Say nắng, say nóng là hiện tượng thường gặp trong mùa nắng nóng, không chỉ biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu… nặng hơn nữa thì co giật, hôn mê, đột quỵ. Nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn tới di chứng thần kinh không hồi phục hoặc có thể tử vong.

Cách phát hiện và phòng tránh say nắng, say nóng vào mùa hè - Hình 1

Ảnh minh họa

Say nắng: Hay còn gọi là sốc nhiệt là khi lao động hoặc đi quá lâu ngoài trời nắng, nhiều tia nắng chiếu váo gáy, dưới tác dụng của ánh sáng mặt trời, trung tâm điều hòa thân nhiệt có thể bị chấn động làm rối loạn điều hòa thân nhiệt cùng với hiện tượng mất nước cấp của cơ thể.

Say nóng: Là tình trạng mất nước toàn cơ thể kèm theo rối loạn điều hòa thân nhiệt do cơ thể không thích ứng với thời tiết xung quanh khi nhiệt độ ngoài trời quá cao, cùng với việc phơi mình dưới ánh nắng mặt trời hoặc làm việc dưới môi trường nóng bức như hầm lò, phòng kín kém thông khí, hoặc hoạt động thể lực quá sức ở người trẻ như chơi thể thao ở cường độ cao, làm việc nặng nhọc kéo dài… sẽ dẫn tới hiện tượng lượng nhiệt sinh ra và hấp thu quá lớn so với lượng nhiệt tỏa ra môi trường xung quanh.

Nguyên nhân:

- Tập luyện và lao động trong môi trường nóng

- Không có điều hoà hoặc thông khí

- Mặc quần áo không phù hợp (quá dầy, bí, không thấm nước)

- Thiếu sự thích nghi với khí hậu

- Không uống nước, môi trường quá nóng

- Dùng một số loại thuốc làm giảm tiết mồ hôi: chẹn beta, kháng cholinergic, lợi tiểu, Ethanol, kháng histamine. 

- Một số tình trạng bệnh lý: bỏng rộng, rối loạn nội tiết, sốt…

- Tuổi quá cao hoặc quá nhỏ 

Triệu chứng thường gặp:

- Triệu chứng đặc trưng là thân nhiệt tăng cao trên 40,5 độ C là dấu hiệu đầu tiên.

- Đau nhói đầu.

- Chóng mặt, choáng váng.

- Không ra mồ hôi.

- Da đỏ, nóng và khô.

- Yếu cơ, chuột rút.

- Buồn nôn, nôn.

- Nhịp tim nhanh.

- Thở nhanh nóng.

- Thay đổi hành vi như lú lẫn, mất phương hướng.

- Co giật, hôn mê.

Sơ cứu ban đầu:

- Đưa bệnh nhân tới nơi có chỗ râm mát và cởi bỏ quần áo không cần thiết.

- Quạt và làm ướt da bệnh nhân bằng khăn ướt hoặc vòi nước.

- Áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ và lưng bệnh nhân. Do các khu vực này có nhiều mạch máu gần với da cho nên việc làm lạnh chúng có thể làm giảm được nhiệt độ cơ thể.

- Nhúng bệnh nhân vào vòi hoa sen hoặc bồn tắm có nước mát, hoặc bồn tắm nước đá.

- Cho uống nước đường nhạt và pha thêm chút muối.

- Tiếp tục theo dõi trong vòng 24h tại cơ sở y tế để được thăm khám và chỉ định dùng thuôca của bác sỹ.

Cách phòng tránh:

- Khi nhiệt độ ngoài trời quá cao tốt nhất là ở trong môi trường điều hòa, nếu đi ra ngoài có thể thực hiện các bước sau:

+ Không làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc môi trường nóng bức, hoặc hoạt động thể lực quá sức.

+ Uống nước đầy đủ khi trời nắng nóng hoặc lao động nặng.

+ Luôn trang bị thiết bị bảo hộ lao động như mũ, nón, quần áo bảo hộ lao động.

+ Làm thoáng môi trường làm việc, đặc biệt là hầm lò.

- Nên sử dụng một số thực phẩm phòng, chống say nắng, say nóng hiệu quả như sau:

+ Nước dừa, được mệnh danh là siêu thực phẩm với nhiều chất dinh dưỡng như kali, magie, muối, đường tự nhiên… giúp cơ thể bớt háo nước, vừa giải nhiệt, chống nắng.

+ Dưa hấu có nhiều chất dinh dưỡng, vitamin C chống say nắng tốt.

+ Xoài xanh nhiều vitamin C làm tăng hệ miễn dịch phòng cảm lạnh.

+ Ngoài ra còn một số khác như mướp đắng, củ hành, dưa chuột, bí ngô…

Huy Trung (Tổng hợp)