Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Cải cách thể chế: Mệnh lệnh sống còn

Bàn về hành trang của Việt Nam trong hội nhập, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh: “Trước hết về th

THCL Bàn về hành trang của Việt Nam trong hội nhập, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh: “Trước hết về thể chế, chúng ta cần phải hoạch định - sửa tiếp trong thời gian tới để làm sao tạo môi trường thuận lợi cho các DN nội phát triển”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Năm 2015 đã khép lại với nhiều cơ hội mới khi đất nước chính thức bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Để thành công trong tiến trình đó, theo bà, Việt Nam cần những gì?

Trong hội nhập, vai trò của Nhà nước đặc biệt quan trọng, trong đó cần thực hiện tốt trước mắt là cải cách thể chế. Thể chế của chúng ta vẫn còn nhiều khác biệt đối với các nước ASEAN, môi trường kinh doanh trong nước vẫn còn nhiều bất lợi so với các nước này. Xưa nay, chúng ta vẫn có nhiều ưu đãi đối với DNNN, nhiều ưu đãi cho DN nước ngoài và quan niệm rằng hội nhập sẽ thúc đẩy được xuất khẩu, thu hút được FDI. Nhưng thử hỏi: Xuất khẩu hiện nay là 70% FDI, thu hút FDI tất nhiên là phần của họ rồi, như vậy còn cái gì đây để DN Việt Nam làm?

Cho nên, về thể chế, chúng ta cần phải hoạch định, cần phải sửa tiếp trong thời gian tới để làm sao tạo môi trường thuận lợi cho các DN nội phát triển. Nói cho cùng, không quốc gia nào phát triển được nếu chỉ nhờ đầu tư nước ngoài. Nếu DN trong nước èo uột, cứ bị suy giảm như trong thời gian vừa qua và đang giảm rất mạnh cả về tinh thần kinh doanh nữa thì đất nước khó phát triển được về lâu về dài, mặc dù có báo cáo tăng trưởng xuất khẩu, tăng trưởng FDI - tăng trưởng GDP.

Không phủ nhận, Chính phủ Việt Nam có nhiều nỗ lực trong cải cách thể chế. Tuy nhiên, vì sao đây vẫn luôn là trở ngại lớn nhất đối với DN?

Trong quá trình hội nhập, cải cách thể chế - rất cần Nhà nước tiến hành, song phải đồng thời làm ở các cấp khác nữa, các bộ, ngành, các địa phương phải nhất quán thực hiện.

2 năm qua, Thủ tướng đưa ra Nghị quyết 19 về nâng cao môi trường kinh doanh tạo khả năng cạnh tranh cho DN. Trong đó, một cách tiếp cận rất mới và rất rõ đó là lấy chuẩn các nước ASEAN để so sánh với Việt Nam, nỗ lực để Việt Nam đạt được môi trường kinh doanh càng ngày càng tốt hơn và sánh với các nước ASEAN 6 và tiến tới ASEAN 4. Nhưng cho đến bây giờ, sự định hướng của các bộ, ngành, các địa phương vẫn còn hạn chế. Đơn giản như báo cáo Chính phủ việc đã thực hiện những gì Chính phủ đã giao để có thể cải thiện môi trường kinh doanh, nhiều địa phương còn chưa làm. Mới đây, tại Hội thảo ở Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, chỉ có 3 bộ, ngành, vài địa phương báo cáo, còn những nơi khác, không có gì để báo cáo nên họ không báo cáo Chính phủ. Nếu các cấp cơ quan mà thờ ơ không thực hiện như vậy, thì làm sao tạo môi trường kinh doanh cho các DN Việt Nam phát triển và cạnh tranh được trong hội nhập?

Cứ hô hào DN cần chủ động nắm bắt thông tin, tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh trong hội nhập… Trong khi đó, nếu cả Nhà nước, các bộ/ngành không thật sự quan tâm và không thật sự hành động, đừng hy vọng có thể tham gia hội nhập! Cho nên, đừng trách DN là thờ ơ, không quan tâm hoặc chưa chuẩn bị, hãy nhìn lại chính các cơ quan chức năng trước.

Có ý kiến cho rằng, hiện nay, vai trò của các hiệp hội rất mờ nhạt dẫn tới các DN khó có thể tiếp cận được thông tin về hội nhập. Ý kiến của bà về vấn đề này?

Vai trò của các hiệp hội vẫn còn mờ nhạt, chưa tương ứng với nhu cầu của DN hoặc là với vị trí đáng lẽ họ phải có trong phát triển của DN Việt Nam. Về nguyên nhân, chúng ta cũng thấy rõ mấy điều.

