức lừa đảo có 22% là tên miền trong nước. Do thấy đuôi"vn", nhiều nạn nhân chủ quan, tin tưởng làm theo lời dụ dỗ của kẻ lừa đảo dẫn tới thiệt hại hàng tỷ đồng”, phía VNNIC cho hay.

Ngoài ra, với việc đăng tải thông tin vi phạm, thì trong 5.400 tên miền dùng vào mục đích này có 16% là tên miền ".vn". Theo đó, các đối tượng tạo website dưới dạng trang thông tin điện tử, mạng xã hội không phép, quảng cáo game không phép hoặc trái thuần phong mỹ tục, giao dịch tiền ảo, cho vay...

VNNIC khuyến nghị, người dân, doanh nghiệp cần cảnh giác với các website, email có đuôi là tên miền quốc tế .com, .net, .vip, .cc. Ảnh minh họa.
VNNIC khuyến nghị, người dân, doanh nghiệp cần cảnh giác với các website, email có đuôi là tên miền quốc tế .com, .net, .vip, .cc. Ảnh minh họa.

Do vậy, theo VNNIC khuyến nghị, người dân, doanh nghiệp cần cảnh giác với các website, email có đuôi là tên miền quốc tế .com, .net, .vip, .cc. Khi nghi ngờ, có thể tra cứu thông tin website và tên miền qua hệ thống tracuutenmien.gov.vn để phát hiện trang có dấu hiệu lừa đảo.

Theo báo cáo của VNNIC (từ tháng 1/2021 - 10/2024), có khoảng 12.838 tên miền bị lạm dụng, được sử dụng để vi phạm; các tên miền quốc tế có tỷ lệ lạm dụng cao 81% (10.377/12.838), tỷ lệ lạm dụng tên miền “.vn” là 19%. Vi phạm tập trung dưới các hình thức:

Lừa đảo (Web, email) chiếm 58% (7.436/12.838), trong đó tên miền quốc tế chiếm 78% (5.836/7.436) và 22% (1.600/7.436) tên miền “.vn”. Các hình thức lừa đảo chủ yếu là: sử dụng trang web giả mạo, gần giống với thương hiệu lớn (www-google.com, httpgoogle.com), giả mạo cơ quan nhà nước (dichvucongquocgia.vn.vn.com, dulieudancu.com …); Lừa đảo qua các ứng dụng mạng xã hội (facebook, telegram, zalo …). Lừa đảo qua email (spam), gửi email, kèm đường dẫn tới URL giả mạo.

Nội dung bất hợp pháp chiếm 42% (5.402/12.838), trong đó, tên miền quốc tế 4.541/5.402 (84%) và 861/5.402 (16%) tên miền “.vn”; được sử dụng để thiết lập trang thông tin điện tử, mạng xã hội không phép; quảng cáo game không phép; nhạy cảm thuần phong mỹ tục; giao dịch tiền ảo, ngoại hối; hoạt động cho vay, ứng dụng (app) vay.

Trong tổng số các tên miền quốc tế xuyên biên giới bị lạm dụng tại Việt Nam, chủ yếu đăng ký trực tiếp qua các nhà đăng ký có trụ sở tại Mỹ như: GoDaddy, Namecheap, Namesilo; Tập trung dưới các đuôi như: .com - 58,3%, .net - 5,7%, .vip - 2,5%, .me - 2,2%, .org - 2,2%, .cc - 2,2%.

Trước đó, ngày 21/10/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 1811/QĐ-BTTTT phê duyệt “Kế hoạch tăng cường công tác quản lý, giảm thiểu lạm dụng tên miền để vi phạm pháp luật", trong đó, đặt mục tiêu giảm thiểu lạm dụng tên miền, đặc biệt là tên miền quốc tế và tên miền quốc tế xuyên biên giới; phòng chống, ngăn chặn, cảnh báo và xử lý các website, tên miền bị lạm dụng để lừa đảo, vi phạm pháp luật trên mạng Internet Việt Nam.

Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định tăng cường thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về tên miền, website an toàn, tin cậy thông qua chương trình phổ cập tên miền quốc gia “.vn” - nhận diện, an toàn, tin cậy.

Nhằm đạt được các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định các giải pháp trọng tâm…

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, trong thời gian tới, sẽ chỉ đạo VNNIC chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, gồm: Cục An toàn thông tin, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Báo chí, Thanh tra Bộ để triển khai hiệu quả “Kế hoạch tăng cường công tác quản lý, giảm thiểu lạm dụng tên miền để vi phạm pháp luật”; xử lý, ngăn chặn vi phạm, lừa đảo sử dụng tên miền, tên miền quốc tế, tên miền quốc tế xuyên biên giới; từ đó bảo vệ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên Internet Việt Nam.

Tuấn Ngọc (t/h)