Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, hoạt động xây dựng rất quan trọng và liên quan đến nhiều đơn vị, cơ quan chức năng. Đồng thời, chịu sự quản lý của nhiều cấp, ngành nên thủ tục, quy định có nhiều phức tạp.

Điều tra doanh nghiệp của VCCI cho thấy, cải cách hành chính nếu xét riêng trên từng lĩnh vực thì cơ bản đã có những thay đổi tích cực. Tuy nhiên, những phản ánh của các doanh nghiệp qua những cuộc điều tra, khảo sát và hội nghị do VCCI tiến hành cũng như qua nhiều kênh khác cho thấy, hiện nay, các vướng mắc của doanh nghiệp khi triển khai dự án liên quan tới nhiều lĩnh vực thủ tục hành chính là rất lớn, mà điển hình là những dự án có công trình xây dựng.

Với những dự án như vậy, các doanh nghiệp, nhà đầu tư phải tiến hành các thủ tục hành chính ở nhiều cơ quan quản lý Nhà nước khác nhau, ở nhiều cấp khác nhau, liên quan tới nhiều công đoạn từ phê duyệt chủ trương đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng, khởi công...cho tới khi đưa công trình vào sử dụng.

Những chồng lấn, xung đột trong pháp luật về quy trình thủ tục, hồ sơ, thẩm quyền....đã gây ra nhiều tốn kém về thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Bản thân các cơ quan chính quyền cũng rất lúng túng trong áp dụng pháp luật và phải đối mặt với nhiều rủi ro pháp lý trong thời gian gần đây.

Đại diện Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, việc trao đổi ý kiến và tiếp nhận thông tin phản hồi từ người dân, từ doanh nghiệp về các chủ trương, chính sách và các quy định, các thủ tục hành chính là rất quan trọng. Nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cắt giảm nhiều thủ tục hành chính hơn nữa, chính là lý do để các cơ quan nghiên cứu tổ chức việc rà soát, thu thập ý kiến phản hồi từ cơ sở.

Hội thảo Thủ tục hành chính liên ngành về cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan: Dưới góc nhìn của doanh nghiệpHội thảo Thủ tục hành chính liên ngành về cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan: Dưới góc nhìn của doanh nghiệp

Hiện nay, chỉ số cấp phép xây dựng năm 2019 được xếp hạng cao nhất trong 10 chỉ số quan trọng nhất của Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của các đia phương; được tiến hành điều tra công khai và định kỳ công bố tới công luận.

Giới thiệu chi tiết về công trình nghiên cứu, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế (VCCI) cho biết, để thực hiện nghiên cứu này, một khảo sát toàn quốc đã được tiến hành và thu được phản hồi từ khoảng 10.000 doanh nghiệp; trong đó, xấp xỉ 2.100 doanh nghiệp (gồm 82% doanh nghiệp trong nước và 18% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) có hoạt động xây dựng mới hoặc cải tạo công trình, nhà xưởng trong vòng 2 năm gần đây.-

Do các thủ tục hành chính liên quan tới công trình xây dựng rất đa dạng về số lượng và liên quan tới nhiều cấp chính quyền địa phương nên báo cáo đã lựa chọn ra 13 thủ tục hành chính để đánh giá. Đó là, quyết định chủ trương đầu tư; các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng; các thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy; thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường; thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng; kết nối cấp điện; cấp, thoát nước; thanh tra, kiểm tra về xây dựng; thanh tra, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy; kiểm tra, xác nhận công trình bảo vệ môi trường và đăng ký giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng.

Bởi giấy phép xây dựng là một trong những văn bản quan trọng nhất trong hồ sơ một dự án đầu tư xây dựng nên báo cáo cũng cung cấp một phân tích sâu về khía cạnh chi phí, thời gian của doanh nghiệp khi hoàn thiện các thủ tục trước và trong quá trình xin cấp phép xây dựng.

Nghiên cứu có một số phát hiện đáng chú ý như: trải nghiệm của doanh nghiệp là khác biệt với các nhóm thủ tục hành chính; việc thanh tra, kiểm tra về xây dựng còn tạo gánh nặng cho doanh nghiệp với khoảng 38,2% doanh nghiệp chưa hài lòng với hoạt động này của các cơ quan Nhà nước; trải nghiệm của các doanh nghiệp dân doanh kém tích cực hơn đáng kể so với các doanh nghiệp FDI; doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ là nhóm cảm thấy các trở ngại là rõ ràng nhất...

Đa số doanh nghiệp đánh giá tích cực về quá trình chuẩn bị hồ sơ, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cấp phép xây dựng. Trong khi đó, chi phí không chính thức là vấn đề gây phiền hà hàng đầu cho doanh nghiệp. Thời gian giải quyết thủ tục cần phải được rút ngắn hơn nữa. Còn 25% doanh nghiệp cho rằng, vẫn thiếu tiếp cận với những hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính. Thái độ của cán bộ giải quyết hồ sơ và tính phức tạp của quy định pháp luật trong lĩnh vực xây dựng có thể là nguyên nhân gây ra các trở ngại...

Dựa trên các phân tích trên của nhóm nghiên cứu, ông Đậu Anh Tuấn kiến nghị, để giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật về xây dựng và các lĩnh vực có liên quan. Cùng đó, xây dựng cơ chế phối hợp để giải quyết đồng thời các thủ tục hành chính; nghiên cứu giảm thời gian thực hiện với các thủ tục thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy, cấp giấy phép xây dựng, kết nối cấp điện, cấp nước, đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất và nghiên cứu cơ chế xã hội hóa một số khâu trong quy trình giải quyết các dự án đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, để giảm thiểu chi phí không chính thức, ông Tuấn đề xuất thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ và phát triển rộng rãi các hình thức thanh toán trực tuyến cấp độ 4 cho thủ tục hành chính để doanh nghiệp có thể thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế nhũng nhiễu, gây phiền hà khi doanh nghiệp phải gặp trực tiếp cán bộ giải quyết thủ tục.

Để tăng tính minh bạch và liêm chính trong công tác tiếp nhận, xử lý hồ sơ, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất tăng cường và nâng cao chất lượng ứng dụng thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính và việc theo dõi tiến độ giải quyết thủ tục, đánh giá công khai các cán bộ xử lý hồ sơ cũng cần được tiến hành....

Trúc Mai