Thứ nhất, cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có các luật về hiệp hội. Các hiệp hội hình thành hoạt động, chủ yếu theo nghị định của Chính phủ. Vì vậy, có sự hạn chế nhất định và có cái chưa tương đồng (thiếu những điều chuẩn chung) giữa các hiệp hội với nhau. Khi nào có được một cơ sở pháp lý tốt nhất là bằng luật, các hiệp hội và DN sẽ hoạt động tốt hơn, đồng thời DN mới có tiếng nói và chủ động hơn. Bây giờ, nhiều hiệp hội hình thành, nhưng đã thực sự phục vụ đông đảo hội viên của mình hay chưa - điều này tôi còn nghi ngờ, vì có những hiệp hội vẫn còn bị chi phối bởi một số đại gia trong hiệp hội, chứ không phải phục vụ đông đảo hội viên trong hiệp hội. Như vậy, khi nào mọi yêu cầu của đại gia được đáp ứng rồi, họ coi như hoàn thành nhiệm vụ.

Thứ hai, theo xu hướng của Việt Nam sau này, các hiệp hội bị hành chính hóa, kể cả cách thức của họ là đưa các vị quan chức về hưu tham gia hiệp hội, những vị đó công bằng mà nói, có những người làm tốt, song cũng có không ít người mang cung cách của một “ông quan”, một công chức về làm việc hiệp hội. Họ không hiểu DN, không hiểu các vấn đề về môi trường kinh doanh và khi DN cần đề xuất gì hay cần thay đổi những chính sách, cần tháo gỡ những vướng mắc… lại không giải quyết được. Thậm chí, có khi, chính những người lãnh đạo hiệp hội lại là tác giả của những vướng mắc cho những DN.

Ngoài ra, còn một số xu hướng khác về hành chính, thể hiện ở chỗ, nhiều hiệp hội vẫn chưa thật sự năng nổ trong việc tìm kiếm nguồn lực cho mình hoặc xây dựng năng lực của chính mình, song vẫn cứ kêu ca thường xuyên thiếu hụt về tài chính hoặc trông chờ nhiều hơn vào sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc từ quỹ nước ngoài. Tôi nghĩ, nếu hiệp hội đặt cách tiếp cận như vậy, không thể nào phát triển bền vững. Phải bằng cách là mình làm tốt cho DN, nói được tiếng nói cộng đồng cho DN, có được những dịch vụ hỗ trợ DN phát triển, làm được nhiều việc tốt cho DN thì người ta sẵn sàng đóng góp cho mình. Để từ đó, mình có nguồn lực và động lực phát triển tốt hơn.

Thứ ba, bản thân các DN thành viên, cần tạo sức ép đủ cho các hiệp hội để làm, mạnh dạn bầu những người xứng đáng làm lãnh đạo hiệp hội. Thậm chí, nếu hiệp hội yếu kém quá, không có vai trò gì thì cũng không nên giữ lại. Mặt khác, DN thành viên cũng phải có trách nhiệm trong xây dựng hiệp hội, nghiêm túc với các hoạt động của hiệp hội và đóng góp cho hiệp hội phát triển…

Trân trọng cảm ơn bà!

Thanh Hà (Thực hiện)

Tin mới

Hà Nội tạm giữ hàng trăm hộp kẹo không rõ nguồn gốc
Hà Nội tạm giữ hàng trăm hộp kẹo không rõ nguồn gốc

Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội vừa kiểm tra, tạm giữ hàng trăm hộp kẹo có xuất xứ nước ngoài, không có hóa đơn chứng từ hợp pháp.

Sắp có hàng loạt quy định mới với thị trường chứng khoán
Sắp có hàng loạt quy định mới với thị trường chứng khoán

Bộ Tài chính vừa chủ trì Hội nghị thảo luận về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Trường Sa hướng về một nhân cách lớn
Trường Sa hướng về một nhân cách lớn

Được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, quân dân huyện đảo Trường Sa bàng hoàng, xúc động; tiếc thương nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc mà bình dị, trọn đời vì nước, vì dân. Biến đau thương thành hành động, quân dân Trường Sa nguyện đem hết sức mình xây dựng huyện Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Nghẹn ngào đưa tiễn nhà lãnh đạo đáng kính của Nhân dân
Nghẹn ngào đưa tiễn nhà lãnh đạo đáng kính của Nhân dân

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng tình cảm của nhân dân với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là thước đo công bằng và chuẩn mực nhất.

Bắc Giang sắp đấu giá 56 lô đất, tổng giá khởi điểm hơn 100 tỷ đồng
Bắc Giang sắp đấu giá 56 lô đất, tổng giá khởi điểm hơn 100 tỷ đồng

Trong tháng Tám, tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng 56 lô đất trên địa bàn.

Long An đấu thầu tìm nhà đầu tư cho dự án hơn 11.000 tỷ đồng.
Long An đấu thầu tìm nhà đầu tư cho dự án hơn 11.000 tỷ đồng.

Dự án có diện tích gần 215 ha. Quy mô dân số khoảng 30.681 người. Tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng.