Mùa nóng là mùa mà nhiều căn bệnh nguy hiểm hoành hành. Tìm hiểu và phòng tránh cho cơ thể trước nguy cơ là bước đầu giúp bạn trải qua mùa hè này một cách khỏe mạnh nhất!

Đột quỵ

Thời tiết nắng nóng là yếu tố thuận lợi làm gia tăng đột quỵ. Bên cạnh đó, thời tiết nóng bức sẽ gây căng thẳng, khó chịu, người bệnh quên uống thuốc, ngại đi khám..., dễ khiến bệnh tăng nặng. Đặc biệt, đột quỵ không phải chỉ gặp ở người già, nhiều bệnh nhân trẻ tuổi cũng mắc phải, nhất là những người không kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ.

Bệnh nhân đột quỵ do nắng nóng có một số triệu chứng như nhiệt độ cơ thể có thể lên 40 độ C, ngất xỉu hoặc đau đầu, chóng mặt, choáng váng, không có mồ hôi dù cơ thể rất nóng. Da bệnh nhân đỏ, nóng và khô, chuột rút, tê người, buồn nôn, nhịp tim nhanh, thở nông, thay đổi hành vi như rối loạn, mất phương hướng, phát cơn động kinh,...

Để phòng bệnh, khi nhiệt độ ngoài trời cao, người cao tuổi nên hạn chế ra ngoài trời vào những lúc nắng gắt. Người có bệnh tim mạch, dùng máy điều hòa chỉ khống chế nhiệt độ ở khoảng 27 độ C, chênh lệch trong và ngoài phòng không nên được vượt quá 7 độ C.

Ngoài ra, người dân cần phải chú ý thường xuyên bổ sung nước, đề phòng máu tăng đặc dẫn tới hình thành huyết khối (cục máu đông), tập thói quen không khát cũng phải uống đủ nước.

Các chuyên gia khuyến cáo mọi người thường muốn uống rượu, bia để giải nhiệt nhưng điều này hoàn toàn sai lầm. Khi nắng nóng, bạn nên hạn chế rượu bia hoặc cà phê bởi các chất cồn và caffein sẽ làm bạn bị mất nước, dễ bị đột quỵ hơn. 

Bệnh viêm họng

Nhiều người nghĩ rằng, mùa đông, trời lạnh, nguy cơ viêm họng cao, còn mùa hè thì khả năng bị viêm họng là thấp. Tuy nhiên, thực tế, bạn vẫn có nguy cơ cao bị viêm họng trong mùa hè. Viêm họng có thể do môi trường ô nhiễm, do uống nước lạnh kết hợp với thức ăn ướp muối khiến cổ họng bị ngứa rồi viêm. Ngoài ra, viêm amidan cũng là nguyên nhân gây ngứa họng và ho.

Vào mùa hè, những nguyên nhân chính gây ra viêm họng bao gồm: ăn uống thực phẩm lạnh, nằm điều hòa, quạt ở nhiệt độ quá thấp hoặc chiếu thẳng vào người, cơ thể thiếu nước... Hầu hết trường hợp bị viêm họng trong mùa hè là viêm họng cấp. Viêm họng cấp nếu không được điều trị rất dễ gây biến chứng như viêm amidan, viêm tai, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm hạch mủ, VA quá phát (ở trẻ nhỏ) và nguy hiểm nhất là có thể gây nhiễm khuẩn huyết.

Khi bị viêm, bắt buộc chúng ta phải dùng kháng sinh nhưng kháng sinh cũng gây hại cho sức khoẻ và nếu dùng lâu, dùng nhiều cũng gây lờn thuốc. Vậy nên cách tốt nhất là bảo vệ họng không bị viêm.

Thận trọng với các bệnh nguy hiểm trong mùa nắng nóng - Hình 1

Người dân khi đi ngoài đường cần phải mặc áo khoác, đeo khẩu trang để đối phó với nắng nóng

Sảng nhiệt

Khi tiếp xúc với ánh nắng từ 10-50 phút, cơ thể sẽ xảy ra các xáo trộn như mất nước, rối loạn điện giải, rối loạn tuần hoàn. Các triệu chứng thường gặp là hoa mắt, chóng mặt, ngất xỉu, thậm chí có thể gây tổn thương não.

Trong trường hợp xấu nhất như sốc nhiệt, đột quỵ có thể gây ngừng tuần hoàn, người dân phải tiến hành cấp cứu bằng cách hà hơi, ép tim trong suốt quá trình đợi xe cấp cứu, đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Cấp cứu đúng cách sẽ tăng cơ hội sống cho người bệnh.

Bệnh thiếu khí (Ra mồ hôi bất thường)

Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cơ thể tăng khiến cho chúng ta dễ bị ra mồ hôi mỗi khi hoạt động, vận động, nhất là vận động nhiều. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tình trạng ra mồ hôi cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị bệnh nào đó.

Nếu bạn thường xuyên ra nhiều mồ hôi trong khi chỉ hoạt động nhẹ thì rất có thể là do cơ thể yếu, ăn uống kém dinh dưỡng do thiếu khí. Nếu lòng bàn tay ra nhiều mồ hôi, kèm theo hiện tượng đau bụng, đầy hơi, táo bón, phần lớn là mắc bệnh liên quan đến đường ruột. Nếu mồ hôi ra nhiều ở tay kèm theo triệu chứng khô miệng, răng sưng đau, phần lớn là do nhiệt dạ dày và bạn cần ăn nhiều thực phẩm mang tính lạnh như: đậu phụ, đỗ xanh, mướp đắng, cải thảo, rau cần, chuối… 

Trong trường hợp bạn ra nhiều mồ hôi ở trán, đầu kèm theo hiện tượng chướng bụng, khát nước, không muốn ăn... thì bạn cần uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh thanh đạm vì có thể bạn đang bị thừa đạm. Còn nếu ra nhiều mồ hôi kèm theo hiện tượng thể lực yếu, dạ dày khó chịu, buồn nôn, cơ thể phát nhiệt, lưỡi dày, vàng... thì cần tuyệt đối tránh đồ ăn có vị cay, nóng.

Hằng Vương (t/h)